Khởi công KCN VSIP Hà Tĩnh hơn 1.555 tỷ đồng; Hơn 1.165 triệu USD vốn FDI vào Hà Nội
Khởi công dự án KCN VSIP Hà Tĩnh có tổng mức đầu tư hơn 1.555 tỷ đồng; Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Hà Nội thu hút hơn 1.165 triệu USD vốn FDI, tăng 52%…
Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.
Hậu Giang cần 330.000 tỷ đồng vốn đầu tư thời kỳ quy hoạch 2021 – 2030
Đó là tổng số vốn từ nguồn vốn đầu tư công, ngoài đầu tư công, FDI… để triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Một góc tỉnh Hậu Giang (Ảnh: VGP) |
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 556/QĐ-TTg ngày 22/6/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1588/QĐ-TTg ngày 8/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phân công trách nhiệm chủ trì và trách nhiệm phối hợp giữa tỉnh Hậu Giang và các bộ, ngành trung ương bảo đảm thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh. Đồng bộ hệ thống các quy hoạch trên địa bàn tỉnh; bảo đảm sự thống nhất giữa Quy hoạch tỉnh với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch ngành cấp quốc gia, quy hoạch vùng và các quy hoạch có liên quan. Xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực thực hiện Quy hoạch tỉnh.
Quyết định nêu rõ về việc triển khai thực hiện các Dự án theo Quy hoạch tỉnh. Theo đó, nguyên tắc xác định các dự án đầu tư công là: Tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản của cấp có thẩm quyền liên quan về đầu tư công; hoàn thiện cơ sở hạ tầng từ các dự án đã và đang thực hiện từ nguồn vốn đầu tư công nhằm phát huy hiệu quả công trình, dự án mang lại; lấy đầu tư công kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội.
Ưu tiên các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, phục vụ phát triển công nghiệp và dịch vụ logistics trên địa bàn huyện Châu Thành và Châu Thành A, các dự án theo hai hành lang kinh tế là cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng và cao tốc Cần Thơ – Cà Mau; hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, an sinh xã hội; hạ tầng kỹ thuật đô thị tại bốn vùng kinh tế – xã hội động lực đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh để thu hút các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả.
Tiếp tục ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, đê điều, cấp nước, thoát nước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công: Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư gồm: Hệ thống cảng biển, bến cảng đường thủy nội địa, hạ tầng logistics; hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ cao; khu công nghệ số; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển nguồn điện; cấp nước sạch; thương mại, các loại hình dịch vụ, du lịch dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, bảo vệ môi trường và các lĩnh vực phúc lợi xã hội khác.
Tăng cường hợp tác công – tư (PPP) trên cơ sở cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); xây dựng chính sách đột phá để phát triển hạ tầng chiến lược, tập trung phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp quy mô lớn và doanh nghiệp FDI; thúc đẩy liên kết ngân hàng – doanh nghiệp, hỗ trợ các nhà đầu tư nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư.
Vị trí, phạm vi ranh giới, diện tích đất sử dụng, hướng tuyến, cơ cấu tổng mức đầu tư, nguồn vốn thực hiện và các thông tin chi tiết của dự án sẽ được cụ thể hóa trong quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, hoặc trong giai đoạn lập, thẩm định, chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các chương trình, dự án.
Dự án ưu tiên và phân kỳ đầu tư thực hiện Quy hoạch tỉnh (Danh mục tại Phụ lục II kèm theo).
Nguồn lực thực hiện quy hoạch
Triển khai các giải pháp huy động vốn trong Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; triển khai hiệu quả nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước hàng năm; đẩy mạnh hợp tác công tư, khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt các nguồn lực của xã hội.
Thực hiện mục tiêu tăng trưởng bình quân GRDP là 8,7%/năm trong thời kỳ quy hoạch 2021 – 2030, tỉnh Hậu Giang cần huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 330.000 tỷ đồng.
UBND tỉnh Hậu Giang chịu trách nhiệm về tính chính xác của các nội dung, thông tin, số liệu trong hồ sơ trình phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Tổ chức công bố, tuyên truyền, phổ biến thông tin rộng rãi tới Nhân dân, các cơ quan, tổ chức liên quan, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài và chỉ đạo tổ chức thực hiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Hậu Giang, tạo đồng thuận và điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án phát triển đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
TP.HCM chưa bố trí được khoản vốn 12.599 tỷ đồng để đầu tư 3 dự án cải tạo kênh rạch
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM mới đây có văn bản số 7712/SKHĐt-KTN báo cáo UBND Thành phố về việc bố trí vốn để thực hiện các Dự án cải tạo môi trường và di dời nhà ven kênh, rạch.
Hàng chục nghìn căn nhà lụp xụp ven kênh rạch tại TP.HCM chưa được di dời để cải tạo môi trường các dòng kênh ô nhiễm. |
Hiện tại, TP.HCM đã cân đối bố trí đủ vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 và vốn kế hoạch hàng năm để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng cho 7 dự án cải tạo kênh, rạch.
Trong đó có một số dự án tổng vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng như: Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, tổng mức đầu tư hơn 9.600 tỷ đồng, kế hoạch vốn đã giao năm 2024 là 6.212 tỷ đồng; Dự án nạo vét, cải tạo môi trường bờ Bắc kênh Đôi, Quận 8 tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, vốn trung hạn giao đoạn 2021-2025 đã giao là 3.403 tỷ đồng.
Do bố trí vốn cho nhiều dự án cấp bách khác nên còn 3 dự án gồm: cải tạo kênh Hy Vọng, quận Tân Bình (1.980 tỷ đồng); Dự án nạo vét cải tạo rạch Văn Thánh, quận Bình Thạnh (6.191 tỷ đồng); Dự án Xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường Kênh Tẻ (mở rộng đường Tôn Thất Thuyết và công viên cây xanh dọc bờ Kênh Tẻ, vốn đầu tư 4.428 tỷ đồng).
Ngày 26/2/2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư có Tờ trình số 2042/TTr-SKHĐT báo cáo UBND TP.HCM điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương, trong đó có báo cáo UBND Thành phố về khả năng cân đối nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 còn lại cho các dự án.
Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quá trình xây dựng phương án sử dụng vốn đầu tư công trung hạn tăng thêm giai đoạn 2021-2025, các cơ quan liên quan chưa ưu tiên cân đối vốn cho 3 dự án nói trên để triển khai các thủ tục đầu tư tiếp theo.
Ngày 8/3/2024 UBND TP.HCM có Tờ trình số 1148/TTr – UBND trình HĐND Thành phố bổ sung vốn trung hạn cho nhiều dự án. Tuy nhiên, trong danh sách bổ sung vốn không có 3 dự án cải tạo kênh Hy Vọng; rạch Văn Thánh và cải tạo môi trường Kênh Tẻ.
Để sớm khởi công 3 dự án cải tạo kênh Hy Vọng; rạch Văn Thánh và cải tạo môi trường Kênh Tẻ, Sở Giao thông – Vận tải, Sở Xây dựng đề xuất UBND Thành phố bổ sung vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030 để làm thủ tục đầu tư tiếp theo.
Quảng Nam kiến nghị đầu tư 2.400 tỷ đồng xây đường kết nối vùng Sâm Ngọc Linh
Ngày 25/6, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ để kiến nghị, đề xuất một số chủ trương về Chương trình phát triển Sâm Ngọc Linh.
Quảng Nam kiến nghị thực hiện loạt giải pháp để phát huy giá trị Sâm Ngọc Linh. |
Quảng Nam đề nghị Chính phủ quan tâm chủ trì sơ kết thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Từ đó làm cơ sở cho các tỉnh đánh giá kết quả đạt được và có những kiến nghị về khó khăn, vướng mắc.
Quảng Nam cũng kiến nghị Chính phủ chủ trương đầu tư hạ tầng giao thông kết nối đến thủ phủ vùng Sâm Ngọc Linh.
Theo đó, nâng cấp quốc lộ 40B, đoạn huyện Bắc Trà My – giáp tỉnh Kon Tum, dài 45 km, dự kiến kinh phí khoảng 1.500 tỷ đồng. Tỉnh Quảng Nam chịu kinh phí giải phóng đền bù.
Ngoài ra, đầu tư xây dựng tuyến đường chiến lược vùng Sâm Ngọc Linh, dài 60 km, dự kiến kinh phí khoảng 911 tỷ đồng.
Về thu hút đầu tư, tỉnh Quảng Nam đề xuất Chính phủ có chủ trương trình Quốc hội ban hành Luật Sâm Việt Nam. Kêu gọi và thu hút các tập đoàn lớn vào đầu tư phát triển sâm tại Quảng Nam như Vingroup, TH True milk.
Chọn 1 ngày trong năm người dân Việt Nam dùng Sâm Việt Nam, tỉnh Quảng Nam đề xuất ngày 1/8 hằng năm.
