Kịch bản phim gia đình đang bị kịch hóa để gây chú ý
Dù đề tài gia đình luôn có sức hút, thậm chí chưa bao giờ bị xem cũ với khán giả Việt, nhưng có vẻ như thời gian qua, nhiều nhà làm phim đang lạm dụng kịch bản bi kịch hóa chuyện gia đình để tăng sự chú ý, gây tranh luận cho khán giả nhằm giúp phim có độ phủ sóng nhiều hơn.
Tuy nhiên, đây được xem là “con dao hai lưỡi” khi không ít bộ phim gia đình theo hướng này lại gây tranh cãi và nhận về những đánh giá tiêu cực từ người xem.
Còn nhớ “Gia đình mình vui bất thình lình” từng là dự án truyền hình gây chú ý. Phim được đánh giá tốt về diễn xuất khi quy tụ dàn sao thực lực của màn nhỏ.
Dù ban đầu phim có thông điệp khá tốt, nội dung cũng hấp dẫn khi xoáy sâu vào các thế hệ gia đình nhưng về sau, dự án gặp phản ứng của khán giả khi quá lạm dụng bi kịch nhân vật như tình tiết người vợ sẩy thai đến 3 lần, chồng chia tay vì vợ không sinh được con… Kịch bản phim bị khán giả chê vì quá nhẫn tâm với người phụ nữ từng bị mất con nhiều lần như nhân vật Phương trong phim.
Năm 2024, bộ phim “Trạm cứu hộ trái tim” cũng đi vào “vết xe đổ” của “Gia đình mình vui bất thình lình”. Phim liên tục gây nhiều tranh cãi vì loạt tình tiết bị chê vô lý, gây ức chế cho khán giả.
Dù sở hữu kịch bản mới mẻ và dàn sao chất lượng, nhưng việc biên kịch quá lạm dụng các tình tiết drama, bi kịch hóa cuộc đời nhân vật khiến bộ phim bị khán giả gắn mác đây không phải là dự án chữa lành như nhà làm phim giới thiệu mà là tác phẩm khiến người xem ức chế, khó chịu.
Trong đó, nhiều tình tiết phim được đưa vào khiên cưỡng, không hợp lý như nguyên do nhân vật An Nhiên của Lương Thu Trang thù Ngân Hà của Hồng Diễm vì cầm nhầm giày lúc nhỏ khiến cô trượt ở một cuộc thi múa.
Biên kịch Hồng Nhung nhận định: “Có thể một phần vì áp lực ở khâu kịch bản, muốn đẩy tình tiết gay cấn để khán giả chú ý, nhiều nhà làm phim điều chỉnh kịch bản nhằm tăng kịch tính cho phim. Tuy nhiên, đôi khi vì quá sa vào lạm dụng các tình tiết drama lại bị phản tác dụng, khán giả phản ứng cũng có nguyên do”.
Mạnh dạn “cởi trói” cho dòng phim Việt lấy chủ đề gia đình
Có thể nói năm 2023 đến đầu 2024, màn ảnh nhỏ có không ít bộ phim truyền hình về chủ đề gia đình được phát sóng đáng chú ý là: “Đừng làm mẹ cáu”, “Đừng nói khi yêu”, “Cuộc đời vẫn đẹp sao”, “Gia đình mình vui bất thình lình”, “Trạm cứu hộ trái tim”, “Người một nhà”…
Theo thống kê của Kantar Media Vietnam, đây đều là những bộ phim có tỉ suất người xem (rating) đạt trên 3%. Riêng với “Gia đình mình vui bất thình lình”, “Trạm cứu hộ trái tim”, ngoài rating, lượt tìm kiếm của phim trên các nền tảng mạng xã hội cũng lên đến con số khủng.
Tuy nhiên, nói phim chủ đề gia đình Việt phải có drama, tranh cãi mới được chú ý và đạt rating tốt là chưa khách quan.
Một kịch bản gần gũi, thông điệp tích cực, tình tiết không quá ồn ào, drama ở mỗi phân cảnh, tình huống trong phim đôi khi lại nhận “mưa” lời khen từ khán giả. Như bộ phim “Cuộc đời vẫn đẹp sao” từng là hiện tượng năm 2023.
Thanh Hương có màn “lột xác” với vai Luyến “cửu vạn” trong “Cuộc đời vẫn đẹp sao” khi mưu sinh để vun vén cho gia đình nhưng vẫn giữ tinh thần lạc quan. Phim có thông điệp rõ ràng, từ dàn sao chính đến phụ đều tròn vai.
Không nói riêng gì phim truyền hình, thậm chí với các phim điện ảnh lấy chủ đề về gia đình, dù không lạm dụng tình tiết drama vẫn được khá giả yêu mến, hút người xem đến rạp. Điển hình là “Lật mặt 7” của Lý Hải thu về đến 480 tỉ đồng (tính đến ngày 27.6).
Vậy nên, từ câu chuyện này có thể thấy, từ vài năm qua, các nhà làm phim vẫn chưa mạnh dạn “cởi trói” cho phim chủ đề gia đình Việt khi luôn có suy nghĩ phim về gia đình phải có bi kịch, drama mới hút khán giả. Dĩ nhiên, việc một bộ phim có nhiều tình tiết gay cấn sẽ hấp dẫn hơn nhưng nếu lạm dụng, vô tình lại khiến thông điệp phim về tình thân bị xem nhẹ.
Việc dung hòa nhẹ nhàng giữa yếu tố drama và sự gắn kết tình thân sẽ là “món ăn vừa khẩu vị” với khán giả.
Nguồn: https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/tim-huong-di-moi-cho-phim-viet-khai-thac-de-tai-gia-dinh-1359067.ldo