DNVN – Việc giá tôm nguyên liệu tại các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng giảm mạnh kể từ tháng 5 đến nay khiến ngành tôm đối diện thêm thách thức.
Giá tôm nguyên liệu giảm mạnh
Số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, 5 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu tôm sang 103 thị trường, mang về 1,3 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy vậy, ngành tôm vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức khi tình hình kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi, lạm phát vẫn cao.
Đặc biệt là giá tôm nguyên liệu tại vùng đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng giảm mạnh. Theo ghi nhận của VASEP về giá tôm ngày 12/6 tại tỉnh Kiên Giang: tôm sú giảm từ 30.000 – 40.000 đồng/kg tùy kích cỡ so với cách đây 1 tháng. Cụ thể, tôm sú loại 20 – 30 con/kg thương lái mua với giá 250.000 đồng/kg, giảm khoảng 40.000 đồng/kg. Tôm sú 50 con/kg cách đây 1 tháng có giá khoảng 130.000 – 135.000 đồng/kg, hiện giảm còn 95.000 đồng/kg.
Tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg, thương lái mua giá 66.000 – 70.000 đồng/kg, giảm khoảng 20.000 đồng/kg. Tôm thẻ loại 50 – 60 con/kg giá 73.000 đồng, giảm 30.000 đồng/kg. Tôm thẻ loại 70 – 80 con/kg giá 70.000 đồng/kg, giảm 25.000 đồng/kg.
Ngành tôm vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có việc giá tôm nguyên liệu giảm mạnh.
Tương tự, giá tôm thẻ chân trắng tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre… cũng đang ở mức thấp, giảm mạnh so với đầu năm.
Lý giải nguyên nhân việc giá tôm giảm mạnh, một số doanh nghiệp và thương lái cho biết là do nguồn cung vượt cầu. Bên cạnh đó, tôm đang vào vụ mùa, thời tiết thuận lợi nên sản lượng thu hoạch lớn. Cùng đó, các công ty thu mua tôm xuất khẩu giảm sản lượng. Hoạt động xuất khẩu tôm của doanh nghiệp cũng phải đối mặt với không ít khó khăn do nhu cầu thị trường chậm, chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn do giá cước vận tải tăng và thiếu container, căng thẳng Biển Đỏ.
Trong khi đó, giá tôm từ Ấn Độ, Indonesia, Ecuador đang chào giá thấp. Giá tiêu thụ trên thị trường thế giới vẫn thấp và tôm Ecuador tiếp tục được bán với giá ngày càng rẻ.
Cũng theo VASEP, giá tôm nguyên liệu từ các nguồn cung lớn trên thế giới đều giảm. Trong đó, giá tôm nguyên liệu tại Trung Quốc trong tuần 25 (từ ngày 17-23/6) giảm xuống gần mức thấp nhất trong 1 thập kỷ do sản lượng đạt đỉnh theo mùa. Tôm cỡ 60 con/kg giảm 22% và tôm cỡ 80 con giảm 25% so với tuần trước đó.
Giá tôm Ecuador trong tuần 24 (từ ngày 10-16/6/) đạt khoảng 3,9 USD/kg đối với loại 20/30 và 3,5 USD/kg đối với loại 30/40. Giá tôm cỡ 40/50, 50/60, 60/70, 70/80 và 80/100 không đổi ở mức 3,3 USD/kg, 3,15 USD/kg, 2,8 USD/kg, 2,3 USD/kg và 1,9 USD/kg.
Nguồn cung dư thừa khiến giá bán giảm mạnh, điều này cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận và khả năng duy trì hoạt động bền vững của người nuôi.
VASEP nhận định, giá tôm thời gian tới chưa rõ ràng, vì bên cạnh yếu tố nhu cầu thị trường còn tùy thuộc vào vụ chính của các cường quốc tôm như Eucador, Ấn Ðộ, Việt Nam. Riêng Ecuador càng khó đoán định hơn do họ có thể nuôi tôm được quanh năm.
Theo một số doanh nghiệp, giá tôm có tăng trở lại hay không vẫn chưa thể nói trước được. Tuy vậy, khả năng giá tôm giảm thêm sẽ rất khó xảy ra, bởi gần đây đã có vài doanh nghiệp nâng giá thu mua lên, dù chưa nhiều. Điều này cho thấy, doanh nghiệp vẫn đang có nhu cầu thu mua tôm nguyên liệu. Giá tôm nguyên liệu có khả năng sẽ tăng trở lại muộn nhất vào tháng 8 khi qua vụ thu hoạch chính ở các nguồn cung trên thế giới, nhu cầu từ các thị trường tích cực hơn chuẩn bị cho giai đoạn cuối năm.
Cần đẩy mạnh mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị
Cơ quan chức năng đã có khuyến cáo người nuôi ổn định tâm lý, tránh thu hoạch tôm nuôi ồ ạt, duy trì thả nuôi ổn định với mật độ thưa hơn, kéo dài thời gian nuôi để tăng kích cỡ tôm thu hoạch size lớn, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, tăng giá bán, từ đó tăng hiệu suất đầu tư.
Hoặc có thể tăng mật độ nuôi để tăng sản lượng thu hoạch, tiến hành thu tỉa dần, số lượng còn lại trong ao sẽ có môi trường thuận lợi tăng trưởng nhanh hơn. Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nắm bắt tình hình diễn biến giá tôm nguyên liệu, phân tích hiệu quả sản xuất từng cỡ tôm thu hoạch, dự báo diễn biến nhu cầu của thị trường tiêu thụ.
Về lâu dài, VASEP cho rằng, muốn giảm giá thành sản xuất và tạo nên sức bật mới cho con tôm, giúp người nuôi tôm bảo đảm sản xuất có lợi nhuận thì việc đẩy mạnh các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị phải được quan tâm nhiều hơn nữa.
Cùng với đó, có chiến lược trong phát triển ngành chế biến thức ăn, vật tư phục vụ cho nuôi tôm, hướng đến tự chủ. Đồng thời, không ngừng cải tiến quy trình nuôi, kiểm soát chặt chất lượng con giống, vật tư và nhất là quản lý tốt môi trường để hướng đến việc hình thành, xây dựng nên những mô hình nuôi tôm hiện đại, bền vững, giá thành sản xuất thấp và mang lại nhiều lợi nhuận cho người nuôi tôm.
Nguyệt Minh
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/gia-giam-manh-nganh-tom-doi-dien-them-thach-thuc/20240701090355454