“Ai không đủ niềm tin với doanh nghiệp thì có thể bán ra”
Trong buổi họp gặp gỡ nhà đầu tư tháng 11/2023, Chủ tịch HĐQT của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) đã từng phát biểu “Ai có niềm tin sẽ bình tâm, tin tưởng vào hoạt động tái cơ cấu của công ty và coi đây là cơ hội để mua vào. Còn ai không đủ niềm tin với doanh nghiệp thì có thể bán ra”.
Tại thời điểm đó, cổ phiếu MWG trong giai đoạn điều chỉnh tương đối mạnh, thị giá mất đi tới 40% chỉ sau 1,5 tháng. Thị giá duy trì quanh ngưỡng 34.000 đồng/cổ phiếu do sự khó khăn của thị trường bán lẻ cùng kết quả kinh doanh ảm đạm của MWG.
Mới đây, Chủ tịch Tài đã có động thái mới khi đăng ký bán ra 2 triệu cổ phiếu MWG. Thời gian đăng ký bán ra từ ngày 7/6/2024 đến hết ngày 5/7/2024.
Hiện tại trên thị trường giá cổ phiếu MWG đang được giao dịch quanh vùng giá 63.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy dự kiến ông Tài sẽ thu về khoảng 127 tỷ đồng sau giao dịch này.
Không chỉ Chủ tịch Tài, từ tháng 11/2023 đến nay, nhóm các nhà đầu tư nước ngoài (khối ngoại) cũng đã liên tục xả bán cổ phiếu MWG. Áp lực bán tại tháng 11/2023 lên tới 1.501 tỷ đồng tại vùng giá 40.000 đồng/cổ phiếu. Đến tháng 4 và tháng 5 vừa qua, khối ngoại quay đầu mua ròng lần lượt 1.465 tỷ và 1.550 tỷ đồng.
Liên tục cắt giảm nhân sự, giải thể công ty con
Trong năm 2023, MWG cho thấy tín hiệu không khả quan với ngành bán lẻ khi cắt giảm tới gần 15.000 nhân sự. Quy mô nhân sự thu hẹp về mức thấp nhất trong 2 năm trở lại đây.
Tình trạng cắt giảm nhân sự vẫn chưa dừng lại, ngay trong Quý 1/2024, MWG tiếp tục cắt giảm thêm gần 5.000 nhân viên, đưa số lượng nhân viên của toàn tập đoàn xuống còn 60.051 người.
Điểm đáng chú ý là dù cắt giảm hàng nghìn nhân sự, chi phí của MWG không giảm mà thậm chí còn tăng. Trong đó chi phí bán hàng tăng nhẹ lên 4.821,3 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp lại nhảy vọt lên 2,7 lần, chiếm 868,5 tỷ đồng. Chi phí nhân viên tổng cộng chiếm 2.264,1 tỷ đồng, tăng hơn 123 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Không chỉ cắt giảm nhân sự, MWG cũng đã giải thể một loạt công ty con trong hệ sinh thái. Vừa qua, CTCP 4KFarm và CTCP Logistic Toàn Tín đã bị MWG giải thể sau một thời gian hoạt động.
Trong đó, 4KFarm hoạt động trong lĩnh vực trồng rau củ quả sạch. Về việc đóng cửa 4KFarm, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch HĐQT cho rằng 4KFarm đang hoạt động kém hiệu quả nên công ty chủ động rút lui.
Còn Logistics Toàn Tín, ban đầu công ty được lập ra với mục tiêu cung cấp dịch vụ Logistics cho cả các đối tác bên ngoài. Tuy nhiên nguồn lợi nhuận thu về tương đối nhỏ nên MWG đã rút gọn lại để Logistics Toàn Tín chỉ phục vụ nhu cầu vận chuyện trong hệ sinh thái Thế Giới Di Động.
Bách Hóa Xanh cắt giảm 40% cửa hàng và bán cổ phần, An Khang vẫn lỗ trong ngắn hạn
Bên cạnh hoạt động bán lẻ điện thoại, đồ điện tử, chuỗi Bách Hóa Xanh cùng nhà thuốc An Khang là 2 thương hiệu lớn trong hệ sinh thái Thế Giới Di Động.
So với thời kỳ đỉnh cao với 2.600 cửa hàng thì hiện tại Bách Hóa Xanh chỉ còn ghi nhận 1.600 cửa hàng. Tương đương số cửa hàng đã đóng cửa lên tới 40%.
Vừa qua, MWG đã dự kiến bán tối đa 20% cổ phần Bách Hóa Xanh nhưng cuối cùng chỉ bán được 5% cổ phần cho đối tác Trung Quốc là CHD Investment.
Đối với chuỗi nhà thuốc An Khang, thống kê trên trang chủ chuỗi nhà thuốc này tính đến tháng 5/2024 có 526 cửa hàng. Như vậy, trong năm 2023 An Khang gần như không có sự tăng trưởng về số lượng cửa hàng.
Theo báo cáo của SSI thì doanh thu dự phóng trong 2 năm tới của An Khang lần lượt đạt 2.500 tỷ và 2.900 tỷ đồng. Chuỗi này dự kiến vẫn sẽ lỗ lần lượt 339 tỷ và 243 tỷ đồng trong 2 năm tới.
Nguồn: https://www.congluan.vn/sau-tuyen-bo-ai-khong-du-niem-tin-vao-doanh-nghiep-thi-co-the-ban-ra-chu-tich-mwg-vua-ban-2-trieu-co-phieu-post298100.html