Cô Phan Thị Lệ chuyển tới lớp tôi dạy toán giữa năm học lớp 11, thay cho cô giáo dạy toán nghỉ thai sản. Trước đó, một số giáo viên khác được phân công tới dạy thay cho lớp nhưng cũng chỉ được thời gian ngắn.
“Cứu rỗi” nhiều học trò
Cô Lệ chuyển từ một trường huyện lên dạy Trường chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa). Lớp tôi là lớp chuyên Pháp và toán là 1 trong 3 môn quan trọng cho học sinh khối D, bên cạnh môn văn. Với tôi và một số bạn trong lớp thi khối A thì toán là môn đặc biệt quan trọng.
Cô Lệ cao ráo, tóc ngắn, giọng nói sang sảng, đầy nhiệt huyết. Cô hát rất hay, nghe như giọng ca sĩ trên đài phát thanh. Có lần lớp tôi được nghe cô hát mà ai cũng ngỡ ngàng.
Nói không quá lời, khi tới lớp tôi, cô đã “cứu rỗi” cho bao nhiêu học trò, đặc biệt là các bạn nam nhác học và một số bạn nữ học yếu, mất căn bản về toán. Cô vực dậy việc học của lớp tôi một cách toàn diện và triệt để. Cô đánh tan nỗi sợ môn toán và thổi vào môn học khô cứng ấy bằng phương cách hiệu quả.
Tôi thấy được tâm huyết trong từng giờ cô dạy. Trong khi lớp khác đã tan học ra về ngang qua cửa lớp tôi, cô vẫn nán lại dạy cho hết bài. Thường thì đám học trò hay sốt ruột nhốn nháo để ra về theo lớp bạn. Nhưng không, 40 cặp mắt vẫn dõi theo từng lời, từng công thức toán học cô dạy và từng đường vẽ nét liền, nét đứt của bài hình học không gian phức tạp.
Kiến thức sư phạm nghề giáo không khó, nhất là với các giáo viên lâu năm trong nghề. Nhưng cách truyền đạt và truyền lửa, truyền sự ham học cho học sinh thì không phải ai cũng làm được.
Tôi học qua rất nhiều giáo viên dạy toán giỏi của tỉnh. Các thầy rất nổi tiếng, có nhiều học sinh đoạt huy chương vàng quốc tế và đã ôn luyện đại học nhiều năm. Thế nhưng, sự nhiệt tâm trước lớp của cô Lệ vẫn gây ấn tượng lớn.
Tôi là học sinh giỏi toán nhất lớp nên được cô chọn đi thi học sinh giỏi tỉnh. Lớp chuyên Pháp so với lớp chuyên toán thì như ở hai đẳng cấp khác nhau, chênh lệch lớn. Vì thế, được lựa chọn thi học sinh giỏi toán tỉnh xem như đi cho biết, tôi cũng không quá đặt nặng thành tích. Tôi chủ yếu luyện thi đại học, đó mới là mục tiêu quan trọng.
Nhưng cô Lệ thì khác. Cô bảo: “Không làm thì thôi, đã làm thì phải ra tấm ra món”. Suốt các buổi chiều gần một tháng trời, tôi tới nhà cô học bài. Cô trò miệt mài ôn luyện đề thi, các kiểu bài khó. Cô tìm các bài thi toán cấp tỉnh của những năm trước rồi giảng cho tôi. Tối trước hôm thi, cô trò còn luyện một đề lần cuối.
Năm đó đề thi khá khó, tổng số điểm 20 cho 3 trang đề bài. Tôi chỉ chịu thua một bài toán sao cuối cùng. Kết quả, bài thi của tôi đạt 16,5/20 – được giải nhì. Cô là người biết kết quả thi và báo cho tôi qua điện thoại. Khi đó, tôi có cảm tưởng cô còn vui hơn tôi.
Nhờ đó, lần đầu tiên tôi được hoa khôi của lớp bắt chuyện. Chuyện là buổi trưa có kết quả, buổi chiều học thêm trên trường, tôi tới lớp muộn, tình cờ gặp cô nàng ở cửa lớp. “Bạn Sơn được giải nhì nhé, bạn giỏi thế” – được cô bạn xinh đẹp khen khiến tôi vừa hãnh diện vừa ngại ngùng.