Quảng Nam cũng đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm hướng dẫn việc thuê dịch vụ môi trường rừng trồng Sâm Ngọc Linh và dược liệu. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất tổ chức Lễ hội Sâm quốc gia tại Quảng Nam vào năm 2025; Chương trình phát triển du lịch Sâm Việt Nam.
Bộ y tế sớm thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với Sâm Ngọc Linh là cây chủ lực; có cơ chế đưa sản phẩm Sâm Việt Nam vào bảo hiểm y tế…
Quảng Nam đang triển khai thực hiện Chương trình phát triển sâm trên địa bàn tỉnh và bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Sâm Ngọc Linh tạo thu nhập ổn định cho người dân và doanh nghiệp.
Hiện diện tích quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh tại Quảng Nàm là 15.567 ha. Bên cạnh đó, Quảng Nam cũng đang nghiên cứu trồng di thực Sâm Ngọc Linh ở một số địa phương khác có điều kiện tương đồng để mở rộng, phát triển diện tích trồng Sâm Ngọc Linh…
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, việc phát triển Sâm Ngọc Linh đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết. Trong đó có vướng mắc về cho thuê môi trường rừng trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất để nuôi, trồng phát triển cây dược liệu…
Chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc cấp, quản lý mã số vùng trồng cho cây Sâm Ngọc Linh và các loài cây dược liệu khác trồng trên đất Lâm nghiệp, dưới tán rừng tự nhiên.
Ngoài ra, việc thu hút đầu tư, phát triển, xây dựng hình thành các nhà máy, khu công nghiệp dược còn nhiều hạn chế; chưa có sự tham gia của tập đoàn kinh tế lớn với tiềm lực đủ mạnh trong việc trồng, phát triển và chế biến cây Sâm Ngọc Linh…
Đà Nẵng thúc đẩy hợp tác Hoa Kỳ trên các lĩnh vực bán dẫn, kinh tế số
Ngày 25/6, UBND TP. Đà Nẵng đã tổ chức Lễ ra mắt Tổ công tác xúc tiến hợp tác Đà Nẵng – Hoa Kỳ.
Phó chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh khẳng định, Tổ công tác xúc tiến hợp tác Đà Nẵng – Hoa Kỳ đánh dấu một bước tiến mới trong quan hệ hợp tác giữa hai bên.
TP. Đà Nẵng đã tổ chức Lễ ra mắt Tổ công tác xúc tiến hợp tác Đà Nẵng – Hoa Kỳ. |
Trong những năm qua, Hoa Kỳ luôn là đối tác quan trọng của TP. Đà Nẵng, cả trong lĩnh vực đầu tư, thương mại, giáo dục đào tạo.
Theo ông Hồ Kỳ Minh, việc thành lập Tổ công tác xúc tiến hợp tác Đà Nẵng – Hoa Kỳ thể hiện mong muốn của hai bên trong việc đẩy mạnh hợp tác, trao đổi thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước đầu tư, kinh doanh.
Đặc biệt là trong các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến đầu tư, đổi mới sáng tạo, công nghệ bán dẫn, kinh tế số, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Tổ công tác còn có vai trò quan trọng trong việc kết nối các doanh nghiệp hai bên, hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hợp tác, đồng thời đề xuất các giải pháp, định hướng hợp tác hiệu quả trong thời gian đến.
Trên địa bàn TP. Đà Nẵng có 82 Dự án của các nhà đầu tư Hoa Kỳ còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư hơn 831 triệu USD. Hoa Kỳ xếp thứ 3 trên tổng số 45 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Đà Nẵng, chủ yếu là trong lĩnh vực du lịch, bất động sản, công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ..
Hoa Kỳ cũng hỗ trợ 4 dự án ODA tại Đà Nẵng với tổng số vốn khoảng 46,59 triệu USD.
Ngoài ra, các tổ chức phi chính phủ Hoa Kỳ đang tài trợ cho Đà Nẵng 9 dự án. Trong đó một số dự án lớn như: Chương trình đô thị quận Sơn Trà” do World Vision International tài trợ với kinh phí 45 tỷ đồng (2020-2022); Dự án “Xây dựng thành phố lành mạnh” do East Meets West Foundation tài trợ với kinh phí hơn 9,4 tỷ đồng..
Bà Susan Burns – Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM khẳng định, việc thành lập Tổ công tác xúc tiến hợp tác Đà Nẵng – Hoa Kỳ thể hiện mong muốn của hai bên trong việc đẩy mạnh hơn nữa hợp tác, hướng đến mục tiêu phát triển trên các lĩnh vực phát triển bền vững, tăng trưởng xanh; hợp tác trong ngành công nghiệp bán dẫn, giáo dục …
Hoa Kỳ mong muốn triển khai phương thức mới để đóng góp vào sự phát triển Đà Nẵng; tin tưởng hai bên sẽ cùng nhau xây dựng nhóm làm việc chung hiệu quả, thành công, làm nền tảng cho mối quan hệ hợp tác giữa Hoa Kỳ và Đà Nẵng.
Tổ công tác xúc tiến hợp tác Đà Nẵng – Hoa Kỳ do Phó chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Kỳ Minh làm Tổ trưởng; Giám đốc Sở Ngoại vụ Thành phố Nguyễn Xuân Bình làm Tổ phó… Về phía Hoa Kỳ, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ Susan Burns làm Tổ trưởng
Tổ công tác Xúc tiến hợp tác Hoa Kỳ – Đà Nẵng có nhiệm vụ tham mưu UBND Thành phố phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM xúc tiến các hoạt động hợp tác giữa TP. Đà Nẵng và các đối tác Hoa Kỳ.
Tổ hợp tác sẽ tập trung vào 6 lĩnh vực. Cụ thể phát triển công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và phát triển nền kinh tế số. Thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Ngoài ra hợp tác trên lĩnh giáo dục, đào tạo và phát triển lực lượng lao động chăm sóc sức khỏe chất lượng cao; xúc tiến đầu tư; thúc đẩy hợp tác du lịch…
Khởi công dự án Khu công nghiệp VSIP Hà Tĩnh có tổng mức đầu tư hơn 1.555 tỷ đồng
Ngày 25/6, UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Công ty CP Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP) tổ chức lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Bắc Thạch Hà (Hà Tĩnh).
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cùng các đại biểu nhấn nút khởi công Dự án Khu công nghiệp. |
Tham dự buổi lễ có Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương; đại diện chủ đầu tư(Tập đoàn VSIP); các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế; lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và một số tỉnh, thành phố trong nước.
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Bắc Thạch Hà được chấp thuận chủ trương đầu tư theo Quyết định số 1003/QĐ-TTg ngày 29/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Dự án do Công ty CP Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP) làm chủ đầu tư.
Tổng mức đầu tư của dự án hơn 1.555 tỷ đồng. Quy mô sử dụng đất dự án là 190,41 ha được đầu tư xây dựng tại địa bàn 2 xã Thạch Liên và Việt Tiến thuộc huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh.
Phát biểu tại buổi lễ khởi công, ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ: Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; là một trong những nội dung để cụ thể hóa văn kiện ghi nhớ hợp tác đầu tư Việt Nam – Singapore, ký ngày 29/8/2023 – nhân dịp Thủ tướng Singapore thăm chính thức Việt Nam – kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.
Chủ tịch Hà Tĩnh cũng nhấn mạnh, đối với Hà Tĩnh, dự án này đánh dấu bước đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp theo chiều sâu, gắn với mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; góp phần quan trọng tăng thu ngân sách, tăng cường nội lực của Hà Tĩnh cho đầu tư phát triển, tạo việc làm và giải quyết tốt hơn các vấn đề an sinh xã hội; cùng với các dự án trọng điểm khác góp phần đưa Hà Tĩnh từng bước trở thành một trong những điểm phát triển của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung.
Ông Tan Cheng Guan – Phó chủ tịch Điều hành Tập đoàn Sembcorp Industries – Đại diện cho chủ đầu tư phát biểu tại buổi lễ khởi công: “Sự phát triển mạnh mẽ của Tập đoàn VSIP chính là minh chứng cho mối quan hệ hữu nghị bền chặt và lâu dài giữa hai quốc gia. Kể từ khi khu công nghiệp đầu tiên được thành lập vào năm 1996 tại tỉnh Bình Dương, VSIP đã thành công trong việc nhân rộng mô hình khu liên hợp công nghiệp, đô thị và dịch vụ kiểu mẫu trên khắp 13 tỉnh thành của Việt Nam. Và hôm nay, chúng tôi đánh dấu một cột mốc quan trọng khác là Lễ khởi công Dự án Khu công nghiệp VSIP Hà Tĩnh tại khu vực Bắc Trung Bộ”.
