Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 1/2024, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký đạt mức 2,36 tỷ USD, tăng 10,2% so với 2023, trong khi FDI giải ngân tăng 9,6% lên 1,48 tỷ USD. Theo đó, nhóm ngành bất động sản nhận được nhiều vốn đầu tư nhất với 1,27 tỷ USD, chiếm 53,9% tổng vốn đăng ký.
Sang tháng 2/2024, FDI đăng ký ở mức 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ 2023, trong khi FDI giải ngân tăng 9,8% lên 2,8 tỷ USD. Bất động sản là nhóm ngành đứng thứ hai, đạt gần 1,41 tỷ USD, chiếm 32,7% tổng vốn đăng ký.
Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 3/2024, FDI đăng ký ở mức 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ 2023, FDI giải ngân tăng 7,1% lên 4,63 tỷ USD. Nhóm ngành bất động sản đứng thứ hai với hơn 1,58 tỷ USD, chiếm 25,6% tổng vốn đăng ký.
Nhận định về thị trường bất động sản Việt Nam trong việc hút vốn FDI, ông Matthew Powell – Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, nhu cầu từ các nhà đầu tư, đặc biệt là trong khu vực đối với thị trường bất động sản Việt Nam đang rất lớn. Sức hấp dẫn đó của thị trường trong nước đến từ các lợi thế như dân số, tỷ lệ đô thị hóa, tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện tại…
Những yếu tố này đã cho thấy, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Mặc dù vẫn tồn tại những thách thức, những thăng trầm của chu kỳ thương mại, nhưng về lâu dài, các nhà đầu tư vẫn rất quan tâm tất cả các lĩnh vực của thị trường bất động sản tại Việt Nam.
“Một số nhà đầu tư chuyên môn hơn, họ quan tâm đến các trung tâm dữ liệu, một số khác tập trung vào logistics, khu công nghiệp, kho bãi. Phần lớn FDI liên quan đến sản xuất, vì vậy FDI quốc tế tập trung vào các địa điểm sản xuất chất lượng cao. Điều này cho thấy nhu cầu về các khu vực sản xuất chất lượng cao đang ngày càng lớn, cùng với các nhà đầu tư bán lẻ và khách sạn chuyên biệt”, ông Matthew Powell nhận định.
Chuyên gia của Savills cũng cho biết, đã có một số giao dịch diễn ra trong lĩnh vực nhà ở với các nhà đầu tư Singapore, tập trung vào lĩnh vực thương mại ở TP HCM, giao dịch khách sạn, giao dịch logistics. Từ đó cho thấy sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư đến nhiều khía cạnh.
Mặc dù việc hoàn thành các giao dịch bất động sản tại Việt Nam vẫn có thể gặp thách thức, nhưng chắc chắn nhu cầu vẫn ở đó. Với việc dành nhiều thời gian để hợp tác với các nhà đầu tư và người bán loại hình bất động sản này tại Việt Nam, Savills vẫn giữ vững sự lạc quan và tin tưởng vào tiềm năng đầu tư của Việt Nam.
Tương tự, Cushman & Wakefield Việt Nam cũng nhận định, khi bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, thì quốc gia mới nổi như Việt Nam đang trở thành một thị trường tiềm năng thu hút đầu tư. Nhưng quan trọng hơn, tỷ suất sinh lợi hấp dẫn ở thị trường Việt Nam là yếu tố quan trọng trong quyết định của nhà đầu tư nước ngoài. Bởi nhìn lại giao dịch giai đoạn 2018 đến 9 tháng đầu năm 2023, Việt Nam ghi nhận tổng lượng vốn đầu tư và M&A bất động sản đạt 4,2 tỷ USD. Trong đó, loại hình nhà ở và công nghiệp chiếm tỷ trọng lần lượt 46% và 28%.
Đơn vị này cũng dự báo, một lượng vốn lớn đến từ nhà đầu tư nước ngoài sẽ hoàn tất, đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024-2026, bởi nhiều giao dịch đã, đang đàm phán và khá tích cực. Hiện, mục tiêu đầu tư vẫn nằm ở việc tìm kiếm quỹ đất sạch, có chất lượng tốt, giá trị thật, quyền sở hữu hợp pháp, đền bù giải phóng hoàn chỉnh và tiềm năng phát triển.
Nguồn: https://www.congluan.vn/bat-dong-san-viet-nam-van-dang-la-diem-den-hang-dau-voi-nhieu-nha-dau-tu-quoc-te-post296132.html