Tình cô trò khăng khít
Tôi thi Trường Đại học Bách khoa. Môn toán năm đó khó thì không khó nhưng chỉ dễ một số bài đầu. Bài tích phân không khó nhưng đáp án của phép tính là một phân số lẻ làm nhiều người hoang mang, không biết đúng sai.
Tôi nhớ bài toán chứng minh lượng giác kiểu bất đẳng thức và bài toán chỉnh hợp tổ hợp khá khó. Tôi làm bài toán lượng giác theo kiểu “trâu bò húc”, nghĩa là đặt biến số và đưa vế trái về cùng một biến. Sau đó, tôi chứng minh với điều kiện đưa ra thì phương trình vô nghiệm. Còn bài toán chỉnh hợp, vì chưa thể nghĩ ra được, tôi chừa một khoảng trống để khi làm xong các bài khác thì quay lại làm. Nếu cứ lao đầu vào một bài toán hóc búa thì sẽ bị bỏ lỡ các bài khác. Làm toán hay môn nào, muốn đạt điểm cao, tôi nghĩ phải có chiến thuật hợp lý, bóc dần từng mảng, từ dễ tới khó – trừ khi đạt đẳng cấp “siêu sao”, là cái gì cũng dễ dàng.
Tới khi thời gian còn lại không được bao nhiêu, tôi nhớ ra được công thức tổ hợp và hoàn thành bài đó vừa vặn trang giấy để lại. Môn toán tôi được 10 điểm. Tôi nghĩ điểm 10 đó là kết quả tri ân tốt nhất mà mình dành cho cô Lệ. Tôi báo tin cho cô, không quên báo thêm điểm 10 môn hóa và điểm 9,5 môn lý.
Tôi ra Hà Nội học đại học. Dịp 20-11 năm đó, tôi không quên gọi điện về chúc mừng cô. Dịp Tết, cả lớp rủ nhau đi chúc Tết các thầy cô. Chúng tôi tới nhà thầy giáo chủ nhiệm dạy môn tiếng Pháp, tới nhà cô dạy môn văn… Rất tự nhiên như đứa con xa nhà trở về, chúng tôi tới nhà cô Lệ. Ai cũng cố ngồi gần cô để chuyện trò, để được cô hỏi thăm. Vinh, Linh, Hiếu, Tuấn…, bạn nào cũng yêu quý cô.
Hôm rồi, chúng tôi tổ chức hội khóa kỷ niệm 20 năm ngày ra trường. Buổi chiều, chúng tôi về lại trường cũ để họp mặt, chụp ảnh và được gặp lại cô Lệ.
Cô trò lâu lắm rồi mới gặp lại mà tình cảm vẫn khăng khít như thuở nào tôi còn tới nhà ôn thi với cô. Cô cầm tay tôi ân cần hỏi thăm. Giây phút ấy, tôi thấy tình cô trò thật thiêng liêng và trân quý. Gặp cô, bao xúc động trào dâng trong tôi. Tôi biết với các thầy cô, được gặp lại học trò, nghe kể về sự trưởng thành cũng là niềm vui lớn. Cô giáo xinh đẹp của tôi vẫn thế, sự nhiệt tâm toát lên trong từng lời nói. Cô vẫn dịu dàng thân thương quá đỗi…
Nhiệt tâm, chân thành
Thời gian làm tóc cô Lệ ngày càng thêm sợi bạc, nét cười hằn vết chân chim. Nhiều học trò giờ đã con bế con bồng nhưng năm tháng ấy mãi in hằn trong ký ức tôi. Trong ký ức đó, cô Lệ với tôi và bao bạn học của lớp Pháp khóa 2001-2004 vẫn luôn là một cô giáo nhiệt tâm, chân thành đáng quý và xinh đẹp nhất.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Nguồn: https://nld.com.vn/cuoc-thi-nguoi-thay-kinh-yeu-doc-het-tam-huyet-tren-buc-giang-196240630220350533.htm