“Chúng tôi rất vui mừng vì Quy hoạch tổng thể tỉnh Hà Tĩnh đã đặt ra mục tiêu đẩy mạnh phát triển đến năm 2030, với tầm nhìn mở rộng đến năm 2050. Tỉnh Hà Tĩnh phấn đấu đến đến năm 2030 sẽ trở thành động lực tăng trưởng và trụ cột kinh tế của cả khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Chúng tôi tin tưởng rằng VSIP Hà Tĩnh có thể đóng vai trò như chất xúc tác và động lực để đạt được các mục tiêu mà Tỉnh đã đề ra”, ông Tan Cheng Guan nói.
Tại buổi lễ, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, đây không chỉ là sự kiện có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển bền vững của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam trung Bộ mà còn là minh chứng sinh động về sự hợp tác hiệu quả, bền chặt giữa Việt Nam và Singapore trong suốt hơn 50 năm qua.
Phó thủ tướng cũng bày tỏ sự quan tâm, niềm hy vọng và mong muốn Singapore tiếp tục là nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam. Dự án Khu công nghiệp VSIP Hà Tĩnh sẽ là hình mẫu khu công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại. Nhà đầu tư cần có chính sách ưu tiên đào tạo, tuyển dụng lao động tại chỗ; bố trí tái định cư tại các đô thị đồng bộ. Thành công của nhà đầu tư chính là thành công của nhà nước, điều đó mang lại việc làm, sinh kế và các điều kiện hưởng thụ các dịch vụ xã hội chất lượng cao cho nhân dân.
Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ, việc triển khai, hoàn thành đầu tư hạ tầng đưa Khu công nghiệp VSIP Hà Tĩnh đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ đem lại lợi ích lớn cho nhà đầu tư, đóng góp tích cực vào việc nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho lao động địa phương, tăng thu cho ngân sách nhà nước, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhanh và bền vững.
Trong thời gian tới, các sở, ban, ngành của tỉnh tiếp tục quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thi công; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, kịp thời hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai dự án.
Phê duyệt Khung chính sách bồi thường Dự án Hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên
Tại Công văn 455/TTg-CN, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phê duyệt Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án Hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên kết nối thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai với huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung Khung chính sách.
Ủy ban nhân dân các tỉnh: Lai Châu, Lào Cai chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện Khung chính sách đã được phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật.
Theo đề xuất của Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Lai Châu, Dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên có điểm đầu tại Km78, Quốc lộ 4D thuộc địa phận xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu; điểm cuối đấu nối vào đường D1 (theo quy hoạch của thị xã Sa Pa) thuộc địa phận phường Ô Quý Hồ, tỉnh Lào Cai.
Toàn bộ chiều dài tuyến đường thuộc Dự án có chiều dài 8,8 km, trong đó có 2,63 km là hầm đường bộ với 4,576 km thuộc địa phận tỉnh Lai Châu và 4,244 km thuộc địa phận tỉnh Lào Cai. Phần đường bộ của Dự án được đầu tư với quy mô cấp III miền núi, nền đường rộng 10m, vận tốc thiết kế 60 km/h; công trình hầm gồm 2 ống hầm cách nhau khoảng 30 m, chiều dài mỗi ống hầm 2,63 km, thiết kế theo tiêu chuẩn hầm xuyên núi của Nhật Bản, kết hợp với TCVN 4528:1988.
Ước tính, diện tích sử dụng đất cho Dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên khoảng 70,41 ha, trong đó địa phận tỉnh Lai Châu là 42,26 ha, địa phận tỉnh Lào Cai là 28,15 ha.
Sau khi hoàn thành, Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên kết nối thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai với huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu sẽ thay thế khoảng 17 km đường đèo dốc, quanh co liên tục; rút ngắn thời gian qua đèo Hoàng Liên từ 30 phút xuống còn 8 phút, đồng thời giải quyết được tình trạng sạt lở, gây ách tắc giao thông kéo dài vào mỗi mùa mưa lũ.
Đà Nẵng công bố giá khởi điểm đấu giá 12 khu đất
Phó chủ tịch TP.Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh vừa ký quyết định phê duyệt giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất thuê đối với 12 khu đất trên địa bàn Thành phố.
Thành phố Đà Nẵng đang triển khai đấu giá nhiều khu đất lớn. |
Theo quyết định này, có 3 khu đất được phê duyệt giá khởi điểm đấu giá đấu giá quyền sử dụng đất thuê theo hình thức thuê đất trả tiền một lần.
Cụ thể, khu đất ký hiệu C2-9B thuộc Vệt khai thác quỹ đất dọc đất dọc tuyến quốc lộ 1A (xã Hoà Phước, huyện Hoà Vang), vị trí tại đường Nguyễn Văn Vĩnh và Huỳnh Tịnh Của, diện tích hơn 2.974m2, mục đích sử dụng xây dựng kho tàng; giá khởi điểm đấu giá là hơn 7,4 triệu đồng/m2.
Khu đất có ký hiệu B4-2 Khu trú bão và neo đậu tàu thuyền Thọ Quang, quận Sơn Trà, vị trí đường Vũng Thùng 9 và Vân Đồn; diện tích 1.021m3, mục đích xây dựng nhà kho thủy sản; giá khởi điểm đấu giá là hơn 13,8 triệu đồng/m2.
Khu đất thương mại dịch vụ tại lô đất TMDV thược Dự án Khu số 2 Trung tâm đô thị mới Tây Bắc, vị trí đường Hoàng Thị Loan, Đặng Minh Khiêm, diện tích 804m2, mục đích xây dựng văn phòng cho thuê; giá khởi điểm đấu giá là hơn 24,1 triệu đồng/m2.
Ngoài ra, có 9 khu đất được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt đấu giá quyền sử dụng đất theo hình thức thuê đất trả tiền hằng năm.
Theo đó, khu đất số 522B Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu), rộng hơn 6.300m2, mục đích sử dụng đất là xây dựng bệnh viện đa khoa, có giá khởi điểm là hơn 190.000 đồng/m2/năm.
Khu đất A2-2 Khu dân cư An Hòa 4, phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), rộng hơn 9.500m2, mục đích xây dựng bệnh viện đa khoa, có giá khởi điểm hơn 271.000 đồng/m2/năm.
Khu đất ở số 172 Nguyễn Chí Thanh (rộng hơn 1.600m2, xây dựng bãi đỗ xe) và khu đất 51A Lý Tự Trọng (rộng hơn 890m2, xây dựng bãi đỗ xe), cùng ở quận Hải Châu, có giá khởi điểm hơn 200.000 đồng/m2/năm.
Khu đất 383 Cách mạng Tháng Tám (quận Cẩm Lệ) rộng hơn 2.900m2, xây dựng bãi đỗ xe, có giá khởi điểm hơn 68.000 đồng/m2/năm.
Bên cạnh đó, còn có Khu đất A2-8 thuộc Khu E mở rộng (giai đoạn 1), phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, rộng hơn 10.900m2, xây dựng Viện dưỡng lão, có giá khởi điểm hơn 206.000 đồng/m2/năm.
Khu đất A8 thuộc Khu E mở rộng – Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ), rộng hơn 2.200m2, mục đích xây dựng trường mầm non, có giá khởi điểm hơn 184.000 đồng/m2/năm.
Khu đất A2-2 thuộc Khu dân cư phía nam Bùi Tá Hán, quận Ngũ Hành Sơn, rộng hơn 1.480m2, mục đích xây dựng trường mầm non, có giá khởi điểm là hơn 187.000 đồng/m2.
Khu đất A12 ở đường ĐT602 (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang), rộng hơn 3.600m2, mục đích xây dựng siêu thị) có giá hơn 94.400 đồng/m2.
Trung tâm phát triển quỹ đất Thành phố Đà Nẵng được giao trách nhiệm tổ chức thực hiện các thủ tục, để tổ chức đấu giá.
Hiện Trung tâm phát triển quỹ đất Thành phố Đà Nẵng đang quản lý 341 khu đất lớn và 20.504 lô đất phân lô.
Năm 2022, thành phố Đà Nẵng đã đấu giá thành công 7 khu đất lớn. Tuy nhiên, sau đó có 2 khu phải huỷ kết quả đấu giá, do người sử dụng đất không hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Trong năm 2023, Thành phố đấu giá thành công 4 khu đất lớn và 2 lô đất ở phân lô.
Trong năm 2024, UBND Thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt danh mục 33 khu đất lớn và 180 lô đất ở chia lô.
Long An sẽ có 51 khu công nghiệp vào năm 2030, đứng thứ hai cả nước
Sở Công Thương tỉnh Long An vừa công bố thông tin quy hoạch các Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021-2030 nhằm thu hút đầu tư. Theo đó, đến năm 2030, tỉnh Long An có 51 KCN, quy hoạch mới 28 cụm công nghiệp, tỉnh tập trung phát triển một số ngành công nghiệp chủ yếu như cơ khí chế tạo, chế biến thực phẩm…
Theo quy hoạch đến năm 2030, Long An sẽ vươn lên vị trí thứ 2 cả nước về số lượng, diện tích các KCN. Ảnh: GH |
Theo thống kê từ UBND Long An, toàn tỉnh hiện có 26 KCN đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư với diện tích đất công nghiệp đã cho thuê gần 2.900 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 67,72%; có 17 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích đất đã cho thuê hơn 600 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 83,62%. Với số lượng này, theo quy hoạch đến năm 2030 Long An sẽ trở thành địa phương đứng thứ 2 cả nước (sau Bình Dương) về diện tích các KCN, tạo điều kiện và cơ hội lớn để thu hút đầu tư.
