Dường như mối quan hệ thân thiện của Budapest với Bắc Kinh đang đi ngược lại với những nỗ lực của Brussels nhằm giảm thiểu rủi ro khỏi các quốc gia không thân thiện…
Thủ tướng Hungary Viktor Orbán chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Sân bay Quốc tế Ferenc Liszt ở Budapest, 5/2024. (Nguồn: Reuters) |
“Dịu êm và đậm đà như rượu Tokaji”…
Tokaji là một loại vang ngọt nổi tiếng đến từ vùng Tokaj, Hungary, được mệnh danh là “Vua của các loại vang ngọt”. Bất ngờ là chính “những lời ngọt ngào” này, được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dùng để mô tả tình hữu nghị giữa Trung Quốc-Hungary trong chuyến thăm vào đầu tháng 5 vừa qua.
Và, trước sự khó chịu của các nhà quan sát ở Brussels, nhà lãnh đạo dân túy cánh hữu Viktor Orbán đã nhanh chóng nắm bắt bàn tay mở rộng đó.
Kết quả là, sự đánh giá cao lẫn nhau giữa hai nhà lãnh đạo đã cho thấy kết quả rõ ràng về mặt vật chất – là khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc trị giá khoảng 16 tỷ Euro.
Hungary cũng là nước hưởng lợi từ một nhà máy của hãng sản xuất xe điện Trung Quốc BYD – mục tiêu cuộc điều tra của Ủy ban châu Âu (EC) về ô tô điện. Hungary cũng đã thực hiện các bước để tăng cường mối quan hệ với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei – vốn bị Brussels coi là nhà cung cấp có rủi ro cao.
Tiếp sau đó, Hungary còn liên quan tuyến đường sắt do Trung Quốc tài trợ đang được xây dựng, nối Budapest với Belgrade thuộc nước láng giềng Serbia.
Do đó, khi Budapest đang chuẩn bị nắm quyền điều hành Hội đồng Chủ tịch EU luân phiên, tạo cơ hội cho Thủ tướng Orbán – người thường xuyên mâu thuẫn với hầu hết các thành viên EU khác, một cơ hội để thể hiện sức mạnh, đang khiến Brussels lo lắng.
Vị thủ tướng theo chủ nghĩa dân túy Viktor Orbán được giới truyền thông mô tả là là nhà lãnh đạo có quan điểm hoài nghi châu Âu và thẳng thắn nhất trong EU. Trong thập kỷ qua, chính phủ của ông nhiều lần mâu thuẫn với lãnh đạo EU và các quốc gia thành viên khác về vấn đề dân chủ, di cư và gần đây nhất là sự hỗ trợ quân sự của khối dành cho Ukraine.
Budapest thường xuyên dùng quyền phủ quyết của mình trong các cuộc bỏ phiếu quan trọng, làm đình trệ nhiều chính sách của EU khi tất cả các thành viên còn lại đều đã sẵn sàng. Đó cũng là lý do khiến các nước trong khu vực lo ngại khi Hungary sắp tiếp quản trọng trách lớn.
Theo đúng luân phiên, Hungary sẽ đặt ra chương trình nghị sự của EU trong 6 tháng tới, cho phép nước này đảo ngược lập trường ngày càng quyết đoán của Brussels đối với Trung Quốc và các đồng minh của nước này?
“Có khả năng có một mối quan hệ đối tác kinh tế có ý nghĩa và cùng có lợi với Trung Quốc. Và tôi tin rằng, đây sẽ là thách thức lớn nhất trong chu kỳ chủ tịch luân phiên tiếp theo của EU vào 6 tháng cuối năm”, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Hungary János Bóka nói với giới truyền thông.
Nỗi lo của châu Âu?
Nhiệm vụ “địa chính trị” của bà Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đang trong quá trình chuyển hướng, phối hợp với Mỹ và Nhật Bản, để “giảm thiểu rủi ro” cho chuỗi cung ứng của mình khỏi “các quốc gia không thân thiện” – đặc biệt là Trung Quốc.
