Thời gian quan, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH) đã tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao nhận thức, bảo đảm di cư an toàn, cũng như bảo vệ quyền, lợi ích của lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài.
Ông Lê Hoàng Hà, chuyên viên Phòng Pháp chế -Tổng hợp, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTBXH, phát biểu tại khóa tập huấn về di cư an toàn và bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Chia sẻ với Báo Thế giới & Việt Nam bên lề khóa tập huấn về di cư an toàn và bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài (ngày 25-26/6), ông Lê Hoàng Hà, chuyên viên Phòng Pháp chế – Tổng hợp, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTBXH, khẳng định Bộ luôn thường xuyên thanh tra, kiểm tra công tác hỗ trợ, quản lý người lao động Việt Nam ở nước ngoài để bảo đảm quyền và lợi ích của công dân.
Xin ông cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của Bộ LĐTBXH trong hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và những hình thức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài hiện nay?
Hiện nay, Bộ LĐTBXH đang đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 225/NQ-CP ngày 31/12/2023 của Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới trong đó có thể kể đến các nhiệm vụ trọng tâm như:
Thứ nhất, đa dạng hóa quốc gia/vùng lãnh thổ mà người lao động Việt Nam đến làm việc, trong đó hướng đến các quốc gia/vùng lãnh thổ có điều kiện làm việc tốt, thu nhập ổn định và công việc phù hợp về thể chất, thế mạnh của người lao động Việt Nam.
Tăng cường đàm phán tiến tới ký kết cả thỏa thuận hợp tác về lao động với các quốc gia/vùng lãnh thổ này nhằm tạo khung pháp lý thuận lợi, minh bạch cho người lao động trong suốt quá trình di cư, làm việc ở nước ngoài.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài; trong đó chú trọng việc phổ biến pháp luật, phong tục tập quán của quốc gia/vùng lãnh thổ mà người lao động đến làm việc; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, nội quy của nơi làm việc của người lao động.
Thường xuyên cập nhật kiến thức mới, thông tin pháp luật vào chương trình giáo dục định hướng.
Thứ ba, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Hướng đến thực hiện toàn bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực này trên môi trường điện tử; số hóa tài liệu giáo dục định hướng để người lao động tiện tra cứu, lưu trữ trong suốt quá trình di cư.
Về các hình thức người lao động đi làm việc ở nước ngoài hiện nay theo quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hiện nay bao gồm: đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với đơn vị sự nghiệp theo các thỏa thuận quốc tế; đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc thỏa thuận bằng văn bản với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thể là các đơn vị như sau: doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài; doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài; đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động trực tiếp giao kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài.
Toàn cảnh buổi tập huấn về bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài ngày 26/6. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Thời gian qua, Bộ LĐTBXH đã có những biện pháp gì nhằm nâng cao nhận thức, bảo đảm di cư an toàn cho lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài?
Hiện nay, Bộ LĐTBXH đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người lao động. Cụ thể, chúng tôi tăng cường cung cấp thông tin chính xác, kịp thời và rộng rãi đến người lao động.
Toàn bộ thông tin các doanh nghiệp được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đều được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ LĐTBXH và Cục Quản lý lao động ngoài nước.
Các thông tin như địa chỉ trụ sở chính, người đại diện theo pháp luật, website, số điện thoại của doanh nghiệp đều được niêm yết trực tuyến. Người lao động, thân nhân người lao động đều có thể tra cứu thông tin về hoạt động của doanh nghiệp trước khi đưa ra các quyết định đi làm việc ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, Bộ LĐTBXH phối hợp với các cơ quan chức năng ở trung ương và địa phương xử lý các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu lừa đảo, tuyển dụng người lao động đi làm việc ở nước ngoài trái phép. Chúng tôi cũng thông tin rộng rãi về việc xử lý, xử phạt các tổ chức, cá nhân vi phạm nhằm tăng tính răn đe.
Ngoài ra, Bộ LĐTBXH cũng phối hợp với cơ quan truyền thông thông tin đầy đủ, chính xác về thị trường lao động và chính sách của nhà nước trong việc hỗ trợ người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; xây dựng chuyên mục, chương trình chia sẻ những điển hình tốt, thành công và kinh nghiệm của người lao động Việt Nam khi đi làm việc ở nước ngoài.
Bộ LĐTBXH còn thường xuyên tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ, cơ quan chuyên môn về lao động ở các địa phương.
Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTBXH phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức Lễ xuất cảnh cho ứng viên điều dưỡng, nhân viên chăm sóc sang làm việc tại Nhật Bản ngày 4/6, tại Hà Nội. (Nguồn: Bộ LĐTBXH) |
Bộ LĐTBXH đóng vai trò như thế nào trong việc bảo vệ quyền, lợi ích của lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài?
Bộ LĐTBXH được Chính phủ giao là cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Việc bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động được thực hiện thông qua việc quản lý các tổ chức, doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Do đó, nhiệm vụ của Bộ LĐTBXH là rà soát, kiểm tra các điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ đối với người lao động trước khi đi; thường xuyên thanh tra, kiểm tra công tác hỗ trợ, quản lý người lao động của các doanh nghiệp dịch vụ.
Tại một số quốc gia/vùng lãnh thổ có nhiều lao động Việt Nam, Bộ LĐTBXH đã phối hợp với Bộ Ngoại giao cử công chức tham gia Ban quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài. Hiện nay có 6 ban quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài bao gồm Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Malaysia.
Đối với các quốc gia/vùng lãnh thổ không có Ban quản lý lao động, Bộ LĐTBXH thường xuyên phối hợp với Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện ngoại giao để trao đổi vấn đề chuyên môn, cập nhật thông tin pháp luật liên quan đến công tác người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: https://baoquocte.vn/tang-cuong-phoi-hop-bao-ve-quyen-va-loi-ich-cua-lao-dong-viet-nam-lam-viec-o-nuoc-ngoai-276482.html