Theo quy hoạch, tỉnh Long An thực hiện thu hút đầu tư đối với danh mục gồm 27 dự án hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn. Đây là các dự án cụm công nghiệp được thành lập mới được phân bố ở nhiều địa phương trong tỉnh; trong đó, một số địa phương có nhiều dự án cụm công nghiệp đang thu hút đầu tư như huyện Đức Huệ có 7 dự án, huyện Đức Hòa có 5 dự án, huyện Cần Đước có 3 dự án…
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An Huỳnh Văn Quang Hùng cho biết, việc thu hút đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn nhằm hiện thực hóa Quyết định số 686/QĐ-TTg ngày 13/6/2023 của Thủ Tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, tạo thêm quỹ đất để thu hút đầu tư vào tỉnh.
Theo đó, lãnh đạo tỉnh đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư có quan tâm, làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp cần tiến hành lập hồ sơ theo quy định.
Được biết, Long An ưu tiên phát triển ngành công nghiệp theo hướng đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên; phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân khoảng 13%/năm trong giai đoạn 2021-2030.
Ngoài ra tỉnh này sẽ tập trung phát triển các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng tái tạo; tập trung phát triển một số ngành công nghiệp chủ yếu như sản xuất kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, cơ khí chế tạo, chế biến thực phẩm, sản phẩm điện tử, hóa chất và sản phẩm hóa chất, năng lượng…
Ngày 25/6, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Long An công bố trong 6 tháng đầu năm 2024, Thanh tra Sở đã thực hiện thanh tra, kiểm tra, rà soát 41 dự án đầu tư trong đó có 20 dự án trong KCN bị xử phạt nhiều chủ đầu tư dự án do không thực hiện đúng nội dung chủ trương đầu tư.
Cụ thể, quá trình kiểm tra, Thanh tra Sở KH&ĐT tỉnh Long An đã phát hiện nhiều dự án vi phạm trong lĩnh vực kế hoạch, đầu tư. Các hành vi vi phạm chủ yếu là không thực hiện đúng nội dung chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư; không thực hiện điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư; không thực hiện chế độ báo cáo hoạt động đầu tư theo quy định.
Tính luôn cả các sai phạm dự án ngoài KCN, Thanh tra Sở KH&ĐT tỉnh Long An đã ban hành 21 quyết định xử phạt đối với các chủ đầu tư dự án, tổng số tiền xử phạt gần 1,8 tỷ đồng.
Sở này nhấn mạnh, trong 6 tháng còn lại sẽ tiếp tục kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai thực hiện các dự án. Các đối tượng được kiểm tra là các dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách, được đánh giá đang chậm tiến độ so với chủ trương đã được phê duyệt.
Quá trình kiểm tra nhằm đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và tăng cường trách nhiệm của chính quyền các cấp đối với công tác quản lý, theo dõi các dự án đầu tư. Từ đó, kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc và có giải pháp hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ, thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án trong năm 2024, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Bình Định thu hút thêm dự án sản xuất hơn 820 tỷ đồng trong cụm công nghiệp
UBND tỉnh Bình Định vừa chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất viên nén sinh học và chế biến vật liệu gỗ nội thất do Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển kho bãi Nhơn Tân (gọi tắt là Công ty Nhơn Tân) làm chủ đầu tư.
Dự án có mục tiêu sản xuất viên nén gỗ, dăm gỗ và ván gỗ. Trong đó, giai đoạn sản xuất viên nén gỗ, dăm gỗ đều có công suất 300.000 tấn/năm; giai đoạn 2 ván qua sấy, ván ghép thanh đều có công suất 32.000 m3 /năm.
Tổng vốn đầu tư của dự án hơn 823 tỷ đồng gồm vốn góp của nhà đầu tư là hơn 164 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 20% ) còn lại là vốn vay. Dự án được thực hiện tại Cụm công nghiệp thị trấn Vân Canh (giai đoạn 3), thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh. Diện tích đất dự kiến sử dụng là hơn 20 ha (sử dụng cho giai đoạn 1 là hơn 9,7 ha, giai đoạn 2 là hơn 10,2 ha) .
Về tiến độ, giai đoạn 1 sẽ khởi công xây dựng dự án và hoàn thành các hạng mục công trình, vận hành chạy thử trong quý IV/2024 đến quý IV/2025; đến quý IV/2025 dự án hoàn thành công trình đi vào sản xuất.
Đối với giai đoạn 2, dự án khởi công xây dựng dự án và hoàn thành các hạng mục công trình, vận hành chạy thử từ quý I/2026 đến quý IV/2026; đến quý IV/2026 sẽ hoàn thành công trình và đi vào hoạt động.
UBND tỉnh Bình Định yêu cầu, Công ty Nhơn Tân có trách nhiệm ứng tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng trước khi triển khai thực hiện dự án.
Ngoài ra, sau 12 tháng kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư (20/6/2024), Công ty Nhơn Tân không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan quản lý đầu tư mà không có lý do chính đáng sẽ bị thu hồi chủ trương đầu tư.
Ông Nguyễn Bay, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định cho biết, tuy tình hình thu hút đầu tư khó khăn nhưng việc thu hút các dự án sản xuất của tỉnh thời gian qua lại khá tốt.
Theo đó, lũy kế từ đầu năm đến giữa tháng 6, Bình Định thu hút mới 24 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký là 2.960 tỷ đồng. Trong đó, 8 dự án trong khu kinh tế, khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư 374,1 tỷ đồng; 9 dự án trong cụm công nghiệp với tổng vốn đầu tư 694,6 tỷ đồng; 7 dự án ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp với tổng vốn đầu tư 1.891,7 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, Bình Định đã thực hiện điều chỉnh 34 dự án với vốn đầu tư tăng thêm 692,4 tỷ đồng. Ước 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh Bình Định thu hút được 27 dự án, đạt 27% kế hoạch cả năm.
Các KCN Tiền Giang thu hút vốn đầu tư gần 68 triệu USD trong nửa đầu năm 2024
Trong 6 tháng đầu năm 2024, các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Tiền Giang thu hút vốn đầu tư gần 68 triệu USD, gồm cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký là 24 triệu USD; điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 31 lượt dự án, trong đó có 6 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư với tổng vốn đầu tư tăng thêm gần 44 triệu USD.
Lũy kế đến nay, các KCN Tiền Giang thu hút được 112 Dự án (trong đó có 85 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư là 2.572,46 triệu USD (vốn đầu tư FDI) và 4.487 tỷ đồng (vốn đầu tư trong nước); diện tích đất thuê là 551,42 ha/1.116,03 ha, chiếm tỷ lệ 49,41% diện tích đất công nghiệp cho thuê. Tổng số lao động đang làm việc tại các KCN là 86.742 lao động (trong đó có 1.053 lao động người nước ngoài).
Theo Ban Quản lý các KCN Tiền Giang, trong 6 tháng đầu năm nay, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCN trên địa bàn tỉnh ổn định, có tăng trưởng so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu của doanh nghiệp FDI đạt hơn 1.836 triệu USD, tăng 30,56% so với cùng kỳ; doanh thu của các doanh nghiệp trong nước đạt gần 3.223 tỷ đồng, tăng gần 48% so cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1.602 triệu USD, tăng 49,39% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt gần 941 triệu USD, tăng 79,77% so với cùng kỳ.
Tỉnh Tiền Giang được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quy hoạch 11 KCN với tổng diện tích đất quy hoạch là 3.358,6 ha (Quyết định số 1762/QĐ-TTg ngày 31/12/2023 về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050), trong đó: 3 KCN đang hoạt động (Mỹ Tho, Tân Hương, Long Giang) với diện tích 816,4 ha, chiếm 24,31% diện tích quy hoạch KCN; 2 KCN đã được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư (KCN Bình Đông, KCN Tân Phước 1), với diện tích 681,96 ha, chiếm 20,3% diện tích quy hoạch KCN; 6 KCN đang mời gọi đầu tư có tổng diện tích 1.680,3 ha, chiếm 55,39% diện tích quy hoạch (KCN Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp, KCN Tân Phước 2 (mở rộng thêm giai đoạn 2) với diện tích 450 ha, KCN Tân Phước 3 với diện tích 300 ha, KCN Tân Phước 4 với diện tích 300 ha, KCN Tân Phước 5 với diện tích 300 ha và KCN Phú Tân với diện tích 225 ha).
