Tại cuộc họp báo về kết quả kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV, Tuổi Trẻ Online đã đề nghị cho biết lý do vì sao từ 1-7, lương cơ sở tăng 30% (từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng) nhưng lương hưu chỉ tăng 15%?.
Chuyển từ tăng lương hưu 11,5 lên 15%
Trả lời nội dung này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cho biết nhiều người hưu trí cũng gọi điện hỏi ông.
Ông Phong nói thời gian qua, mức lương hưu của người nghỉ hưu liên tục được nâng lên, trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và tăng trưởng kinh tế.
Ông thông tin theo tính toán của Ban chỉ đạo cải cách tiền lương, với số lần tăng lương hưu thời gian qua thì lương hưu chỉ tăng 11,5% sẽ ngang bằng với 30% của cán bộ, công chức.
Tuy nhiên, xác định người hưởng lương hưu khó khăn và năm nay, khi tăng lương, giá cả sẽ tăng lên. Vì vậy Ban chỉ đạo cải cách tiền lương đã cân nhắc rất nhiều và xác định chuyển từ 11,5 lên 15%.
“Chuyển bước tăng cao lên một chút để chuẩn bị cho cuối năm sắp tới. Lương hưu tăng 15% nhưng thực tế nếu cộng dồn các năm qua khi liên tục nâng lên theo chỉ số CPI thì cao hơn 30% so với cán bộ, công chức”, ông Phong nói.
Cải cách tiền lương cần làm thận trọng, hiệu quả
Về cải cách chính sách tiền lương theo nghị quyết 27 của Trung ương, ông Đặng Thuần Phong nói đã 3 lần lùi nhưng đến nay chưa hoàn thành và lộ trình làm thận trọng, chắc chắn, hiệu quả.
Về việc vì sao lộ trình kéo dài như vậy, ông Phong giải thích Ban chỉ đạo cải cách tiền lương đã họp 24-25 cuộc, trong đó có 4 nội dung thực hiện được, còn 2 nội dung vẫn chưa thực hiện.
Với bảng lương mới ở cơ sở và xác định vị trí việc làm, tinh giản biên chế, trả mức lương từng vị trí nào cho thích hợp.
Theo ông Phong, quá trình cải cách dài nhưng xác định vị trí việc làm chưa đồng bộ, chưa thống nhất giữa các bộ ngành và địa phương mặc dù chung lĩnh vực.
Bảng lương của lực lượng vũ trang cũng có biến động. Với đơn vị sự nghiệp công lập, số tự chủ toàn phần, tự chủ chi thường xuyên và đầu tư rất thấp, chỉ được 30%.
Còn lại trên 70% ngân sách nhà nước vẫn phải chi. Nếu không sắp xếp được vị trí việc làm ở những cơ sở công lập như vậy thì rất khó cải cách tiền lương.
Ông nhấn mạnh quan điểm của Ban chỉ đạo là lùi thời điểm cải cách tiền lương để Chính phủ tính toán kỹ.
Nguyên tắc là phải xác định vị trí việc làm trên cơ sở sở tinh giản biên chế, lúc đó mới tính được các hệ số lương khác nhau, mới cải cách được tiền lương. Sắp tới Chính phủ sẽ rà soát tổng thể các bảng lương, vị trí việc làm, để có tính toán cụ thể.
Một vấn đề nữa là vướng mắc trong việc sắp xếp 9 nhóm phụ cấp. Cơ cấu tiền lương hiện nay là 40 – 60, tức 40% trợ cấp, 60% lương cơ bản. Còn theo thiết kế mới khi sắp xếp lại 9 nhóm phụ cấp, tỉ lệ là 30 – 70.
“Nếu không xử lý đồng bộ, sẽ có nhiều người rất thiệt thòi. Bởi ở những nơi công tác vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn, nhờ có phụ cấp này.
So với hiện hành khi chưa cải cách tiền lương thì cao hơn nếu áp dụng cải cách, không khuyến khích được nhân tài, nỗ lực”, ông Phong nói.
Ông thông tin thêm nếu áp dụng đầy đủ 9 phụ cấp này sẽ có nhiều bất cập phát sinh, khó lý giải, chưa tương thích đồng bộ với các đối tượng được hưởng. Do đó Ban chỉ đạo cho phép giữ lại phần này để tính toán, nghiên cứu, hoàn thiện tiếp.
Ngoài ra phải sửa hơn 20 văn bản quy phạm pháp luật liên quan lương cơ sở, nên Chính phủ chưa trình được. Đến nay Chính phủ chưa thể trình để xử lý.
Ông Phong cũng thông tin thêm việc bổ sung 10% của quỹ khen thưởng, trên cơ sở đó có nguồn động viên cho từng cơ quan, đơn vị khi thực hiện cải cách tiền lương.
Nguồn: https://tuoitre.vn/vi-sao-luong-co-so-tang-30-luong-huu-chi-tang-15-20240629114622681.htm