Tình hình bán đảo Triều Tiên lại “nóng’ trở lại khi cả Bình Nhưỡng, Seoul và cả Washington có những cách tiếp cận mới nhằm răn đe lẫn nhau.
Hình ảnh do Triều Tiên công bố về vụ phóng tên lửa ngày 2/4. |
Phát triển vũ khí sử dụng nguyên liệu rắn
Ngày 26/6, quân đội Hàn Quốc cho biết tên lửa siêu thanh bị nghi ngờ do Triều Tiên phóng đi đã phát nổ. Đây là diễn biến mới khi Triều Tiên đang gay gắt phản đối Mỹ triển khai tàu sân bay đến khu vực để tham gia cuộc tập trận quân sự ba bên với Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trong một tuyên bố, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo vào khoảng 5h30 sáng 26/6 từ bãi phóng gần thủ đô Bình Nhưỡng về vùng biển phía Đông của Triều Tiên.
Theo JCS, tên lửa đã phát nổ trên vùng biển phía Đông Bán đảo Triều Tiên sau khi bay được khoảng 250km. JSC nghi ngờ vũ khí này là tên lửa siêu thanh sử dụng nhiên liệu rắn. Họ cho biết vụ phóng ngày 26/6 đã xả ra lượng khói lớn hơn so với các vụ phóng thông thường, có thể do lỗi động cơ.
Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Mỹ (INDOPACOM) cho biết đã lên án vụ phóng này của Triều Tiên dù vụ việc không gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với lãnh thổ Mỹ hoặc các đồng minh.
Bên cạnh đó, INDOPACOM nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với nỗ lực phòng thủ Hàn Quốc và Nhật Bản “vẫn vững chắc”.
Sáng 26/6, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết họ cũng phát hiện một vụ phóng tên lửa đạn đạo bị nghi ngờ của Triều Tiên.
Về phần mình, truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 27/6 đưa tin nước này đã tiến hành thành công một vụ thử tên lửa để đảm bảo khả năng mang nhiều đầu đạn.
Theo Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), trong cuộc thử nghiệm được tiến hành ngày 26/6, Cơ quan Quản lý Tên lửa Triều Tiên đã tiến hành thành công cuộc thử nghiệm kiểm soát tách và dẫn đường từng đầu đạn di động.
KCNA khẳng định cuộc thử nghiệm này có ý nghĩa trong việc đạt được “mục tiêu phát triển nhanh chóng các công nghệ tên lửa”.
Từ năm 2021, Triều Tiên đã thực hiện một loạt vụ thử tên lửa siêu thanh trong nỗ lực rõ ràng nhằm xuyên thủng lá chắn phòng thủ tên lửa của các đối thủ.
Mặc dù vậy, các chuyên gia nước ngoài vẫn hoài nghi về khả năng các vũ khí siêu thanh có đạt tốc độ và khả năng cơ động như nước này mong muốn trong các vụ thử hay không.
Những năm gần đây, Triều Tiên đang nỗ lực phát triển thêm các loại vũ khí sử dụng nguyên liệu rắn, công nghệ giúp các vụ phóng khó bị phát hiện hơn so với tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng, vốn phải nạp nhiên liệu trước khi phóng.
Liên minh “mạnh nhất thế giới”, vì sao?
Cũng trong ngày 26/6, lực lượng Hàn Quốc trên các đảo tiền tuyến đã bắn 290 quả đạn pháo và tên lửa vào vùng biển gần ranh giới biển phía Tây của hai miền Triều Tiên. Lực lượng thủy quân lục chiến Hàn Quốc cho biết sẽ thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật trong khu vực này.
Thực tế các hoạt động này bị cấm theo thỏa thuận giảm căng thẳng năm 2018 với Triều Tiên, yêu cầu cả hai nước chấm dứt mọi hành động thù địch dọc biên giới đất liền và trên biển.
Vậy nhưng, thỏa thuận đứng trước nguy cơ sụp đổ trong những tháng gần đây, khi hai miền Triều Tiên nổ súng gần ranh giới trên biển hồi tháng 1 và có nhiều hành vi vi phạm.
Tối 26/6, Hàn Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật tại vùng biên giới phía Tây tranh chấp với Triều Tiên, lần đầu tiên từ khi đình chỉ thỏa thuận năm 2018 vốn nhằm hạ nhiệt căng thẳng quân sự tiền tuyến hồi đầu tháng vừa qua.
Trước đó, ngày 22/6, tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt đã cập cảng Hàn Quốc, sự kiện mà Thứ trưởng Quốc phòng Triều Tiên Kim Kim Kang-il chỉ trích là “liều lĩnh” và “nguy hiểm”. Triều Tiên trước nay thường phản đối mạnh mẽ các cuộc tập trận lớn giữa Mỹ và Hàn Quốc và phản ứng lại bằng các vụ thử tên lửa.
Ngày 25/6 Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã có chuyến thăm USS Theodore Roosevelt, trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Hàn Quốc thăm tàu sân bay Mỹ kể từ năm 1994.
Phát biểu trước lực lượng của Mỹ và Hàn Quốc trên tàu sân bay, Tổng thống Yoon Suk Yeol cho biết liên minh giữa hai nước là “mạnh nhất thế giới” và có thể đánh bại bất kỳ kẻ thù nào.
Ông cho biết tàu sân bay của Mỹ bắt đầu tham gia cuộc tập trận “Lá chắn tự do” giữa Hàn–Mỹ-Nhật từ ngày 26/6 nhằm nâng cao năng lực tác chiến phối hợp trên không, trên biển và trong không gian mạng.
Bên cạnh đó, các quan chức Seoul tuyên bố tập trận 3 bên nhằm tăng cường khả năng ứng phó của ba nước trước các mối đe dọa hạt nhân ngày càng gia tăng của Triều Tiên vào thời điểm Triều Tiên đang thúc đẩy quan hệ đối tác quân sự với Nga.
Mỹ và các đối tác tin rằng Triều Tiên đã cung cấp cho Nga những vũ khí thông thường vô cùng cần thiết cho cuộc xung đột ở Ukraine để đổi lấy hỗ trợ về quân sự và kinh tế.
Vụ phóng tên lửa gần đây được cho là của Triều Tiên là cuộc trình diễn vũ khí đầu tiên kể từ khi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un giám sát việc phóng tên lửa từ các bệ phóng đa nòng ngày 30/5 để mô phỏng một cuộc tấn công phủ đầu vào Hàn Quốc.
Cuộc thử nghiệm diễn ra chỉ vài ngày sau khi nỗ lực đưa vệ tinh do thám thứ hai của Triều Tiên vào quỹ đạo thất bại khi tên lửa mang theo vệ tinh đó phát nổ giữa không trung ngay sau khi phóng.
Kể từ năm 2022, Triều Tiên đã đẩy nhanh tốc độ thử nghiệm vũ khí nhằm tăng cường khả năng tấn công hạt nhân để đối phó với điều mà họ gọi là mối đe dọa quân sự ngày càng sâu sắc của Mỹ. Các chuyên gia nước ngoài cho rằng Triều Tiên muốn sử dụng kho vũ khí hạt nhân ngày càng mở rộng để giành được những nhượng bộ lớn hơn từ Mỹ khi hoạt động ngoại giao được nối lại.
Nguồn: https://baoquocte.vn/tinh-hinh-ban-dao-trieu-tien-nhung-nuoc-co-moi-them-dau-vao-lua-276531.html