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Hà Nội thu hút hơn 1.165 triệu USD vốn FDI, tăng 52%
Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024 của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết: nửa đầu năm 2024, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn TP. Hà Nội lũy kế 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 252.054 tỷ đồng, đạt 61,7% dự toán, tăng 12,5% so với cùng kỳ, trong đó các khoản thu từ xuất nhập khẩu, từ dầu thô và thu nội địa đều tăng so với cùng kỳ.
Quang cảnh Họp báo tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024, do UBND TP. Hà Nội tổ chức, chiều 26/6/2024. |
Tổng chi ngân sách địa phương lũy kế 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 47.973 tỷ đồng, đạt 34,0% dự toán, tăng 24,2% so với cùng kỳ, trong đó chi đầu tư phát triển 22.871 tỷ đồng, đạt 28,2% dự toán, tăng 43,6%.
6 tháng đầu năm 2024, GRDP Hà Nội ước tăng 6,0% (cùng kỳ tăng 5,97%). Trong đó: Dịch vụ tăng 6,55% (cùng kỳ tăng 7,54%); Công nghiệp và xây dựng tăng 5,37% (cùng kỳ tăng 3,28%); Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,94% (cùng kỳ tăng 2,24%); Thuế sản phẩm tăng 4,38% (cùng kỳ tăng 2,41%).
Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 8.891 triệu USD, tăng 11,0% (cùng kỳ giảm 2,7%), trong đó: khu vực kinh tế trong nước tăng 14,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 6,1%.
Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 19.668 triệu USD, tăng 14,9% (cùng kỳ giảm 16,3%), trong đó: khu vực kinh tế trong nước tăng 17,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,3%.
Chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh, CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 5,32% (cùng kỳ tăng 1,22%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, chỉ có nhóm hàng giảm giá là bưu chính viễn thông.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, TP. Hà Nội thu hút 1.165,3 triệu USD vốn FDI (tăng 52% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó: có 120 Dự án đăng ký mới với tổng vốn đầu tư đạt 1.036,5 triệu USD; 78 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 55,21 triệu USD và 104 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị vốn góp đạt 73,6 triệu USD.
TP. Hà Nội đang chuẩn bị công tác tổ chức Hội nghị Đối thoại với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhằm trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn.
6 tháng đầu năm 2024, TP có 15.502 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn 149.188 tỷ đồng (giảm 3% về số lượng doanh nghiệp, giảm 3% về vốn đăng ký); 2.097 doanh nghiệp giải thể (tăng 14%); 16.967 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (tăng 26%); 2.646 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể (tăng 18,6%). Có 6.012 doanh nghiệp hoạt động trở lại (tăng 17%). Luỹ kế, tổng số doanh nghiệp đăng ký đến nay là 391.880 doanh nghiệp.
Vốn đầu tư phát triển xã hội 6 tháng đầu năm ước đạt 208.784 tỷ đồng, tăng 9,5% (cùng kỳ tăng 8,5%). Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng đạt 5.322 nghìn tỷ đồng, giảm 0,26%; tổng dư nợ đạt 3.832 nghìn tỷ đồng, tăng 5,95%.
EVNNPT đầu tư thêm máy biến áp cho Trạm 500kV Thốt Nốt
UBND thành phố Cần Thơ vừa ban hành Quyết định 1358/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án Lắp máy biến áp thứ 2 Trạm biến áp 500 kV Thốt Nốt.
Phối cảnh khu vực lắp đặt máy biến áp thứ 2 Trạm biến áp 500 kV Thốt Nốt. |
Nhà đầu tư được UBND TP Cần Thơ phê duyệt chấp thuận là Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) có trụ sở số 18 Trần Nguyên Hãn, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Dự án có quy mô nâng quy mô công suất Trạm biến áp 500 kV Thốt Nốt lên thành 1.800 MVA.
Vốn đầu tư của dự án là hơn 576 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, kể từ ngày Nhà đầu tư được cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.
Địa điểm thực hiện dự án là phần đất mở rộng nằm sát hàng rào của Trạm biến áp 500 kV Thốt Nốt hiện hữu, thuộc phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ.
Mục tiêu dự án nhằm đảm bảo cung cấp điện cho phụ tải và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh miền Tây Nam Bộ; giảm tải cho máy biến áp 500/220 kV tại Trạm biến áp 500 kV Ô Môn và các đường dây 220 kV hiện hữu trong khu vực; Giải tỏa công suất các nhà máy nhiệt điện và nhà máy năng lượng tái tạo trong khu vực; góp phần đảm bảo tiêu chí N-1, tăng cường ổn định hệ thống điện, nâng cao độ tin cậy, an toàn cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.
Dự án sẽ lập thủ tục đất đai, pháp lý xây dựng hoàn thành trong quý IV năm 2024; khởi công công trình trong quý IV năm 2024 và đóng điện vận hành quý IV năm 2025.
Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận Thốt Nốt hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện thủ tục về đất đai, bảo vệ môi trường và các thủ tục liên quan theo đúng quy định. Sở Công Thương, Sở Xây dựng, UBND quận Thốt Nốt hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện thủ tục về đầu tư xây dựng, khai thác vận hành dự án theo đúng quy định. Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, đôn đốc, giám sát quá trình triển khai dự án, hoạt động của dự án, báo cáo định kỳ cho Ủy ban nhân dân thành phố.
Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia chịu trách nhiệm về các thông tin, số liệu báo cáo tại hồ sơ dự án, hiệu quả đầu tư dự án theo quy định của pháp luật. Liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ – Công an thành phố Cần Thợ và UBND quận Thốt Nốt để được hướng dẫn các trình tự, thủ tục để triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định.
Quá trình triển khai thực hiện dự án phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, điện lực, bảo vệ môi trường, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ và các quy định khác có liên quan; thực hiện dự án theo đúng mục tiêu, các hạng mục công trình mà Nhà đầu tư đã đề xuất. Phối hợp với Ủy ban nhân dân quận Thốt Nốt lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng đảm bảo đúng quy định pháp luật; thỏa thuận với người dân bị ảnh hưởng bởi dự án về phương án cấp nước tưới tiêu, bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp của người dân trong khu vực.
Xây dựng kế hoạch tiến độ triển khai thực hiện dự án gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, đôn đốc, giám sát theo quy định.
Chốt tốc độ tối đa 160km/h cho các tuyến đường sắt đầu mối TP. Hà Nội
Bộ GTVT vừa có Thông báo số 143/TB – GTVT về kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy tại cuộc họp báo cáo cuối kỳ Quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP. Hà Nội.
Phối cảnh Tổ hợp ga đường sắt Ngọc Hồi. |
Cuộc họp này được tổ chức hôm 14/6 với sự tham gia của ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, đại diện các cơ quan thuộc Bộ GTVT, TP. Hà Nội và đơn vị tư vấn lập kỳ Quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP. Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Danh Huy, đường sắt khu vực đầu mối TP. Hà Nội kết nối nhiều tuyến đường sắt quan trọng của cả nước, phức tạp; được nghiên cứu, hoàn thiện qua nhiều thời kỳ.
Thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị, Quy hoạch tổng thể quốc gia, Bộ GTVT đang triển khai rà soát Quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia, lập quy hoạch tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP. Hà Nội để làm cơ sở huy động nguồn lực đầu tư hệ thống đường sắt hiện đại, đồng bộ.
Đối với các thông số kỹ thuật chủ yếu, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam, đơn vị tư vấn cần nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng về nhu cầu vận tải, vai trò của các tuyến đường sắt, xu thế phát triển về khoa học – công nghệ, kết nối mạng đường sắt trong nước và quốc tế từng thời kỳ đề xuất, lựa chọn bảo đảm hiệu quả, có tầm nhìn lâu dài.
Cơ bản thống nhất về một số thông số kỹ thuật chủ yếu sau: tốc độ lớn nhất V≥160km/h, tải trọng trục 22,5 tấn/trục, chiều dài dùng được đường ga thời kỳ tương lai ≥850m.
Về giải pháp kết nối đường sắt tốc độ cao vào trung tâm Hà Nội, lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh, về nguyên tắc, đường sắt tốc độ cao cần kết nối vào ga đầu mối để bảo đảm gom, giải tỏa hành khách thuận lợi thông qua các loại hình vận tải khác. Căn cứ vào điều kiện thực tế, các quy hoạch liên quan thống nhất đề xuất ga Ngọc Hồi là ga đầu mối.
Về giải pháp tổ chức chạy tàu, để tăng tính thuận tiện cho hành khách, yêu cầu tư vấn tìm hiểu, nghiên cứu các mô hình trên thế giới, dự báo nhu cầu vận tải; phân tích, lựa chọn phương án tổ chức chạy tàu tối ưu cho từng thời kỳ. –
Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt và quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội, trong đó có vị trí ga Lạc đạo. Vì vậy, Cục Đường sắt Việt Nam , tư vấn rà soát kỹ về nhu cầu vận tải, xây dựng phương án tổ chức chạy tàu để xác định cụ thể về quy mô các khu chức năng; làm việc với cơ quan liên quan của tỉnh Hưng Yên để thống nhất phương án vị trí, phạm vi và quy mô ga; đề xuất Bộ GTVT họp với UBND tỉnh Hưng Yên (nếu cần thiết).
