Tại khoản 3 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008 đã quy định rõ về quy định mở cửa xe ô tô trong giao thông đường bộ. Cụ thể, người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau:
Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;
Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình;
Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó;
Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết;
Đặc biệt với ô tô, không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn; khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái; xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh.
Về mức phạt đối với hành vi mở cửa xe ô tô không quan sát, không đảm bảo an toàn giao thông, theo điểm g khoản 2 Điều 5 Nghị định 100/NĐ-CP/2019 quy định về việc xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, trong đó hành vi mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền 400.000 – 600.000 đồng.
Ngoài phạt tiền, nếu mở cửa xe ô tô không quan sát mà gây tai nạn thì chủ xe còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng. (Điểm c khoản 12 Điều 5 Nghị định 100/NĐ-CP/2019)
Bên cạnh đó, hành khách đi xe ô tô mà có hành vi đu, bám vào thành xe; đứng, ngồi, nằm trên mui xe, nóc xe, trong khoang chở hành lý; tự ý mở cửa xe hoặc có hành vi khác không bảo đảm an toàn khi xe đang chạy cũng sẽ bị phạt từ 300.000 – 400.000 đồng theo quy định tại mục b khoản 2 Điều 32 Nghị định 100/NĐ-CP/2019.
Đặc biệt, nếu việc mở cửa xe mà gây tai nạn giao thông chết người còn có thể bị phạt tù. Theo Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi khoản 72 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 về “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo 03 khung hình phạt chính như sau:
Khung 1: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với hậu quả làm chết 01 người.
Khung 2: Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm đối với hậu quả làm chết 02 người.
Khung 3: Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với hậu quả làm chết 03 người trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung như: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc không làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, căn cứ quy định trên, người lái xe hoặc người ngồi trong xe ô tô có hành vi mở cửa xe ô tô mà không chú ý quan sát gây nên hậu quả chết người thì hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và có thể phải nhận mức án lên đến 15 năm tù.
– Luôn khoá cửa lại khi xe đang chạy để đảm bảo rằng các cửa không bị bật ra gây tai nạn cho người khác. Đồng thời, nên sử dụng khoá trẻ em để tránh trẻ nhỏ tự ý mở cửa từ bên trong.– Trước khi mở cửa xe, lái xe cho xe đỗ sát mép đường bên phải chiều đi của mình. Không dừng xe ở nơi cấm đỗ xe, đường giao nhau… Tuyệt đối không mở cửa khi xe đang chạy.
– Khi mở cửa, người ngồi trên xe cần quan sát kỹ phía trước và phía sau bằng mắt thường và qua gương chiếu hậu.
– Thao tác mở cửa xe đúng là tay trái giữ tay nắm cửa, tay phải kéo mở khóa. Thao tác mở cửa bằng tay phải này giúp mặt dễ dàng hướng về phía sau để quan sát, đồng thời cánh cửa không bị mở bung rộng ra ngay.
– Mở cửa một cách từ từ, người ra đến đâu cửa mở ra đến đó chứ không mở hết cửa.
Minh Hoa (t/h)
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/mo-cua-xe-o-to-khong-quan-sat-bi-xu-phat-bao-nhieu-a670335.html