Theo “Địa chí Tiền Giang”, di tích Gò Tân Hiệp (tọa lạc tại ấp Cá, thị trấn Tân Hiệp, nay thuộc khu làm việc của Huyện ủy Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) diện tích phần gò 4.157 m2, nằm trong thửa đất 9.895 m2, đỉnh gò cao hơn so mặt đất khoảng 4,5 m.
Đây là di tích kiến trúc có quy mô được xem là lớn nhất ở Tiền Giang.
Gò Tân Hiệp hiện nay tọa lạc tại ấp Cá, thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Theo đánh giá của các nhà khoa học khảo cổ, Gò Tân Hiệp có thể là một trung tâm tôn giáo có quy mô lớn của thời kỳ Phù Nam, thuộc dòng văn hóa Óc Eo.
Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Lê Ái Siêm cho biết: Đây là di tích khá độc đáo về kiến trúc, hình thể, quy mô.
Tuy nhiên, không có nhiều tư liệu về di tích này. Khoảng thời gian từ năm 1988 đến năm 1995, Bảo tàng Tiền Giang có mời một số nhà khoa học của Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ (TP. Hồ Chí Minh) đến khảo sát gò Tân Hiệp. Tiếp đó, Tiến sĩ NIXI, người Nhật, đến khảo sát thực tế và nghiên cứu gò này.
Theo đánh giá của Tiến sĩ NIXI và một số nhà khoa học, qua các vết tích còn lưu lại tại gò Tân Hiệp và một số khu vực lân cận cho thấy, đây có thể là một trung tâm tôn giáo có quy mô lớn của thời kỳ Phù Nam.
Theo khảo sát chuyên môn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang, các di tích khảo sát được tại gò Tân Hiệp thuộc dòng văn hóa Óc Eo, phát triển cách đây hơn 1.000 năm, do các yếu tố về tự nhiên, đất đai hình thành, khoảng thời gian tạo dựng nên gò thì chưa rõ.
Gò nhân tạo này được bó nền (bọc nền) bằng gạch có hình vuông với chiều cao khoảng 4 m.
Gạch bó nền có kích thước giống gạch tại di tích Gò Thành (huyện Chợ Gạo).
Trước đây, tại khu vực này còn một tảng đá lớn rộng khoảng 1,5 m nằm bên ngoài thành gạch cũ. Trên mặt gò, các kiến trúc đã bị sụp đổ.
Thời Mỹ xâm lược đã xây dựng các công trình phục vụ quân sự tại đây. Nay thành gạch không còn vết tích cũ.
Qua khảo sát, có thể đoán định di tích là kiến trúc trung tâm có liên quan đến tôn giáo vào thời kỳ Óc Eo muộn (thế kỷ VII – XIII).
Còn theo quyển “Lịch sử Đảng bộ và nhân dân thị trấn Tân Hiệp”, liên quan đến gò Tân Hiệp, nhiều người dân tại đây cho biết, theo ông bà xưa truyền lại, lúc lập làng, khu vực phía sau gò vẫn còn hoang phế, nên gọi là gò Rừng.
Trước mặt Gò Tân Hiệp theo góc Đông Tây có hai cây dầu rất to, dân quen gọi là cây dầu đôi, ở sau chùa Bà. Trên gò cao này có một ngôi chùa bỏ hoang phế, cư dân gọi là chùa Đằng Thổ.
Sau đó, Pháp cho cất một ngôi trường học trên đồi, gọi là Trường Sơ học Tân Hiệp (3 năm đầu của bậc tiểu học). Lúc xây dựng trường đã đào được tại đồi các tượng thờ. Năm 1995, gò Tân Hiệp được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Do được hình thành từ lâu đời, thuộc dòng văn hóa rất nổi tiếng, thể hiện tiêu biểu về đặc trưng văn hóa Nam bộ từ xa xưa, nên ngày 15-12-2000, UBND tỉnh ban hành Quyết định 09 về bảo vệ di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh, quyết định bảo vệ có nhiều di tích trên địa bàn tỉnh, trong đó có gò Tân Hiệp.
“Chúng tôi rất quý trọng các giá trị lịch sử – văn hóa để lại và đã có nhiều hành động cụ thể, như đi tìm, phát hiện ra nhiều di tích, vết tích lịch sử để nghiên cứu, lưu giữ, tuyên truyền lại cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, ngày nay, không ít giá trị văn hóa dần bị mai một. Mất mát về kinh tế thì có thể bù đắp hoặc làm lại được, nhưng mất mát nguồn tài nguyên văn hóa là mất mát không thể bù đắp, không thể cứu vãn được. Vì vậy, tôi rất mong thế hệ trẻ hãy xem việc gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa – lịch sử là trách nhiệm của mình, để truyền lại các thế hệ con em mình về các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc…”, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Lê Ái Siêm chia sẻ.
Nguồn: https://danviet.vn/go-tan-tiep-cao-4m-kien-truc-co-xua-thoi-phu-nam-cua-van-hoa-oc-eo-quy-mo-lon-nhat-tien-giang-2024062719461088.htm