Phát biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), chiều 24.6, phiên họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã đưa ra rất nhiều lý do, và lý do nào cũng rất đáng để bảo vệ quan điểm, kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Thuế VAT theo hướng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế suất thuế VAT 0%.
Ví dụ, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) cho rằng tăng giá đầu vào bằng cách áp thuế VAT sẽ làm tăng giá sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp và tăng chi phí của nông dân.
Trong khi, nông nghiệp, nông dân Việt Nam đa số là sản xuất nhỏ lẻ; bà con nông dân đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung luôn phải phập phồng trước những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, nay tiếp tục oằn mình với nỗi lo thua lỗ nếu giá phân bón, vật tư nông nghiệp tiếp tục tăng cao.
Đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn ĐBQH TPHCM) cũng bày tỏ băn khoăn nếu áp thuế VAT 5% đối với những mặt hàng như phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, bởi điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá tiêu dùng cuối cùng của sản phẩm nông nghiệp, ảnh hưởng đến sản xuất của người nông dân.
Ở khía cạnh “kinh nghiệm quốc tế”, do mặt hàng phân bón là mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nên nhiều nước đều thiết kế chính sách theo hướng ưu đãi hơn so với các mặt hàng thông thường khác. Hiện các nước như Mỹ, Thái Lan, Lào, Myanmar… vẫn không thu thuế VAT, thuế bán hàng với phân bón.
Theo đánh giá tác động của Bộ Tài chính, nếu áp thuế VAT 5% đối với phân bón, mỗi hộ nông dân một năm chỉ trả thêm 461.000 đồng; một tháng là 38.000 đồng.
Chia nhỏ đầu người thì là vậy, nhưng tổng thể thì số tiền mà người nông dân phải bỏ ra khi bị áp thuế đầu vào là rất lớn – hơn 6.000 tỉ đồng. Và con số sẽ còn lớn hơn nữa nếu cộng thêm máy móc, thiết bị chuyên dùng.
Thật ra nhìn ở khía cạnh tổng thể hay chia đầu người thì con số nào cũng đều rất lớn, là áp lực thật sự với người nông dân trong bối cảnh Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng lớn nhất từ biến đổi khí hậu và ngành nông nghiệp đã, đang, sẽ còn tiếp tục chịu nhiều tổn thương nhất.
Đó là còn chưa nhắc đến một thực tế “chưa thỏa đáng”, như lời đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng): “Hiện nông dân chiếm 62% dân cư nhưng đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm 14% ngân sách Nhà nước”.
Nên suy cho cùng, không hoặc chưa áp thuế VAT 5% đối với mặt hàng phân bón và các loại vật tư nông nghiệp, máy móc thiết bị đầu vào của sản xuất nông nghiệp, như đề xuất của nhiều đại biểu Quốc hội cũng là một cách chia sẻ, chăm lo người nông dân kịp thời, xác đáng!
Nguồn: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/chua-thu-thue-vat-5-cung-la-mot-cach-chia-se-cham-lo-cho-nong-dan-1357355.ldo