Phải kịp thời
|
TS Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Nghiên cứu Biển Đông (Học viện Ngoại giao), cho rằng tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, giải quyết các tranh chấp khó khăn và lâu dài. Do đó cần phải có tầm nhìn chiến lược, toàn diện, thận trọng, giải pháp phù hợp; thông tin báo chí phải kịp thời, khách quan và đúng sự thật, luật pháp quốc tế, đầy đủ chứng cứ khoa học, hấp dẫn và cuốn hút người đọc. “Bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên Biển Đông không phải là nhiệm vụ của riêng các chiến sĩ ở Trường Sa hay trên các vùng biển, mà là nhiệm vụ chung của mọi công dân, trong đó có những người cầm bút hoạt động trong lĩnh vực báo chí, thông tin, tuyên truyền”, ông Giang chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Hoàng Vĩnh Bảo đề nghị báo chí tăng cường thông tin chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa và Trường Sa; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền quan điểm, lập trường của VN trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Sẵn sàng “tham chiến” trên mặt trận thông tin
Nhà báo Mai Thanh Hải (Báo Thanh Niên) cho biết trong các trường hợp xảy ra những nhiệm vụ cụ thể liên quan đến chủ quyền biển, đảo, lãnh đạo Báo Thanh Niên luôn chỉ đạo nhanh chóng, cử PV Ban Chính trị – Xã hội và PV thường trú các vùng miền để thành lập tổ phóng viên, sẵn sàng có mặt tại thực địa trong thời gian sớm nhất, phản ánh tin tức tình hình về tòa soạn. Tổ này được trang bị các thiết bị làm việc chuyên dụng (điện thoại vệ tinh, máy quay tầm xa…).
Đặc biệt, theo nhà báo Mai Thanh Hải, là tờ báo của Đoàn nên Báo Thanh Niên rất ưu tiên, tạo cơ hội cho những PV trẻ được tác nghiệp ở biển, đảo, đặc biệt là ở Trường Sa. Tiêu biểu như cuối năm 2016, Báo Thanh Niên cử 10 PV trẻ đi theo 5 tàu thay quân – cấp hàng tết của hải quân ra Trường Sa – nhà giàn DK1.
Là người gắn bó nhiều với biển, đảo, nhà báo Mai Thanh Hải cũng nêu một số khó khăn khi viết về hoạt động của đơn vị quân đội. Ví dụ, muốn đi thực tế tại một đơn vị hải quân ở Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, cơ quan phải làm giấy để xin Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị QĐNDVN), Cục Chính trị Hải quân, Phòng Chính trị Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân… Quá trình làm thủ tục này có khi mất đến 10 ngày mới chính thức được tiếp xúc đơn vị, viết bài.
Nhà báo Bùi Thanh, Tổng thư ký tòa soạn Báo Tuổi Trẻ, nhận định dù vẫn có sai sót khi đưa tin về biển, đảo nhưng thời gian gần đây mức độ, tần suất sai sót trên các báo giảm nhiều so với trước. Có được kết quả này là do các tòa soạn siết chặt quy trình, quy định khi viết về biển đảo, phóng viên khi viết bài tìm hiểu kỹ và được biên tập viên chăm chút hơn.
Tuy vậy, ông Thanh thể hiện sự lo lắng khi tin không chính xác, tin giả về biển, đảo xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng, gây ảnh hưởng, tác động không tốt đến dư luận. “Để tránh sai sót, ngoài những thông tin từ nguồn chính thống, ở tòa soạn cần có người hiểu biết, nắm rõ thông tin về biển, đảo, thường xuyên cập nhật thông tin, nắm rõ đối sách của VN, kết nối với chuyên gia để có sự hiểu biết, chuẩn bị tham chiến trên mặt trận thông tin”, nhà báo Bùi Thanh nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đoàn Công Huynh, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ TT-TT), cho hay sau buổi tập huấn, Cục sẽ ghi nhận mọi ý kiến từ các chuyên gia, đặc biệt là ý kiến từ các nhà báo. Sau đó, Bộ TT-TT sẽ có thông tư do Cục Thông tin đối ngoại chấp bút soạn thảo, quy định, hướng dẫn báo chí viết về chủ quyền biển, đảo, thông tin đối ngoại, trong đó có tập trung về việc động viên báo chí, hỗ trợ phóng viên. “Cục sẽ kiến nghị các cơ quan liên quan cần có cơ chế, tiếp xúc, trao đổi thông tin biển, đảo cho báo chí nhiều hơn. Cần hỗ trợ nhiều thông tin cho phóng viên để họ viết đúng, viết chuẩn, viết mà không sợ sẽ bị phạt vì sai sót. Bởi hiện phóng viên cứ sợ bị phạt nên không dám viết. Nếu thông tin biển, đảo không được đăng tải nhiều, lại đưa tin thất thiệt thì thiệt hại nhất chính là đất nước, người dân, ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc”, ông Huynh nói.
|
Nguồn: https://thanhnien.vn/chu-dong-thong-tin-ve-chu-quyen-bien-dao-cua-vn-185681408.htm