* Phóng viên: Chị có thể chia sẻ đôi điều về ca khúc “Vút bay giữa trời tự do”, hưởng ứng cuộc vận động sáng tác ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” do Báo Người Lao Động tổ chức?
– Nhạc sĩ MAI TRÂM: Để đất nước có trọn niềm vui thống nhất, ông cha ta đã phải đổi lấy biết bao xương máu, hy sinh. Ngày hôm nay, tôi được học hành, làm việc, được sống trong hòa bình, sống giữa yêu thương. Ca khúc “Vút bay giữa trời tự do” như nói lên niềm mơ ước chung của thế hệ đi trước về một đất nước hòa bình, tự do, độc lập.
* Cảm xúc của riêng chị với ca khúc “Vút bay giữa trời tự do” là gì?
– Thế hệ cha ông của mình, cụ thể là ba của tôi, giữa những năm 1970, ngay tại Sài Gòn (nay là TP HCM) đã cùng nhau cất cao tiếng hát trong làn khói đạn, giữa những cuộc biểu tình đòi hòa bình của sinh viên – học sinh. Hôm nay, thế hệ của tôi tại TP HCM đang cất cao tiếng hát đầy niềm tin và tự hào. Đó là tất cả cảm xúc xuyên suốt của bài hát, đó là lòng biết ơn đối với thế hệ đi trước đã ngã xuống để những người trẻ chúng ta được “vút bay giữa trời tự do”.
* Thành phố kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, theo chị, đây có phải là cơ hội vàng để giới sáng tác thể hiện tình cảm, cảm xúc của mình với sự kiện nổi bật của đất nước, thông qua âm nhạc?
– Được Báo Người Lao Động, Ban Tổ chức (BTC) cuộc vận động sáng tác ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” trao cho cơ hội để được đóng góp cho thành phố 1 ca khúc trong mốc thời gian chào mừng 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với tôi đó là một niềm hạnh phúc, vinh dự. Rất cảm ơn Báo Người Lao Động đã tạo một động lực, cũng là một thử thách đối với tôi khi đặt bút viết về đề tài đã có quá nhiều tác phẩm hay.
* Lớn lên cùng sự phát triển của thành phố, hẳn chị cũng có những cảm xúc rất đặc biệt về thành phố thân yêu?
– Thành phố chúng ta đang phát triển từng ngày, điều này chắc chắn ai ai cũng nhận thấy và những bài hát ngợi ca những công trình, những tầm vóc mới của thành phố đã được đưa vào rất nhiều tác phẩm hay. Thành phố này đối với tôi còn có những tình cảm riêng tư, ấm áp và quyến luyến rất khó diễn tả vì tôi sinh ra và lớn lên tại nơi đây.
TP HCM là một phần to lớn không thể thiếu của cuộc đời tôi vì nó chứa đựng cả tuổi thơ, hiện tại và tương lai; là quê hương tôi, gia đình tôi. Tôi yêu thành phố này như yêu thương người thân của mình. Một đoạn ca từ trong ca khúc cũng nói lên tình người ấm áp của thành phố này: “Thành phố bao nghĩa tình, vòng tay dài rộng mãi, nồng ấm ánh mắt thân thương xa lạ bỗng gần nhau hơn”. Hy vọng ca khúc này sẽ được nhiều người đồng cảm và đón nhận, nhằm góp thêm những bông hoa cho vườn hoa âm nhạc của thành phố và cả nước.
* Là một nhạc sĩ trẻ, chị có kiến nghị gì để những bản tình ca cách mạng mới – những sáng tác của thế hệ trẻ – dễ dàng tiếp cận với đối tượng khán giả trẻ?
– Tôi luôn mong những sáng tác về chủ đề quê hương đất nước, nhất là những sáng tác mới của các nhạc sĩ được đông đảo người nghe nhớ đến và yêu thích. Tôi cũng chủ động viết về quê hương mình bằng chính cảm xúc thật của mình, làm mềm mại những nội dung tuyên truyền bằng những giai điệu đẹp, tiết tấu phù hợp với các bạn trẻ. Tôi nghĩ cần có những đơn vị tổ chức, truyền thông để đưa những tác phẩm này đến gần hơn với khán giả.
* Với cuộc vận động sáng tác ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” của Báo Người Lao Động, chị có đề xuất gì để xây dựng nên một cuộc vận động có quy mô và hiệu quả?
– Theo tôi, ca khúc hay chính là cốt lõi của mọi vấn đề. Hy vọng cuộc thi lần này sẽ chọn ra được nhiều tác phẩm hay, có nhiều tác giả trẻ tham gia và tìm ra được nhiều nhân tố mới cho lực lượng viết trẻ của thành phố. Chúng ta cần tổ chức nhiều sân chơi, nhiều cuộc thi sáng tác, với định hướng âm nhạc đa phong cách, giải thưởng cao để thu hút sự quan tâm của những người viết trẻ tham gia.
Cuộc vận động sáng tác ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” do Báo Người Lao Động tổ chức nhằm chào mừng, kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2025), BTC sẽ chọn ra 20 tác phẩm xuất sắc nhất vào vòng chung kết. Vòng chung khảo sẽ diễn ra vào tháng 2-2025, trong thời gian nhận tác phẩm, sàng lọc sơ khảo, BTC sẽ chọn những tác phẩm hay để dàn dựng, giới thiệu trong Lễ trao Giải Mai Vàng lần thứ 30 (khoảng tháng 1-2025). Song song đó, BTC cũng đưa các tác phẩm lên nền tảng mạng xã hội của báo để giới thiệu cho cộng đồng.
Mỗi tác giả tham dự tối đa 3 tác phẩm. Tác phẩm gửi về BTC có đủ phần nhạc và phần lời tiếng Việt, có kèm đĩa CD đã thu âm ca khúc hoặc file MP3, MP4. Tác phẩm tham dự phải là tác phẩm mới, chưa công bố trên mọi hình thức và không có tranh chấp bản quyền. BTC sẽ không xét, chấm giải đối với các tác phẩm sao chép, mô phỏng ý tưởng và giai điệu, lời ca của tác giả khác trong và ngoài nước.
Lễ trao giải sẽ diễn ra vào dịp tháng 4-2025. Cơ cấu giải thưởng gồm 1 giải nhất (100 triệu đồng), 1 giải nhì (50 triệu đồng), 2 giải ba (30 triệu đồng/giải), 3 giải khuyến khích (10 triệu đồng/giải).
* Địa điểm nhận tác phẩm tham dự:
– Phòng Sự kiện và Phát triển thương hiệu Báo Người Lao Động. Địa chỉ: 123-127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, Điện thoại: (028) 39301820; Email: [email protected].
– Hình thức gửi tác phẩm tham dự: Gửi trực tiếp; qua đường bưu điện hoặc qua email.
Nguồn: https://nld.com.vn/biet-on-khi-duoc-vut-bay-giua-troi-tu-do-196240401213142402.htm