Giới truyền thông quốc tế bình luận, họ đang thực hiện cái gọi là chiến lược an ninh kinh tế, nhằm bảo vệ các nghiên cứu và công nghệ quan trọng khỏi các cường quốc đối thủ.
Trong khi đó, Budapest bị cho là hiếm khi che giấu sự hoài nghi của mình đối với những đề xuất mới – vốn sẽ trao quyền cho EC giám sát các khoản đầu tư ra bên ngoài EU.
Trên thực tế, Hungary được cho là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ việc áp các mức thuế trừng phạt đối với xe điện của Trung Quốc – mà EC dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng tới, như loại “giá vé gia nhập thị trường chung EU của Trung Quốc”. Nhưng Budapest lại có cảm giác đang đẩy Trung Quốc ra xa hơn và có nguy cơ làm rạn nứt quan hệ thương mại đnag nồng ấm.
Ông János Bóka, người sẽ là gương mặt đại diện cho Tổng thống Hungary trong 6 tháng tới tại EU, cho rằng, “nói chung cái gọi là an ninh kinh tế không rõ ràng. Nếu có rủi ro đối với an ninh của chúng tôi, những rủi ro này phải được xác định và giải quyết cụ thể. Nếu bạn nói về an ninh kinh tế một cách mơ hồ, thì có thể bạn đang nói về việc tách rời… chúng tôi đã đưa ra quyết định rằng, chúng tôi không tách rời, chúng tôi chỉ đang giảm thiểu rủi ro”.
Trên thực tế, những hứa hẹn “đảm bảo chủ quyền, an ninh và thịnh vượng của châu Âu trong những năm tới trong bài phát biểu đầu tiên về chủ đề này của bà von der Leyen khoảng một năm trước và cả nỗ lực thúc đẩy an ninh kinh tế từ Brussels sớm bị đình trệ. Những cam kết quá mạnh mẽ đó bị bình luận là đã đi ngược sự dè dặt vốn thấy ở các thành viên của “lục địa già”.
… Và một năm đã trôi qua, những nỗ lực đó vẫn còn khá lộn xộn trong bối cảnh còn nhiều bất đồng về cách điều phối công việc… Và hiện EC cũng cho biết, họ không tin tưởng Budapest sẽ đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự của khu vực trong 6 tháng tới.
Còn với quan điểm của mình, Hungary cho rằng, các doanh nghiệp châu Âu không cần phải bị ràng buộc bởi “các thủ tục quan liêu nữa”.
Tobias Gehrke, Chuyên gia chính sách cấp cao tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu, cho rằng, Hungary đang có cơ hội vàng để không tuân theo ý tưởng của EC, mà làm theo quan điểm riêng. Trong những năm qua, quốc gia Trung Âu này “đã và đang xây dựng danh mục trở thành người bạn tốt nhất của Trung Quốc ở châu Âu. Chiến lược an ninh kinh tế của EU sẽ là thách thức trực tiếp đối với mối quan hệ nồng ấm này”.
“Khiêu vũ với rồng”
Nền kinh tế Hungary bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng thời Covid-19 và cú sốc năng lượng sau xung đột Nga-Ukraine. Sự thúc đẩy kinh tế do thương mại và đầu tư của Trung Quốc mang lại có thể giúp “chữa lành” một số vết sẹo kinh tế do tình trạng hỗn loạn đó để lại.
Và trong khi sự quan tâm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối với Hungary – quốc gia tính theo GDP danh nghĩa có quy mô kinh tế nhỏ hơn 100 lần so với Trung Quốc – có vẻ khó hiểu, thực tế, ảnh hưởng của Budapest vượt xa những con số được công bố.
Hungary có vị trí chiến lược giữa rìa phía Đông của EU và trung tâm công nghiệp ở phía Tây.
Và trong khi, nếu xét theo hệ thống chính trị, Budapest có vẻ khép kín và ít hào hứng về sự thay đổi. Thì ngược lại, nền kinh tế dựa vào sản xuất của Hungary lại được đánh giá cực kỳ cởi mở, lại gắn bó chặt chẽ với chuỗi cung ứng của Đức – hầu hết là trong ngành công nghiệp ô tô.
