Khúc Toại tên Nôm là làng Chọi xưa thuộc tổng Châm Khê, huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn (nay thuộc khu phố Khúc Toại, phường Khúc Xuyên, thành phố Bắc Ninh).
Đình Khúc Toại nằm bên bờ Nam sông Ngũ Huyện Khê, nhìn về hướng Đông Nam, đây là công trình tín ngưỡng còn bảo lưu được khá nguyên sơ nghệ thuật kiến trúc thời Lê – Nguyễn.
Đình Khúc Toại vốn được khởi dựng từ thời Lê Trung Hưng, đến thời Nguyễn trùng tu vào các năm Đinh Mùi niên hiệu Thành Thái 19 (1907), Quý Sửu niên hiệu Duy Tân 7 (1913), Mậu Thìn niên hiệu Bảo Đại 3 (1928).
Hiện nay, đình Khúc Toại có bình đồ kiến trúc kiểu chữ Đinh, là sự liên kết của 5 gian, 2 chái tòa Đại đình và 3 gian Hậu cung. Chiều rộng các gian không đều nhau, nền đình lát gạch Bát Tràng, xung quanh vỉa đá tảng.
Bộ khung toà Đại đình được làm bằng gỗ lim, liên kết bởi 9 bộ vì kèo theo kiểu thức thượng giá chiêng, con chồng, hạ câu đầu, kẻ trường, trợ đỡ cho bộ khung đình là hệ thống cột lực lưỡng phân đều theo 9 hàng cột ngang và 6 hàng cột dọc, cột cái chu vi 2,5m, cột quân 1,8m và cột con 1m, toàn bộ cột đều có chân tảng tạc bằng đá xanh kê đỡ bên dưới.
Nghệ thuật chạm khắc trang trí ở đình Khúc Toại có thể so sánh với các ngôi đình cổ nổi tiếng ở xứ Kinh Bắc.
Trên hầu hết các cấu kiện gỗ đều được các nghệ nhân dân gian xưa gia công cầu kỳ, sáng tạo. Vẫn là nghệ thuật chạm nổi, chạm lộng, chạm thủng, chạm kênh bong và trang trí đề tài “tứ linh”, “tứ quý”, nhưng ở đây hầu như linh vật nào cũng được thể hiện sinh động ở nhiều trạng thái khác nhau.
Phía trước đình Khúc Toại, làng Khúc Toạn, tên Nôm là làng Chọi, xưa thuộc tổng Châm Khê, huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn (nay thuộc khu phố Khúc Toại, phường Khúc Xuyên, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh).
Đặc biệt, trên bức cửa võng đình ngoài hình tượng rồng uốn yên ngựa, chầu mặt nguyệt còn chạm cách điệu hình tượng tiên cưỡi mây, thiếu nữ vuốt râu rồng. Trên hệ thống ván dong còn thấy xuất hiện cả voi, chim, sóc trên thân trúc… Hầu hết các bức chạm đều mang đậm phong cách nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVIII – XIX.
Bên cạnh giá trị về mặt kiến trúc điêu khắc, đình Khúc Toại còn bảo lưu được nhiều di vật cổ niên đại tạo tác dưới thời Lê – Nguyễn, tiêu biểu như: 20 đạo sắc phong cho các vị thần thành hoàng, sắc sớm nhất phong vào năm Vĩnh Khánh 2 (1730), sắc cuối cùng phong vào năm Khải Định 9 (1924), 4 tấm bia đá “Thạch bi kỷ tín” dựng vào các năm Bảo Đại 3 (1928), Bảo Đại 8 (1933), 3 bộ ngai thờ, bài vị, 2 kiệu bát cống, sập thờ, hương án gỗ, nồi hương gốm sứ, lọ độc bình, hoành phi, câu đối…
Căn cứ vào hệ thống tư liệu Hán Nôm còn lưu giữ được tại di tích cho biết đình Khúc Toại thờ ba vị thần: Quý Minh đại vương có công đánh giặc ngoại xâm thời Hùng Vương.
Hai vị Trung Huệ đại vương (tức Đức Đệ tam) và Đống Vinh đại vương, truyền thuyết kể rằng: “Vào niên hiệu Hồng Đức đời vua Lê Thánh Tông (1470 – 1497), làng Khúc Toại có một vị quan võ nổi tiếng tài giỏi. Người ta không nhớ họ tên ngài là gì, chỉ biết rằng, sau khi ngài về thần, dân làng gọi ngài là Đức Đệ tam.
Khi còn làm quan trong triều, Đức Đệ tam kết bạn với một vị võ tướng người làng Đông Thọ (nay thuộc xã Đông Thọ, huyện Yên Phong).
Bấy giờ giặc cỏ vùng sơn cước nổi lên như ong. Triều đình nhiều lần cử Đức Đệ tam và vị võ quan người Đông Thọ xuất chinh, lần nào họ cũng thắng trận trở về. Hai ngài lại được triều đình cử cầm quân thị sát vùng biên thùy, nghe tài danh của hai ngài, người phương Bắc không dám nhòm ngó bờ cõi nước ta.
Sau khi đã dẹp yên giặc giã, nhà vua sai hai ngài đi tuần hành vùng Kinh Bắc, nhân đi qua làng Khúc Toại, Đức Đệ tam mời bạn về nhà mình chơi. Sau nhiều ngày xông pha nơi chiến trận và vùng rừng núi, bây giờ họ mới được thư thả hàn huyên tại quê nhà, họ tâm sự suốt đêm.
Sáng sớm hôm sau, không hiểu sao, Đức Đệ tam đột ngột qua đời, người bạn làng Đông Thọ ôm bạn khóc thảm thiết. Sau đó, ngài mời dân làng đến làm lễ an táng cho bạn.
Công việc xong xuôi, ngài hồi triều làm biểu tâu với nhà vua xin phong cho bạn mình làm Thành hoàng làng Khúc Toại. Dân làng Khúc Toại rất cảm kích trước nghĩa tình thủy chung ấy, nên khi vị võ tướng người Đông Thọ qua đời, người làng cũng tôn ngài làm Thành hoàng.
Tình cảm ấy thấu đến triều đình, vua Lê Thánh Tông bèn gia phong Đức Đệ tam là Trung Huệ đại vương, vị võ tướng người làng Đông Thọ làm Đống Vinh đại vương, cho phép dân làng Khúc Toại đời đời hương khói phụng thờ.
Hàng năm, lễ hội đình Khúc Toại được tổ chức vào các ngày 4, 5, 6 tháng Giêng âm lịch. Ngày hội là dịp nhân dân Khúc Toại tưởng niệm công lao đánh giặc ngoại xâm cứu nước, phù giúp dân an vật thịnh, mùa màng tốt tươi của các vị thần thành hoàng được thờ tại đình. Đây vốn là nét đẹp văn hóa truyền thống trên vùng quê Bắc Ninh – Kinh Bắc văn hiến.
Đình Khúc Toại được UBND tỉnh Bắc Ninh xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa năm 2008.
Nguồn: https://danviet.vn/con-la-liet-do-co-hien-vat-co-trong-ngoi-dinh-lang-choi-mot-lang-co-noi-tieng-dat-bac-ninh-20240629140543512.htm