Chiều 1/7, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 17, HĐND TP Hà Nội thảo luận tại các tổ về 4 nội dung; trong đó có Đề án về nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ban hành hành lang pháp lý để có chế tài xử lý
Thảo luận tại tổ 2, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Thanh Tùng (tổ đại biểu quận Cầu Giấy) cho biết, thời gian qua, cả nước và Thủ đô xảy ra nhiều vụ cháy thương tâm. Xuất phát từ các vụ cháy đó, Tổng Bí thư, Thủ tướng đã có những chia sẻ và đề nghị xử lý trong lĩnh vực này theo quy định pháp luật.
Liên quan lĩnh vực PCCC, về hành lang pháp lý, trước đây, quy định thừa vẫn thừa mà thiếu vẫn thiếu, chưa có sự kết nối, thống nhất đồng bộ. Vừa rồi ban hành Luật PCCC và CNCH, nhưng còn cần phải ban hành trong những nghị định để thực hiện.
Luật này liên quan các bộ, ngành như Bộ Xây dựng cũng có vai trò quan trọng trong quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, Bộ Công an tham mưu về lĩnh vực PCCC và CNCH. Thực tế, các địa phương để áp dụng hành lang pháp lý pháp luật vào quy định PCCC chỉ mang tính tức thời, thời sự, còn chưa có sự đồng bộ, liên thông. Ví dụ, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là sự kết nối, quy định rõ, Bộ GTVT làm gì, Bộ Công an làm gì, nên vấn đề này cũng phải đưa ra lộ trình như vậy.
Theo đại biểu: “từ các dự án, giấy phép xây dựng rồi liên quan thanh tra, giám sát kiểm tra, nghiệm thu còn nhiều cái “xin cho”. Chính vì thế, những vấn đề tồn tại quá lâu, qua nhiều thời kỳ, bây giờ xảy ra các vụ cháy, mới lật lại, xuất phát từ nguyên nhân gì để xảy ra các vụ cháy, chúng tôi phải điều tra, xem xét tổng thể”.
Phó Giám đốc Công an TP cho biết, việc quy trách nhiệm trong Luật có rồi, nghị định có rồi nên ban hành đề án này là rất kịp thời. Từ đó, hỗ trợ cho lực lượng tham gia vào công việc khó khăn vất vả như thế này. Ban hành cơ chế khắc phục, thì cả Nhà nước và Nhân dân cùng làm.
Tới đây, Hà Nội áp dụng Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa thông qua, quy hoạch của Thủ đô các giai đoạn, từ đó ban hành hành lang pháp lý để có chế tài xử lý, ban hành cơ chế đặc thù để dần triệt tiêu những công trình vi phạm. Đồng thời, phải đưa ra lộ trình, nếu không có kinh phí, không có hỗ trợ, không sát sao thì không thể giải quyết được.
Nâng cao nhận thức người dân về công tác PCCC
Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân – Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội cho hay, để công tác PCCC đạt hiệu quả hơn cùng với các giải pháp, cần chuyển đổi ý thức của các hộ dân. Xuất phát từ suy nghĩ đó, đề nghị TP nên có đợt sinh hoạt chính trị chuyên đề, sâu rộng, huy động sự vào cuộc của MTTQ và các tổ chức đoàn thể để trở thành ý thức nét đẹp văn hoá của người Hà Nội trong thực hiện trật tự văn minh đô thị.
Đại biểu Nguyễn Vũ Bích Hiền (Tổ huyện Sóc Sơn) đồng tình cao với những giải pháp được thành phố nêu ra tại Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn PCCC và CNCH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, bởi đây là những vấn đề cấp thiết nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
Đại biểu cho rằng, giải pháp mang tính lâu dài, căn cơ vẫn là là tuyên tuyền giáo dục cho người dân về an toàn PCCC và CNCH. Công tác tuyên truyền cần quan tâm thực hiện nhiều hơn nữa trong nhà trường tại các cấp học, từ mầm non trở lên.
Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Anh Tuấn (tổ Mê Linh) cho rằng, sau khi ban hành Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn PCCC và CNCH trên địa bàn Thủ đô, thành phố phải có kế hoạch chi tiết tuyên truyền vận động để mỗi người dân có ý thức cao, gắn trách nhiệm trong bảo đảm an toàn cho chính bản thân, gia đình mình trước nguy cơ cháy nổ thì đề án mới phát huy hiệu quả.
Đồng tình với Đề án PCCC, đại biểu Nguyễn Ngọc Việt (tổ huyện Mỹ Đức) cho biết, trong bối cảnh lịch sử để lại có quá nhiều vụ cháy nghiêm trọng, Hà Nội cần thiết thông qua đề án tổng thể. Thời gian qua, mặc dù các cấp, các ngành vào cuộc, nhưng qua đề án cho thấy sự vào cuộc của cả tầng lớp nhân dân. Sau khi có đề án, không chỉ đầu tư, hạ tầng kỹ thuật, PCCC chuyên nghiêp… mà có cả toàn dân tham gia. Vì thế, cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, ý thức trách nhiệm của nhân dân, nhất là lực lượng dân phòng, tổ chức chính trị xã hội; ngành giáo dục…
Quan tâm tới vấn đề PCCC, đại biểu Trương Hải Long (tổ huyện Thạch Thất) đề xuất cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao kỹ năng PCCC; tăng cường chế tài xử lý nghiêm những cơ sở kinh doanh vi phạm quy định về PCCC. Nếu không có giải pháp quyết liệt thì không tránh khỏi xảy ra các vụ cháy và các thiệt hại.
Theo đại biểu Nguyễn Doãn Hoàn (Tổ trưởng Tổ huyện Phúc Thọ), cần nhất là nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng chống, cháy nổ; cùng đó cần có sự cương quyết trong thực hiện các chế tài; kiểm tra các thiết bị tối thiểu nhất về công tác PCCC. Cần rà soát, đánh giá toàn bộ hệ thống liên quan đến PCCC, đồng thời cần đưa vào giải pháp mạnh. Đề nghị UBND TP chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương quan tâm đầu tư cho công tác phòng, chống cháy nổ.
Trưởng Ban Kiểm tra Thành ủy Vũ Đức Bảo (đại biểu tổ quận Long Biên) cũng nhấn mạnh, Đề án này nếu chỉ tập trung đầu tư, chưa giải quyết được cơ bản mà phải đầu tư tuyên truyền để nâng cao nhận thức. Câu chuyện phải bàn là ý thức người dân và giải quyết vấn đề tồn tại hiện nay, vì nhà trọ, chung cư mini vẫn phải hoạt động kinh doanh.
Trong thảo luận tổ, các đại biểu cũng đề nghị UBND TP và chính quyền địa phương tổng rà soát tới từng căn hộ, để nhận diện được từng hộ dân, từng doanh nghiệp đã có phương án PCCC hay chưa; đồng thời nâng cao ý thức về PCCC của mỗi người dân, doanh nghiệp, mỗi hộ kinh doanh. Về lâu dài cần có chiến lược từng ngôi nhà, từng khu chung cư đều phải có bảo đảm quy định về PCCC, mới giải quyết được căn cơ vấn đề.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-ban-hanh-co-che-dac-thu-triet-tieu-cac-cong-trinh-vi-pham-pccc.html