Với “vị trí” kinh tế đặc biệt này, Hungary sẽ là cửa ngõ quan trọng để cường quốc kinh tế số 1 châu Á bước vào phần còn lại của châu Âu.
Theo một báo cáo mới của Rhodium Group và MERICS, sự bùng nổ xe điện của Trung Quốc đã dẫn đến làn sóng đầu tư, trong đó Hungary nhận được 44% tổng vốn FDI của Trung Quốc vào châu Âu trong năm ngoái, nhiều hơn cả Đức, Pháp và Anh cộng lại.
Giám đốc điều hành (CEO) Hiệp hội Công nghiệp ô tô Hungary Csaba Kilian, cho biết, khoảng 25 đến 30 công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ pin đã đầu tư vào nước này và phần lớn đến từ Trung Quốc, như nhà sản xuất pin lithium-ion cho xe điện và hệ thống lưu trữ năng lượng chuyên nghiệp CATL.
Hungary là “địa điểm tối ưu” cho nhà máy thứ hai của CATL, đại diện công ty cho biết trong một tuyên bố với giới truyền thông, khi được hỏi về lựa chọn của mình ở Hungary – “nhờ chính sách kinh tế ủng hộ đầu tư”. Trong khi được hỏi ý kiến về vấn đề thuế quan đối với xe điện Trung Quốc, CEO của Hiệp hội Công nghiệp ô tô Hungary cho rằng “cần thận trọng, bởi điều đó có thể rất nguy hiểm… rất có thể, nó sẽ không có lợi cho các nhà sản xuất ô tô châu Âu”.
Ông Csaba Kilian cũng cho biết thêm, mục tiêu của chính phủ Hungary là thu hút… các công ty công nghệ hàng đầu. “Chúng tôi không nói về các hoạt động lắp ráp đơn giản”, ông Kilian nhấn mạnh.
Giới quan sát bình luận, thực tế, với kết quả chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Pháp và Hungary tháng trước, rõ ràng là châu Âu và Bắc Kinh sẽ khó mà “chia tay”, đặc biệt là Hungary rất có thể là chìa khóa cho một mối quan hệ hiệu quả.
Việc Hungary bước vào “quỹ đạo” của Trung Quốc không hẳn là một nỗ lực nhằm chọc tức Brussels. Như nhà kinh tế cấp cao phụ trách về Hungary của ngân hàng ING Peter Virovacz bình luận, “ngay cả khi bạn không thích cách ông Orbán nói và những gì ông ấy đang làm, thì cuối cùng ông ấy vẫn là một nhà lãnh đạo đang bị mắc kẹt giữa hai quyền lực”. Ông ấy cần hành động cân bằng”
Hungary là một trong những nền kinh tế liên kết chặt chẽ nhất ở EU, tận dụng mức lương rẻ và lực lượng lao động có trình độ để trở thành trung tâm sản xuất của khu vực. Vừa thoát ra khỏi những khó khăn, nền kinh tế Hungary đang dần ổn định, nhưng vẫn còn rất mong manh. Bởi vậy, theo như nhà kinh tế Nathan Quentric của Crédit Agricole, “đầu tư của Trung Quốc đã đến đúng thời điểm để ổn định cán cân bên ngoài của Hungary và vực dậy tăng trưởng của nước này”.
Vấn đề quan trọng hàng đầu đối với Thủ tướng Orbán là nền kinh tế Hungary. Nhưng ở góc độ khác, EC vẫn là trung tâm của các thành viên EU. Do đó, mối quan hệ ngày càng phát triển của Budapest với Trung Quốc, được nhà kinh tế Quentric nhận định là “một lựa chọn phát triển tiềm ẩn nhiều rủi ro”.
Nguồn: https://baoquocte.vn/hungary-than-mat-hon-voi-trung-quoc-eu-co-the-tach-roi-duoc-bac-kinh-276664.html