Theo Savills Việt Nam, hoạt động này đang kéo theo nhiều hệ lụy và khó khăn cho các bên liên quan.
Thứ nhất, việc nhiều khách đến sinh hoạt tại chung cư gây ồn ào, bất tiện cho cư dân. Tần suất đi lại, sử dụng các tiện ích như thang máy, hồ bơi, phòng gym… của khách thuê làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của thiết bị. Chưa kể, nhiều khách thuê ngắn hạn không có ý thức bảo vệ tài sản tại chung như cư dân. Khách lạ tới chung cư thường xuyên khiến cư dân bất an, lo mất an toàn.
Thứ hai, tại nhiều tòa chung cư xảy ra sự chia rẽ sâu sắc giữa 2 nhóm chủ sở hữu cho thuê căn hộ ngắn hạn và nhóm chủ sở hữu đang sinh sống, dẫn đến xung đột. Việc này gây sức ép lên ban quản trị cũng như các đơn vị quản lý.
Thứ ba, ảnh hưởng đến chất lượng các dịch vụ, tiện ích tại dự án; gây quá tải cho nhân sự lễ tân, vệ sinh, bảo vệ, bảo trì, trực hồ bơi….
Cuối cùng là nguy cơ xảy ra các tệ nạn xã hội.
Một chung cư ở trung tâm TP HCM có dịch vụ Airbnb lưu trú ngắn hạn. Ảnh: Lê Tỉnh
Thực tế, thời gian qua, ban quản lý các tòa nhà chung cư đã cung cấp hoạt động dịch vụ lưu trú ngắn hạn đến phường; dán thông báo, gửi thư điện tử đến cư dân khẳng định việc kinh doanh căn hộ như một cơ sở lưu trú du lịch là vi phạm pháp luật nhưng dịch vụ này vẫn diễn ra.
Đơn vị quản lý cũng đã yêu cầu đăng ký thông tin tại quầy lễ tân; lắp đặt hệ thống nhận diện qua FaceID hoặc thẻ từ tại các cửa ra vào; phân luồng sử dụng các tiện ích như thang máy, khu vực sảnh đón, quầy lễ tân… Tuy nhiên, việc thay đổi các nội quy phải được thông qua hội nghị nhà chung cư. Với sự phân cực về quan điểm trong cộng đồng khiến cho kết quả biểu quyết tại các hội nghị nhà chung cư trở nên vô cùng khó đoán.
Theo bà Trần Minh Ái, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Quản lý bất động sản Savills TP HCM, Luật Nhà ở quy định rõ việc chủ sở hữu nhà chung cư cho khách du lịch thuê nhà, phòng ngắn hạn như một cơ sở lưu trú du lịch là vi phạm quy định. Tuy nhiên, nhiều chủ sở hữu căn hộ vẫn tìm cách lách quy định để kinh doanh dịch vụ này.
Các giải pháp về vận hành từ các ban quản lý tòa nhà cũng chỉ là phần ngọn. Những người kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn hạn thường luôn tìm ra cách để đối phó, lách luật.
Để giải quyết tình trạng này triệt để, bà Ái cho rằng các cơ quan chức năng nên có những biện pháp tổng thể như: đưa ra hướng dẫn cụ thể trong quản lý nhà chung cư về hoạt động kinh doanh lưu trú ngắn hạn.
Nếu cấm hoạt động này, cơ quan quản lý Nhà nước cần có chế tài có tính răn đe đối với các trường hợp vi phạm pháp luật. Nếu cho phép thì cần xây dựng hệ thống quản lý minh bạch, yêu cầu các host (người kinh doanh dịch vụ) đăng ký mã số hoạt động kèm trên các tin đăng.
Đồng thời, cần làm việc với với các nền tảng cho thuê lưu trú ngắn hạn như Airbnb để kiểm soát các tin đăng cho thuê tại các khu căn hộ chung cư.
Ngoài ra, sự hỗ trợ và cộng tác từ phía chính quyền địa phương, ban quản lý tại các tòa nhà, cùng với sự thấu hiểu và hợp tác từ cư dân và chủ căn hộ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện thành công các biện pháp quản lý này.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/dich-vu-airbnb-gay-nao-loan-chung-cu-giai-phap-nao-cho-tinh-trang-lon-xon-nay-20231121163203999.htm