UBND TP.HCM mới đây có báo cáo với Bộ LĐ-TB-XH về kết quả công tác phòng, chống mại dâm 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 trên địa bàn TP.HCM.
Theo báo cáo này, UBND TP.HCM đánh giá công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về mại dâm trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công an TP.HCM đã triệt phá một số vụ tổ chức, môi giới, chứa mại dâm do người nước ngoài điều hành, hoạt động khép kín, không tiếp khách là người Việt Nam. 6 tháng đầu năm 2024, Công an TP.HCM đã đấu tranh triệt phá 3 vụ môi giới mại dâm quy mô lớn do người Hàn Quốc, Trung Quốc tổ chức hoạt động tại nhà hàng, thu giữ gần 22 tỉ đồng.
Dù vậy, UBND TP.HCM cho rằng tình hình tệ nạn mại dâm trên địa bàn thành phố còn nhiều diễn biến phức tạp. Nhiều đối tượng hiện nay đang sử dụng công nghệ cao và các trang mạng internet để thành lập, điều hành các đường dây mại dâm xuyên quốc gia và vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Đặc biệt, các đối tượng hoạt động mại dâm tạo nhóm kín, diễn đàn kín với tính ẩn danh và độ bảo mật cao.
Trong khi đó, quản trị viên của các nhóm là những đối tượng môi giới mại dâm chuyên nghiệp hoặc vừa làm môi giới, vừa bán dâm. Một người có thể lập và điều hành nhiều nhóm kín khác nhau. Đồng thời, người môi giới, người bán dâm và người mua dâm tham gia nhiều nhóm kín để câu móc, trao đổi, đăng hình ảnh tiếp thị, thỏa thuận đến các địa điểm thực hiện các hành vi mua bán dâm như biệt thự, căn hộ chung cư, trên tàu biển, tàu du lịch và theo các hoạt động như tour du lịch, thể thao…
Theo UBND TP.HCM, các đối tượng, đường dây mại dâm này hoạt động tinh vi và trong đó có người mẫu, diễn viên, sinh viên, người dẫn chương trình, người tham gia các cuộc thi sắc đẹp tham gia.
Do đó, đòi hỏi cán bộ tham gia đấu tranh phòng, chống mại dâm phải có trình độ, năng lực ngoại ngữ, tin học cao. Tuy nhiên, hiện nay trang thiết bị, phương tiện, kỹ thuật được cấp phát và năng lực hiện tại của đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế, gây khó khăn trong việc phát hiện, điều tra, xử lý.
Vì vậy, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Công an cần phối hợp các bộ, ngành, đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác phòng, chống mại dâm.
Điển hình là nâng cao kỹ năng thu thập, chuyển hóa thông tin, tài liệu về mại dâm trên không gian mạng; đồng thời trang bị các phương tiện cần thiết để thu thập thông tin về số đối tượng hoạt động mại dâm trên không gian mạng nhằm tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh, triệt phá tệ nạn mại dâm trong tình hình mới.
Quy định về phòng chống mại dâm đã lạc hậu
Cũng theo UBND TP.HCM, hệ thống pháp luật về phòng chống mại dâm hiện nay đã lạc hậu và do chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung hoàn thiện nên nhiều hành vi nảy sinh liên quan đến mại dâm nhưng chưa có điều chỉnh phù hợp.
Cùng với đó, hiện pháp luật còn thiếu văn bản quy định, hướng dẫn để thống nhất việc xử lý các hành vi mại dâm nam, mại dâm đồng tính, mại dâm chuyển giới… Điều này khiến các cơ quan khó khăn lúng túng xử lý đối với các hành vi này.
Vì vậy, UBND TP.HCM kiến nghị các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, tham mưu đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Pháp lệnh phòng chống mại dâm năm 2003 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đảm bảo thống nhất, phù hợp với tình hình hiện nay.
Cụ thể là sửa đổi, bổ sung quy định về từ ngữ “mua dâm”, “bán dâm”, “giao cấu”, “mại dâm đồng tính”, “mại dâm chuyển giới”, “khiêu dâm, kích dục”… Đồng thời sớm có văn bản quy định, hướng dẫn để thống nhất về việc xử lý các hành vi mại dâm nam, mại dâm đồng tính.
Nguồn: https://thanhnien.vn/tphcm-de-xuat-hoan-chinh-phap-ly-xu-mai-dam-chuyen-gioi-185240628191420963.htm