Về điều chỉnh chức năng ga Bắc Hồng, cần phân tích làm rõ tính hiệu quả của vị trí đặt cơ sở phát triển công nghiệp đường sắt trong khu đầu mối, xác định cụ thể quy mô, đánh giá tính khả thi về quỹ đất để đề xuất cho phù hợp.
Về phương án khai thác chung tàu khách quốc gia khổ 1.435mm với tàu đô thị trên đoạn Yên Viên – Ngọc Hồi, Gia Lâm – Lạc Đạo, Thứ trưởng Bộ GTVT yêu cầu phối hợp với các cơ quan liên quan của UBND TP. Hà Nội nghiên cứu trên nguyên tắc sử dụng hiệu quả tối đa hạ tầng đường sắt đô thị được đầu tư, tạo thuận lợi cho hành khách di chuyển vào trung tâm.
Về điều chỉnh định hướng phát triển đường sắt trên hành lang Hà Nội – Lạng Sơn, lãnh đạo Bộ GTVT thống nhất trước mắt giữ nguyên như Quy hoạch mạng lưới đường sắt được phê duyệt. Cục Đường sắt Việt Nam phối hợp với tư vấn hỗ trợ kỹ thuật lập quy hoạch đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn và Hải Phòng – Hạ Long – Mong Cái trong thời gian tới để đề xuất phù hợp.
“Tư vấn có trách nhiệm nghiên cứu, phân tích, đề xuất lộ trình đầu tư các tuyến đường sắt bảo đảm phù hợp với nhu cầu vận tải, hiệu quả kết nối mạng lưới đường sắt, nguồn lực đầu tư từng thời kỳ”, lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh.
Đưa trạm biến áp 110 kV Yên Lạc, Vĩnh Phúc vào hoạt động
Sáng 27/6/2024, tại xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc, EVNNPC tổ chức gắn biển công trình Trạm biến áp 110kV Yên Lạc, chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954-21/12/2024) và 55 năm ngày thành lập EVNNPC (06/10/1969 – 06/10/2024).
Lãnh đạo EVNNPC tại lễ gắn biển công trình Trạm biến áp 110 kV Yên Lạc. |
Công trình Trạm biến áp 110 kV Yên Lạc do Ban Quản lý Dự án lưới Điện (BA1) làm đại diện chủ đầu tư trực tiếp quản lý với quy mô: xây dựng mới đường dây 110 kV mạch kép sử dụng dây ACSR400 với chiều dài 0,247km; lắp đặt đồng bộ 02 máy biến áp 110 kV 63 MVA.
Công trình lắp đặt ngoài trời sử dụng sơ đồ cầu đủ, gồm 02 ngăn lộ đường dây 110 kV đi trạm biến áp 220 kV Vĩnh Tường và trạm biến áp 110 kV Việt Trì; 01 ngăn lộ máy biến áp T1; 01 ngăn lộ máy biến áp T2 và 01 ngăn lộ phân đoạn 110 kV. Tổng vốn đầu tư dự án là 143,5 tỷ đồng.
Tháng 10/2023 sau khi bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công, BA1 đã khẩn trương phối hợp và đôn đốc nhà thầu nhanh chóng thực hiện các hạng mục xây dựng; lắp đặt thiết bị và thí nghiệm hiệu chỉnh đảm bảo an toàn, liên tục.
Ngày 20/06/2024, Hội đồng nghiệm thu cấp Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã nghiệm thu và đóng điện thành công trạmb iến áp 110 kV Yên Lạc. Công trình đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện ổn định cho huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, chống quá tải cho các trạm 110 kV Hội Hợp, huyện Vĩnh Tường và khai thác hiệu quả dự án lắp máy biến áp AT1 220 kV Vĩnh Tường, giảm tổn thất điện năng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng, cấp điện kịp thời cho phụ tải tỉnh Vĩnh Phúc nói chung và huyện Yên Lạc nói riêng trong mùa nắng nóng năm 2024.
Đại diện đơn vị quản lý và thực hiện dự án, Giám đốc BA1 phấn khởi cho biết, sự án đã hoàn thành đúng vào dịp Tổng công ty Điện lực miền Bắc đang sôi nổi hưởng ứng phong trào thi đua trên mọi mặt trận, mọi lĩnh vực để lập thành tích chảo mừng kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Tổng công ty Điện lực miền Bắc, 70 năm ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam.
Mặc dù trong quá trình triển khai có bối cảnh hết sức khó khăn nhưng công trình tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, thi công đúng thiết kế, đảm bảo chất lượng, an toàn tuyệt đối và không làm vượt Tổng mức đầu tư dự án đã được phê duyệt.
Công trình Đường dây và Trạm biến áp 110 kV Yên Lạc đi vào hoạt động đóng vai trò đặc biệt quan trọng về cung cấp điện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, đảm bảo chất lượng điện năng, nâng cao độ tin cậy trong việc cung cấp điện cho các cụm, khu công nghiệp; linh hoạt trong cấp điện và thuận tiện trong việc quản lý vận hành, cơ sở để cải tạo, phát triển và quy hoạch lại hệ thống lưới điện khu vực hiện có.
Công trình nằm trong quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2025 có xét đến 2035 – Quy hoạch phát triển hệ thống điện 110 kV đã được Bộ Công thương phê duyệt tại Quyết định 4922/QĐ-BCT ngày 29/12/2017.
Đề xuất tăng vốn “khủng” tại Dự án Nâng cấp, phục hồi cảnh quan Khu du lịch hồ Than Thở
Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng vừa có ý kiến về hồ sơ đề xuất điều chỉnh Dự án Nâng cấp, phục hồi cảnh quan Khu du lịch hồ Than Thở (do Công ty TNHH Thùy Dương làm chủ đầu tư).
Một góc Khu du lịch hồ Than Thở, Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. |
Theo văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư, Công ty TNHH Thùy Dương đề nghị điều chỉnh mục tiêu Dự án Nâng cấp, phục hồi cảnh quan Khu du lịch hồ Than Thở từ “nâng cấp, phục hồi cảnh quan khu di tích thắng cảnh, sử dụng vào mục đích tổ chức các hoạt động tham quan, vui chơi ngoài trời” thành “nâng cấp, phục hồi cảnh quan Khu du lịch hồ Than Thở, sử dụng vào mục đích tổ chức các hoạt động tham quan, vui chơi ngoài trời; hình thành một khu du lịch tầm cỡ quốc tế và khu vực, đậm đà bản sắc dân tộc, phù hợp với không gian lễ hội hoa và ánh sáng đặc trưng của vùng đất Đà Lạt; đầu tư xây dựng các công trình đô thị nghỉ dưỡng, thăm quan giải trí,…nhằm phục vụ du khách trong nước và quốc tế đến lưu trú, thăm quan nghỉ dưỡng”.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, căn cứ Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014) thì khu vực có diện tích khoảng 39 ha được xác định là đất công viên cảnh quan và mặt nước (hồ Than Thở), được định hướng là “công viên đô thị lớn nối kết cảnh quan rừng tự nhiên ngoài đô thị và các địa danh nổi tiếng, là nơi lý tưởng cho các sự kiện, lễ hội lớn, không gian bảo tồn, giáo dục và tham quan về sinh thái tự nhiên, không gian trưng bày, giáo dục và tổ chức các hoạt động về văn hóa – nghệ thuật, không gian cho các sự kiện về thể dục thể thao”) là phù hợp.
Đối với khu vực còn lại có diện tích khoảng 79 ha (chưa được giao đất) được xác định là đất cây xanh cảnh quan và đất du lịch hỗn hợp (được định hướng chức năng “du lịch nghỉ dưỡng cao cấp” với các cơ sở lưu trú dạng resort cao cấp). Do đó, Sở Xây dựng cho rằng, mục tiêu điều chỉnh này là cơ bản phù hợp. Tuy nhiên, cơ quan này đề nghị không đề cập đến việc “hình thành khu du lịch tầm cỡ quốc tế và khu vực” do không được định hướng trong quy hoạch chung; đồng thời sử dụng từ ngữ phù hợp với định hướng chức năng “resort nghỉ dưỡng” thay vì “công trình đô thị nghỉ dưỡng”.
