Nhiều người vẫn cho rằng chó mèo chỉ là động vật, và dù thế nào chúng cũng không thể sánh bằng với con người. Tuy nhiên, tình cảm mà chúng ta dành cho thú cưng là thật, và có thể lớn đến mức khiến một số người mất đi thú cưng cảm thấy đau đớn vô cùng, thậm chí rơi vào trầm cảm.
Chán nản, trầm cảm sau khi mất thú cưng
Hàng triệu thú cưng đã trở thành một phần của các gia đình trên khắp thế giới. Nhiều người chia sẻ cuộc sống của mình với những người bạn đồng hành là động vật, và cũng coi trọng chúng như những thành viên khác trong gia đình.
Việc cảm thấy buồn bã, sốc và thậm chí tức giận sau khi mất thú cưng là điều tự nhiên và bình thường. Nỗi đau buồn ở mỗi người là khác nhau. Tuy nhiên khi những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực kéo dài cả ngày, hầu như mỗi ngày, sự đau buồn có thể đi kèm với các triệu chứng trầm cảm.
Tâm trạng chán nản, suy sụp tạm thời sau khi mất thú cưng là điều phổ biến, nhưng rối loạn trầm cảm nặng (MDD) lại là một tình trạng sức khỏe tâm thần không được xem như một phần tự nhiên trong quá trình đau buồn.
Theo cẩm nang Chẩn đoán và thống kê rối loạn tâm thần, đau buồn có thể rất mãnh liệt và thậm chí khiến một người bị suy nhược, nhưng thường không dẫn đến MDD. Trong khi đó, MDD có xu hướng xảy ra ở những người đã dễ mắc các chứng rối loạn trầm cảm khác.
Khi cú sốc về sự mất mát giảm dần, bạn vẫn có thể hoạt động, mặc dù có thể phải vượt qua những khoảnh khắc đau buồn. Thời gian trôi qua, nỗi đau thường nguôi ngoai, và tình trạng của bạn sẽ tốt hơn.
Trong khi đó, MDD là một rối loạn sức khỏe tâm thần, gây ra tâm trạng chán nản kéo dài cả ngày, hầu như hằng ngày, cùng với các triệu chứng như: mất động lực, có cảm giác tội lỗi và vô dụng, rối loạn giấc ngủ, năng lượng thấp, cùng nhiều triệu chứng khác.
Không giống như sự đau buồn thông thường, quá trình hồi phục sau MDD có thể cần đến các biện pháp can thiệp trị liệu tâm lý và hỗ trợ bằng thuốc, như thuốc chống trầm cảm.
Mất đi thú cưng giống như mất người thân yêu
Mất thú cưng có thể gây chấn thương. Đối với nhiều người, việc mất đi thú cưng cũng giống như việc mất đi một người thân yêu.
Thú cưng có thể là một yếu tố quan trọng trong hệ thống hỗ trợ của một người, đặc biệt là với người khuyết tật, hoặc người có ít kết nối, chỉ xem thú cưng là “người bạn” duy nhất.
Mặc dù việc sở hữu thú cưng có thể có những mặt tiêu cực, nhưng mối liên kết giữa con người và động vật được xem là động lực tích cực cho sức khỏe tinh thần. Thú cưng có thể mang đến sự đồng hành, hỗ trợ và tình cảm vô điều kiện. Chúng là nguồn an ủi không phán xét.
Nhiều người cũng cảm thấy tự hào khi được sở hữu thú cưng. Thậm chí, thú cưng là lý do để họ ra khỏi giường vào buổi sáng và bắt đầu ngày mới. Việc mất đi thói quen cùng với thú cưng có thể ảnh hưởng đến nhịp sống ở cả mức độ thực tế lẫn cảm xúc.
Không có giới hạn về thời gian cho sự đau buồn, và mỗi người đều khác nhau. Cũng không có sự khác biệt về thời gian đau buồn giữa việc mất thú cưng so với mất người thân. Một số nghiên cứu thậm chí nhấn mạnh nỗi đau buồn khi mất thú cưng có thể kéo dài hơn.
Nghiên cứu từ năm 2012 cho thấy nỗi đau thường bắt đầu cải thiện khoảng 2 tháng sau khi thú cưng mất, trong khi rối loạn đau buồn kéo dài (PGD) thường trong 6 tháng hoặc lâu hơn.
Làm thế nào để vượt qua nỗi đau?
Hãy cho phép bản thân trải qua giai đoạn đau buồn sau khi mất đi thú cưng. Để nỗi đau diễn ra tự nhiên có thể giúp bạn hồi phục nhanh hơn, thay vì kìm nén hoặc cố gắng tìm cách xem nhẹ suy nghĩ và cảm xúc.
Ngoài việc chấp nhận nỗi đau, một số gợi ý sau có thể giúp bạn vượt qua các triệu chứng căng thẳng về thể chất và cảm xúc có thể xảy ra khi mất thú cưng.
Hãy trò chuyện cùng người thân về nỗi đau của mình. Đừng cố gắng quên đi mọi ký ức. Thay vào đó, hãy nhớ về thú cưng với những cảm xúc trân trọng và biết ơn vì chúng đã đến và mang lại những điều tốt đẹp trong cuộc đời chúng ta.
Nếu bạn không có ai để trò chuyện hoặc hiểu những cảm giác bạn đang trải qua, hãy viết nhật ký, ghi lại những cảm xúc của mình.
Đảm bảo rằng bạn dành thời gian để nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc trong thời gian đau buồn. Đừng quên chăm sóc bản thân. Dành cho mình một không gian để được phép buồn bã, thay vì cố gắng tỏ ra mạnh mẽ. Hãy ăn uống đủ dinh dưỡng, hít thở không khí và vận động nhẹ.
Trong trường hợp cảm thấy quá khó khăn, hãy tìm đến các nhà trị liệu tâm lý để được giúp đỡ. Không nên vội vã nhận nuôi một thú cưng mới khi chưa thể vượt qua nỗi đau và chưa sẵn sàng. Cần cho bản thân thời gian để trân trọng thú cưng đã mất, đồng thời xử lý những cảm xúc tiêu cực.
Nguồn: https://tuoitre.vn/vuot-qua-dau-buon-va-tram-cam-khi-mat-thu-cung-20240628115859614.htm