Chiều 21.7, tại không gian trưnng bày của Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh Thừa Thiên- Huế (41 Hùng Vương, TP.Huế), đã khai mạc triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”.
Triển lãm đã giới thiệu nhiều tư liệu, văn bản, thư tịch cổ, hiện vật, ấn phẩm và đặc biệt là gần 100 bản đồ được tập hợp từ các nguồn tư liệu đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả ở trong nước và quốc tế, khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của VN.
Bản đồ Đại Nam Nhất thống toàn đồ, vẽ thời Minh Mạng (1838) ghi chú rất rõ Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa bằng chữ Hán Ả
|
Cụ thể, đó là các bộ sưu tập gồm 65 bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, do Việt Nam, phương Tây công bố từ thế kỷ 17 đến nay.
Bộ sưu tập gồm 4 tập bản đồ (atlas) và 30 bản đồ do các nhà nước Trung Quốc xuất bản và phát hành chính thức qua các thời kỳ lịch sử cho thấy Trung Quốc không hề quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà họ gọi là Xisha và Nansha và đòi hỏi chủ quyền đối với hai quần đảo này.
Đáng chú ý là 4 cuốn atlas do nhà Thanh và Chính phủ Trung Hoa Dân quốc xuất bản gồm: Trung Quốc địa đồ (xuất bản năm 1908), Trung Quốc toàn đồ (xuất bản năm 1917), Trung Hoa bưu chính dư đồ (xuất bản năm 1919) và Trung Hoa bưu chính dư đồ (xuất bản năm 1933). Các atlas này là sản phẩm của chương trình thiết lập bản đồ bưu chính do nhà Thanh vạch ra vào năm 1906 và được Chính phủ Trung Hoa dân quốc kế tục vào các năm sau đó.
Các bản đồ được lập chi tiết ở từng tỉnh, thể hiện rõ các con đường vận chuyển thư từ, công văn trong các tỉnh, thành của Trung Quốc. Nơi nào không thuộc lãnh thổ Trung Quốc thì không được thể hiện trên các bản đồ trong atlas. Cương giới cực nam của Trung Quốc trong các atlas này luôn chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam, mà không hề nhắc đến Hoàng Sa và Trường Sa.
Điều này chứng tỏ rằng cho đến khi nhà Thanh phát hành các atlas này vào năm 1908 và sau này chính quyền Trung Hoa dân quốc tái bản các atlas này vào các năm 1917, 1919 và 1933, thì hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn nằm ngoài cái gọi là “chủ quyền lịch sử của Trung Quốc” như họ vẫn tuyên bố hiện nay.
Cùng với các bản đồ VN, bản đồ do chính Trung Quốc xuất bản, còn có các bản đồ quốc tế…
Nguồn: https://thanhnien.vn/gioi-thieu-gan-100-ban-do-khang-dinh-chu-quyen-vn-doi-voi-hoang-sa-truong-sa-185681567.htm