Theo văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư, Công ty TNHH Thùy Dương đề nghị điều chỉnh quy mô dự án khoảng 118 ha, bao gồm 31,5 ha khu vực I (bảo vệ di tích), 86,5 ha khu vực II (nâng cấp, tôn tạo, khai thác,…) gồm các giai đoạn thực hiện cụ thể, tuy nhiên chưa có các nội dung về quy mô dự án đối với khu vực có diện tích khoảng 39 ha theo nội dung Quy hoạch chi tiết đã được UBND thành phố Đà Lạt phê duyệt tại Quyết định số 3151/QĐ-UBND ngày 20/10/2023 nhưng chưa xác định rõ quy mô đầu tư xây dựng công trình tại khu vực 39 ha.
Vì vậy, Sở Xây dựng đề nghị bổ sung quy mô đầu tư xây dựng công trình dự án theo đồ án quy hoạch chi tiết đã phê duyệt; chỉ tiêu tầng cao theo đề xuất tại Bảng 3 (trang 19, Thuyết minh dự án) có một số hạng mục tầng cao 3 tầng là chưa phù hợp với quy hoạch chi tiết; bổ sung chỉ tiêu quản lý chiều cao đối với hạng mục “công trình biểu tượng”.
Đối với khu vực có diện tích khoảng 79 ha (chưa được giao đất), Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho rằng chưa có cơ sở để xem xét sự phù hợp do chưa có quy hoạch chi tiết được duyệt.
Công ty TNHH Thùy Dương đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 29.637.000.000 đồng thành 4.544.157.402.000 đồng, trong đó phương pháp xác định sơ bộ tổng mức đầu tư các công trình được xác định theo đơn giá tạm tính do đơn vị cung cấp là chưa phù hợp về quản lý chi phí theo quy định (Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 9/2/2021 của Chính phủ).
Về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hiện trạng khu vực đã có tuyến đường Hồ Xuân Hương (lộ giới 20m) ngang qua khu trung tâm dự án; tuyến điện 22KV với điểm đấu nối phía Bắc dự án; đường ống cấp nước PVC DN100 đấu nối với cụm bể Tây Hồ; cống thoát nước mưa vào suối hiện trạng nên thuận tiện về đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước mặt) của dự án.
Phương án lắp đặt tuyến ống nước thải riêng, đấu nối với hệ thống thu gom và xử lý nước thải thành phố Đà Lạt là phù hợp, tuy nhiên giải pháp thu gom cần đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định, tuyệt đối không để nước thải rò rỉ ra môi trường đặc biệt là vào nguồn nước hồ Than Thở.
Theo nhìn nhận của Sở Xây dựng, Dự án Nâng cấp, phục hồi cảnh quan Khu du lịch hồ Than Thở thuộc khu vực thượng nguồn hồ Than Thở nên cần có giải pháp bảo vệ, không được có các hoạt động phát thải gây ô nhiễm nguồn nước.
Vì thế, Sở Xây dựng đề nghị chủ đầu tư bổ sung cao độ nền, hạn chế tối đa việc san gạt địa hình tự nhiên; độ dốc dọc các tuyến đường giao thông có xe chạy đảm bảo ≤10%; đánh giá mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và cập nhật số liệu khí tượng thủy văn trong các năm gần đây (số liệu được cơ quan có thẩm quyền cung cấp) làm cơ sở tính toán phương án thoát nước (lưu ý tính toán cho cả các lưu vực nước xung quanh đổ về); nghiên cứu bố trí hồ lắng thu gom nước mặt để chủ động trong điều tiết nước khi cần thiết và bảo vệ môi trường; liên hệ với các đơn vị quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại khu vực (giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước, thông tin) để thỏa thuận phương án đấu nối; bổ sung nội dung đánh giá công tác bảo vệ môi trường, an toàn phòng cháy và chữa cháy (lấy ý kiến thống nhất của cơ quan quản lý chuyên ngành).
Về khả năng kết nối giao thông của dự án với các vùng lân cận, phương án kết nối, đấu nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hiện tại, Dự án Nâng cấp, phục hồi cảnh quan Khu du lịch hồ Than Thở chỉ kết nối với các vùng lân cận thông qua tuyến đường Hồ Xuân Hương, phía Bắc dẫn ra ngoại thành Thành phố Đà Lạt (phường 11, 12) có mật độ dân cư thấp, lưu lượng phương tiện giao thông chưa cao nên cơ bản ít ảnh hưởng.
Tuy nhiên, phía Nam tuyến đường kết nối với trung tâm thành phố Đà Lạt, khi lượng du khách, phương tiện giao thông tăng cao và đi vào trung tâm thành phố sẽ làm tăng áp lực lên hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị.
Hiện trạng hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị thành phố Đà Lạt đang có dấu hiệu quá tải, chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển đô thị (những năm gần đây xuất hiện một số điểm ùn tắc giao thông cục bộ, một số điểm ngập cục bộ).
Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng đã có nhiều giải pháp khắc phục (như mở rộng đường, xây dựng đường vành đai, mở mới nhiều tuyến đường nội thị, lắp đặt đèn tín hiệu, phân luồng giao thông, mở rộng kênh mương, cải tạo hồ điều hoà,…); đồng thời đã có chương trình, kế hoạch đầu tư phát triển đô thị Đà Lạt theo hướng đồng bộ, hiện đại, thân thiện môi trường; trong đó đã có tính toán việc đáp ứng cho sự phát triển, gia tăng các dự án theo quy hoạch (bao gồm Dự án nâng cấp, phục hồi cảnh quan Khu du lịch hồ Than Thở).
Quảng Nam giải trình về Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai Trường Hải mở rộng
Ngày 26/6, UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai Trường Hải mở rộng.
Trước đó, để có cơ sở thẩm định hồ sơ dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản yêu cầu tỉnh Quảng Nam làm rõ về chỉ tiêu đất khu công nghiệp của địa phương.
Quảng Nam khẳng định dự án khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai Trường Hải mở rộng (115 ha) là một trong những dự án quan trọng. |
Ngoài ra, làm rõ diện tích chồng lấn (khoảng 61,8 ha) của dự án khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai Trường Hải mở rộng với dự án Khu công nghiệp Bắc Chu Lai của Công ty TNHH Một thành viên phát triển hạ tầng khu công nghiệp Chu Lai.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, về chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp, tỉnh đã có báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.
Trên cơ sở các ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Quảng Nam khẩn trương hoàn thiện kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh.
Đồng thời, làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường để đảm bảo chỉ tiêu đất khu công nghiệp cho các dự án khu công nghiệp đã được cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và các dự án mới theo quy định của pháp luật.
Giải trình về phần diện tích chồng lấn khoảng 61,8 ha đang thuộc dự án Khu công nghiệp Bắc Chu Lai của Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Chu Lai (Cizidco), tỉnh Quảng Nam cho biết, Cizidco đã thống nhất lập thủ tục điều chỉnh giảm diện tích của Khu công nghiệp Bắc Chu Lai để tạo điều kiện cho Công ty Chu Lai Trường Hải thực hiện Dự án khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai Trường Hải mở rộng.
Quảng Nam chỉ đạo Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh đang thực hiện thủ tục lập và phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2.000) KCN Bắc Chu Lai (quy mô 700 ha), làm cơ sở để các nhà đầu tư thực hiện hồ sơ điều chỉnh dự án đầu tư, đề xuất dự án KCN mới theo quy định.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai Trường Hải mở rộng (115 ha) là một trong những dự án quan trọng, góp phần thực hiện thành công Quy hoạch tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, dự án sẽ đưa Quảng Nam thuộc nhóm dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực về công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí.
Vì vậy, tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét ý kiến của nhà đầu tư để xử lý hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai Trường Hải mở rộng.
Xe khách Phương Trang liên tiếp trúng 2 dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc Nam
Ngày 27/6, Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam đã ký các quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và vận hành trạm dừng nghỉ Km144+560 thuộc Dự án thành phần Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Dự án đầu tư xây dựng và vận hành trạm dừng nghỉ Km90+900 thuộc Dự án thành phần Cam Lâm – Vĩnh Hảo trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Ảnh minh họa |
Theo đó, Liên danh FUTABUSLINES – THÀNH HIỆP PHÁT (Liên danh Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang FUTABUSLINES – Công ty TNHH Thành Hiệp Phát) đã trúng thầu Dự án đầu tư xây dựng và vận hành trạm dừng nghỉ Km144+560 thuộc Dự án thành phần Vĩnh Hảo – Phan Thiết trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Giá trị bằng tiền nộp ngân sách nhà nước tại Dự án này là 140 tỷ đồng; giá trị sơ bộ chi phí thực hiện dự án là 313,441 tỷ đồng; giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 33,997 tỷ đồng.
Tiến độ tổng thể Dự án 15 tháng, trong đó thời gian hoàn thành các hạng mục công trình dịch vụ công: 12 tháng; thời gian khai thác dự án sau khi hoàn thành công tác đầu tư là 25 năm.
