(Dân trí) – Quốc hội thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, chiều 27/6, với 464/464 đại biểu tán thành.
Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp dành một mục quy định nguồn lực cho công nghiệp quốc phòng, an ninh.
Theo đó, nguồn lực tài chính cho công nghiệp quốc phòng, an ninh gồm: Ngân sách nhà nước; Nguồn tài chính của doanh nghiệp gồm vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp và các nguồn vốn huy động hợp pháp theo quy định của pháp luật; Nguồn từ Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh và các quỹ hợp pháp khác chi cho công nghiệp quốc phòng, an ninh; Nguồn vốn hợp pháp khác.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Quốc hội thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (Ảnh: Quốc hội).
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Về hoạt động quản lý nguồn lực tài chính cho công nghiệp quốc phòng, an ninh, có ý kiến đề nghị rà soát quy định cho phù hợp, chặt chẽ, tránh cách hiểu chỉ ưu tiên phân bổ nguồn lực dự toán ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh cho nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, an ninh…
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật quy định mang tính chính sách, định hướng chung tạo nguồn lực cho công nghiệp quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, để tránh cách hiểu việc ngân sách Nhà nước được phân bổ cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ ưu tiên cho công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh cao hơn các nhiệm vụ khác, cơ quan này đề nghị Quốc hội cho bỏ cụm từ “của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an” tại khoản 1 và bỏ từ “Hoạt động” tại tên Điều như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về cơ chế tăng vốn điều lệ trực tiếp từ nguồn trích lại lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, doanh nghiệp công nghiệp an ninh hoặc các nguồn huy động hợp pháp khác để giảm áp lực cho ngân sách nhà nước hoặc nghiên cứu bổ sung quy định tăng vốn điều lệ từ quỹ.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới (Ảnh: Quốc hội).
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo luật quy định lợi nhuận sau thuế được sử dụng để trích các quỹ theo quy định của pháp luật, trong đó có Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ gắn với nghiên cứu, sản xuất sản phẩm mới, công nghệ cao và bù đắp chi phí nghiên cứu không thành công.
Việc tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp là cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt phải thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Chính sách về vốn điều lệ cũng đã được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều này. Do đó để bảo đảm tính trọng tâm, khả thi của việc trích lợi nhuận sau thuế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo luật.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, để bảo đảm chặt chẽ, khả thi, từ thực tiễn thực hiện việc phân phối lợi nhuận sau thuế của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý lại khoản này như khoản 4 Điều 21 dự thảo luật trình Quốc hội thông qua.
Với quy định như trên, cùng với việc giao Chính phủ quy định chi tiết tại khoản 6 điều này, việc trích lợi nhuận sau thuế sẽ được quy định cụ thể, có thứ tự ưu tiên, bảo đảm chặt chẽ, khả thi.
Dantri.vn
Nguồn: https://dantri.com.vn/xa-hoi/quoc-hoi-thong-qua-nguon-luc-tai-chinh-cho-cong-nghiep-quoc-phong-an-ninh-20240627143716771.htm