Cập nhật từ Dự án MDM (Dự án Giám sát hoạt động của các đập thủy điện sông Mekong) cho biết: Hình ảnh vệ tinh và phân tích cho thấy hồ chứa của đập thủy điện Thác Bạt của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mekong đã tích đầy nước. Đến thời điểm 23.6, con đập này đã giữ lại 1,2 tỉ m3 nước của sông Mekong, đủ để vận hành tiêu chuẩn trong chưa đầy 6 tháng. Việc tích trữ nước trong mùa khô là điều bất thường, khi mà các con đập thường tiến hành hoạt động xả nước vào thời gian này.
“Chúng tôi ước tính việc lấp đầy đập thủy điện Thác Bạt đã làm giảm lưu lượng nước đến Chiang Saen (Thái Lan) khoảng 7% và giảm lưu lượng đến Stung Treng (Campuchia) khoảng 1-2% trong giai đoạn từ tháng 2 – 6.2024”, bản tin của MDM nhận định.
Đầu tháng 2.2024, đập thủy điện Thác Bạt có công suất 1.400 MW ở Vân Nam (Trung Quốc) đã bắt đầu tích nước vào hồ chứa. Thác Bạt là một trong những con đập lớn nhất trên sông Mekong. Theo các chuyên gia, thông thường những hồ chứa thủy điện lớn như Thác Bạt phải mất một năm mới tích đủ nước cho việc vận hành. Nhưng hồ chứa này chỉ mất chưa tới 6 tháng để tích đủ nước và ngay trong mùa khô là bất ngờ lớn.
Xu hướng chung của nhiều đập thủy điện Trung Quốc là tích trữ nước. Trong giai đoạn từ 17 – 23.6, hoạt động tích nước nhiều nhất đến từ đập Nọa Trát Độ với 441 triệu m3 và đập Cảnh Hồng 107 triệu m3. Ngược lại, lượng xả nước lớn nhất tại đập Hoàng Đăng là 175 triệu m3.
Tình trạng hạn hán nghiêm trọng đang quay trở lại phần lớn lưu vực sông Mekong và biểu hiện rõ rệt ở đông bắc Thái Lan, miền trung Lào và các khu vực phía tây của Campuchia.
Nguồn: https://thanhnien.vn/thuy-dien-trung-quoc-tich-day-ho-chua-muc-nuoc-song-mekong-giam-7-185240630154516692.htm