Liên danh FUTABUSLINES – THÀNH HIỆP PHÁT cũng trúng thầu Dự án đầu tư xây dựng và vận hành trạm dừng nghỉ Km90+900 thuộc Dự án thành phần Cam Lâm – Vĩnh Hảo trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Giá trị bằng tiền nộp ngân sách nhà nước tại Dự án này là 140 tỷ đồng; giá trị sơ bộ chi phí thực hiện dự án 299,812 tỷ đồng; giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 14,454 tỷ đồng.
Tiến độ tổng thể Dự án này cũng là 15 tháng, trong đó thời gian hoàn thành các hạng mục công trình dịch vụ công là 12 tháng; thời gian khai thác dự án sau khi hoàn thành công tác đầu tư là 25 năm.
Như vậy tính đến ngày 27/6, đã có 4 dự án đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc – Nam phía Đông tìm được nhà đầu tư trên các đoạn tuyến: Mai Sơn – Quốc lộ 45; Dầu Giây – Phan Thiết; Phan Thiết – Vĩnh Hảo và Cam Lâm – Vĩnh Hảo.
Hà Nội có thêm 8 cụm công nghiệp vào quy hoạch
Theo Sở Công thương Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2024, trong công tác quản lý nhà nước về cụm công nghiệp, đơn vị này đã phối hợp UBND các huyện thực hiện thủ tục bổ sung 8 cụm công nghiệp vào Quy hoạch cụm công nghiệp TP. Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030. Tổ chức khởi công đầu tư hạ tầng kỹ thuật 4 cụm công nghiệp, nâng tổng số cụm công nghiệp đã được khởi công lên 24 trong tổng số 43 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập giai đoạn 2018-2020.
Phối cảnh Cụm công nghiệp Đông Phú Yên, huyện Chương Mỹ mới được khởi công đầu tháng 3/2024. |
Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, về công tác quy hoạch Hà Nội đã cơ bản làm xong phương án phát triển ngành trong lĩnh vực thương mại, điện, xăng dầu, logistics, cụm công nghiệp, công nghiệp. Hội đồng thẩm định quy hoạch cấp quốc gia đã thông qua, đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đang trình Quốc hội.
Mặc dù vậy, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, Sở Công thương Hà Nội vẫn nhận được đề xuất của các quận, huyện về điều chỉnh một số cụm công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại. Vấn đề này, Sở Công thương Hà Nội đã có báo cáo TP. Hà Nội và chuyển sang các viện chức năng để có phương án cập nhật vào quy hoạch chung của Thủ đô.
Đối với việc nâng cấp phát triển hệ thống chợ truyền thống, Sở Công thương Hà Nội đã phối hợp với các sở, ngành tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện đầu tư, xây dựng, cải tạo các chợ. Đến nay, TP. Hà Nội có 6 chợ đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng đã được phân hạng, 2 chợ đang hoàn thiện nốt hạng mục công trình dự kiến hoàn thành trong quý II/2024; 3 chợ đang thi công xây dựng, giải phóng mặt bằng 5 chợ, 15 chợ đã hoàn thành thủ tục đầu tư chuẩn bị đầu tư năm 2024 hoàn thành năm 2025.
Bên cạnh việc đầu tư xây mới, ngành công thương Hà Nội đã hoàn thành cải tạo, nâng cấp 18 chợ, 6 chợ đang trong giai đoạn thi công; 6 chợ chuẩn bị khởi công, dự kiến hoàn thành năm 2024; 14 chợ chuẩn bị đầu tư dự kiến khởi công và hoàn thành năm 2025; 9 chợ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự kiến khởi công năm 2025.
Tuy nhiên, khi xây mới hoặc cải tạo hệ thống chợ tại những chợ đã có sẵn gặp khó khăn vì theo quy định khi xây dựng mới lại chỉ được 60% mật độ, còn lại là các công trình phụ trợ và hạ tầng cây xanh. Điều này khiến việc bố trí 100% tiểu thương được phép kinh doanh tại tầng 1 là không khả thi, khó có trên 50% tiểu thương không đồng thuận việc xây dựng mới hệ thống chợ truyền thống.
Về vấn đề này, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nêu rõ: thời gian tới đơn vị và các quận huyện tiếp tục quan tâm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về chợ trong đó đẩy mạnh công tác đầu tư, cải tạo chợ theo Kế hoạch năm 2024 của UBND TP. Hà Nội và các Chương trình số 03-CTr/TU và 04-CTr/TU của Thành ủy.
Đồng thời xây dựng kế hoạch tăng cường công tác quản lý chợ trên địa bàn qua đó giải quyết các tồn tại, vướng mắc về khiếu nại, tố cáo liên quan đến hệ thống chợ trên địa bàn. “Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với các Sở, ngành có liên quan, triển khai công tác kêu gọi xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư theo quy định đối với Dự án xây dựng Chợ đầu mối quốc tế nông sản tại Hà Nội”, bà Phương Lan nhấn mạnh.
Dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc – Nam thứ 5 tìm được nhà đầu tư
Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam vừa ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và vận hành trạm dừng nghỉ Km205+092 thuộc Dự án thành phần Vĩnh Hảo – Phan Thiết trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Ảnh minh họa |
Theo đó, nhà đầu tư trúng thầu là Liên danh Thành Thành Nam – Châu Thành – Việt Hàn – Sài Gòn Investment – Thành Thành Công Lâm Đồng (Liên danh Công ty cổ phần Thành Thành Nam – Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xăng dầu Châu Thành – Công ty cổ phần ô tô Việt Hàn – Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Sài Gòn Investment – Công ty TNHH Du lịch Thành Thành Công Lâm Đồng).
Giá trúng thầu tại Dự án này bao gồm giá trị bằng tiền nộp ngân sách nhà nước 81,009 tỷ đồng; giá trị sơ bộ chi phí thực hiện dự án là 316,491 tỷ đồng; giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 36,37 tỷ đồng. Dự án có tiến độ tổng thể 18 tháng, trong đó thời gian hoàn thành các hạng mục công trình dịch vụ công là 12 tháng; thời gian khai thác dự án sau khi hoàn thành công tác đầu tư là 25 năm.
Bộ GTVT giao Ban quản lý dự án 7 với vai trò là bên mời thầu căn cứ vào kết quả lựa chọn nhà đầu tư được phê duyệt, tổ chức triển khai thực hiện các bước tiếp theo tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 23/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực.
Trong quá trình thực hiện cần lưu ý đàm phán với nhà đầu tư trúng thầu rút ngắn tối đa tiến độ thực hiện các công trình công cộng để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến.
Dự án đầu tư xây dựng và vận hành trạm dừng nghỉ Km205+092 thuộc Dự án thành phần Vĩnh Hảo – Phan Thiết bao gồm việc xây dựng 1 cặp trạm dừng nghỉ, trong đó trạm bên phải tuyến có tổng diện tích là 5,5 ha; trạm bên trái tuyến có diện tích khoảng 7,5 ha.
Dự án có 3 loại hạng mục phục vụ cho nhu cầu dừng nghỉ của người tham gia giao thông. Cụ thể, các công trình dịch vụ công (cung cấp các dịch vụ miễn phí) gồm: Bãi đỗ xe; không gian nghỉ ngơi; phòng nghỉ tạm thời cho lái xe; khu vệ sinh; nơi cung cấp thông tin; nơi tổ chức, phát động tuyên truyền về an toàn giao thông; nơi trực của nhân viên cứu hộ, sơ cứu tai nạn giao thông.
Các công trình dịch vụ thương mại gồm: Khu vực phục vụ ăn uống, giải khát; khu vực giới thiệu và bán hàng hóa; trạm cấp nhiên liệu; trạm sạc xe điện; xưởng bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện; nơi rửa xe; nhà hàng ăn uống; khu vui chơi, giải trí; khu vui chơi dành riêng cho trẻ em; các công trình phụ trợ; các dịch vụ thiết yếu khác nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.
Các công trình bổ trợ gồm: Biểu trưng của địa phương hoặc của trạm dừng nghỉ; nơi sản xuất, chế biến đặc sản của địa phương; nơi sinh hoạt cộng đồng (tổ chức hội chợ, hoạt động văn hóa); công trình bổ trợ thuộc hạng mục khuyến khích đầu tư.
Trước đó, Bộ GTVT cũng đã phê duyệt nhà đầu tư trúng thầu tại 4 dự án đầu tư xây dựng và vận hành trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc – Nam phía Đông gồm: trạm dừng nghỉ Km90+900 thuộc Dự án thành phần Cam Lâm – Vĩnh Hảo; trạm dừng nghỉ Km144+560 thuộc Dự án thành phần Vĩnh Hảo – Phan Thiết; trạm dừng nghỉ Km329+700 thuộc Dự án thành phần Mai Sơn – Quốc lộ 45; trạm dừng nghỉ Km47+500 thuộc Dự án thành phần Phan Thiết – Dầu Giây.
Nguồn: https://baodautu.vn/khoi-cong-kcn-vsip-ha-tinh-hon-1555-ty-dong-hon-1165-trieu-usd-von-fdi-vao-ha-noi-d218849.html