Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái (thứ 2 từ phải sang trái) cùng đoàn công tác tham quan mô hình trồng sâm Bố Chính thuộc dự án “Xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây sâm Bố Chính tại huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: TL |
Ngày 28/6, tại Hà Tĩnh, đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) do Thứ trưởng Trần Hồng Thái làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh.
KHCN&ĐMST được triển khai trên nhiều lĩnh vực, có nhiều đổi mới
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở KH&CN Bùi Quang Hoàn cho biết, thời gian qua công tác quản lý Nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh được triển khai toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và có nhiều đổi mới.
Về lĩnh vực sở hữu trí tuệ có nhiều kết quả nổi bật. Đến nay, toàn tỉnh có 2.943 đối tượng sở hữu công nghiệp được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, tăng hơn 8 lần so với năm 2015. Trên địa bàn tỉnh có 16 sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ thương hiệu cộng đồng; 6 sản phẩm đang được triển khai hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ.
Trong lĩnh vực Y dược nghiên cứu các loài thảo dược có khả năng hạn chế một số bệnh ung thư thường gặp, ứng dụng “Yoga trị liệu Việt Nam” để phục hồi chức năng cho bệnh nhân di chứng tai biến mạch máu não. Nhiều kết quả nghiên cứu về dược phẩm được thương mại hóa, sản xuất đưa ra thị trường.
Hướng đi của tỉnh cũng chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học xử lý môi trường, sản xuất phân bón hữu cơ; ứng dụng công nghệ tự động hóa trong sản xuất rau quả, chế biến nông sản thực phẩm. Nhiều công nghệ mới được ứng dụng như công nghệ cào bóc gia cố và tái chế nguội tại chỗ; lớp phủ vữa nhựa polime, sản xuất ống bê tông, gạch không nung và cấu kiện bê tông hay chế biến nước mắm bằng hệ thống cấp nhiệt sử dụng năng lượng mặt trời…
Các nghiên cứu khoa học, ứng dụng, đổi mới công nghệ đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là trong phát triển sản phẩm trọng điểm, chủ lực của địa phương. Hiện tỉnh có 16 sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ thương hiệu cộng đồng, 6 sản phẩm được triển khai hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ như sản phẩm bưởi Phúc Trạch, nhung hươu Hương Sơn, cam Thượng Lộc, cam Vũ Quang, kẹo Cuđơ Hà Tĩnh, nước mắm Kỳ Ninh. Trong đó, 2 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý là bưởi Phúc Trạch và nhung hươu Hương Sơn.
Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được quan tâm đầu tư, tìm kiếm và ươm tạo, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp có tiềm năng phát triển. Hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng được tăng cường.
Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN và đổi mới sáng tạo đã có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội.
Giai đoạn 2020 đến nay, Sở KH&CN đã chỉ đạo thực hiện 2 nhiệm vụ cấp Nhà nước thuộc Chương trình Quỹ gen; 11 dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi; 87 đề tài, dự án cấp tỉnh với nhiều kết quả nổi bật, đóng góp vào phát triển các lĩnh vực y tế, văn hóa, nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới…
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: năng lực KH&CN của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới, thị trường KH&CN phát triển chậm; năng lực hấp thụ công nghệ, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp còn thấp; ngân sách Nhà nước đầu tư cho KH&CN chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải cho biết, thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục bám sát, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách về phát triển KH&CN; nâng cao năng lực đội ngũ KH&CN; tăng cường công tác quản lý Nhà nước; tăng cường phối hợp với các hội khoa học, chuyên gia để hợp tác nghiên cứu, đặt hàng đề tài khoa học…
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Bộ KH&CN tiếp tục hỗ trợ một số chương trình, dự án liên quan hoạt động KH&CN; kết nối các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế để kêu gọi tài trợ các chương trình, dự án KH&CN, biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; hỗ trợ Hà Tĩnh một số nhiệm vụ KH&CN để phát triển bền vững kinh tế biển, phát triển tài sản trí tuệ các sản phẩm đặc hữu của Hà Tĩnh, dịch vụ logistics, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao…
Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng thành tựu KH&CN phát triển kinh tế
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái ghi nhận những kết quả đạt được của tỉnh Hà Tĩnh trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thứ trưởng cho biết, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh năm 2023 đứng thứ 15/63 tỉnh, thành cả nước và cao nhất khu vực Bắc Trung bộ. 6 tháng đầu năm 2024, xếp thứ 20 cả nước và thứ 2 Bắc Trung bộ (sau Thanh Hóa). “Nhiều yếu tố tổng hợp đã góp phần mang lại thành tựu cho tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây. Trong đó, quan trọng nhất là sự thay đổi tư duy, tầm nhìn của các cấp lãnh đạo tỉnh trong việc đưa KH&CN trở thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hoá, xã hội. Cụ thể là việc đẩy mạnh nghiên cứu phát triển, ứng dụng KH&CN vào các lĩnh vực kinh tế – xã hội của tỉnh”, Thứ trưởng cho hay.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TL |
Báo cáo kết quả hoạt động KH&CN của tỉnh cho thấy, công tác quản lý nhà nước về KHCN&ĐMST được triển khai toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và có nhiều đổi mới; hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN trên địa bàn tỉnh thời gian qua đạt nhiều kết quả nổi bật, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. KH&CN ngày càng bám sát để phục vụ thiết thực cho các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội; giải quyết những vấn đề cấp thiết phát sinh trong sản xuất, đời sống…
Theo Thứ trưởng, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc khiến hoạt động KH&CN của tỉnh phát triển chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng. Bởi vậy, tỉnh cần tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát hơn nữa đối với hoạt động KHCN&ĐMST trên địa bàn nhằm phục vụ hiệu quả cho các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng thành tựu KH&CN tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao trong phát triển kinh tế kinh tế biển theo hướng kinh tế biển xanh, kinh tế tuần hoàn, phù hợp với Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (Nghị quyết số 36-NQ/TW), tập trung vào các lĩnh vực: nuôi trồng và khai thác hải sản; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; du lịch sinh thái và dịch vụ biển; khai thác tài nguyên, khoáng sản biển, kết hợp hài hoà giữa khai thác, chế biến với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển; năng lượng tái tạo, …
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN trong bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên; nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển văn hoá – xã hội; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá truyền thống của địa phương…
Về các kiến nghị, đề xuất của địa phương, Thứ trưởng Bộ KH&CN cũng đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ tiếp thu, nghiên cứu, phối hợp với địa phương để sớm có phương án đề xuất hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, nhằm giúp KH&CN của tỉnh phát triển. Đồng thời khẳng định, Bộ KH&CN luôn sẵn sàng phối hợp, đồng hành với tỉnh để triển khai các nhiệm vụ KH&CN, đổi mới sáng tạo để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và đất nước./.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/khoa-hoc/khoa-hoc-cong-nghe-phuc-vu-hieu-qua-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-tinh-ha-tinh-671281.html