Tự nhận bản thân là người “có chút nghệ sĩ”, Thuận cho ra đời các dự án đậm hơi thở nghệ thuật như robot múa rối nước, robot đánh đàn piano, robot vẽ tranh trên cát, robot cá…
“Nghệ thuật múa rối nước được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Robot múa rối nước không thể thay thế hoàn toàn nghệ nhân nhưng với một số bài múa đơn giản, robot hoàn toàn có thể tái dựng. Điều này góp phần bảo vệ sức khỏe cho nghệ nhân, nhất là giúp hạn chế các bệnh về da do tiếp xúc dưới nước quá lâu” – Thuận giới thiệu.
Là sinh viên, không có nhiều kinh phí thực hiện, Thuận luôn cố gắng tận dụng những thiết bị có sẵn. Với tốc độ phát triển của công nghệ, nhiều loại hình nghệ thuật dần bị lãng quên hoặc thất truyền vì không còn nghệ nhân. Chàng sinh viên định hướng sẽ tiếp tục nghiên cứu những dự án robot mô tả lại những làng nghề nghệ thuật của Việt Nam.
“Bước vào THPT, em bắt đầu đam mê nghiên cứu khoa học. Robot và các dãy code là điều gì đó rất cuốn hút em. Em từng tham gia các cuộc thi nghiên cứu với mong muốn va chạm và biết nhiều hơn về lĩnh vực này. May mắn lớn nhất là đậu đại học đúng ngành mơ ước, em như cá gặp nước, được sáng tạo” – Thuận hào hứng nói.
PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh, Viện trưởng Viện Công nghệ thông minh và Tương tác – ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ hiện nay, robot hiện diện ở mọi khía cạnh trong cuộc sống, kể cả nghệ thuật. “Những robot này có thể ứng dụng vào đời sống, đặt trưng bày tại các buổi triển lãm, trung tâm thương mại, bảo tàng” – thầy Thịnh nhận xét.
Nguồn: https://nld.com.vn/sinh-vien-thoi-hon-nghe-thuat-vao-robot-19624042720220735.htm