Toàn cảnh bãi đá Huy Gơ
|
Cuối tháng 2.1988, phía Trung Quốc bất ngờ cho lực lượng hải quân đổ bộ chiếm đóng bãi Huy Gơ và dựng lên đó nhà tạm để chốt giữ, phòng thủ.
Đầu những năm 1990s, phía Trung Quốc xây dựng nhà tạm thành nhà kiên cố 2 tầng với cầu cảng, lô cốt và hệ thống thông tin liên lạc, ụ pháo… Từ đầu tháng 1.2014, phía Trung Quốc huy động vài chục tàu vận tải – công trình trọng tải lớn, tập trung xây dựng cải tạo trái phép bãi Huy Gơ thành căn cứ quân sự của họ.
Hiện nay, căn cứ quân sự do Trung Quốc xây dựng trái phép trên bãi Huy Gơ đã hoàn tất các cơ sở hạ tầng, công trình trên diện tích cải tạo khoảng 9,5 ha bao gồm nhà kiên cố 8 tầng cao khoảng 26 – 27m, tại 4 góc nhà của các tầng đều bố trí lỗ bắn. Trên nóc bố trí 2 rada hàng hải và 2 ăngten parabol, 1 thiết bị có quả cầu che và các thiết bị thông tin liên lạc, quan sát. Ở tầng 6 của tòa nhà lắp rada điều khiển hỏa lực, kính ngắm quang học, còn tầng 5 lắp 4 bệ pháo 30mm (7 nòng); tầng 1 lắp 4 bệ pháo 76mm…
Tòa nhà trung tâm do Trung Quốc mới xây dựng
|
Ngoài ra, vị trí hỏa lực lắp đặt pháo 76 mm, pháo 30 mm quay hướng đông; tháp viễn thông thu phát sóng 4G cao khoảng 50 m; bãi đáp trực thăng, cầu cảng hướng đông – tây dài khoảng 80 – 100 m.
Từ đầu tháng 1.2018 cho đến giữa tháng 4.2018 này, chúng tôi đã thực hiện 2 chuyến công tác tại khu vực đảo Sinh Tồn Đông và chứng kiến ngày càng nhiều tàu cá Trung Quốc tập trung tại khu vực Huy Gơ – Ba Đầu.
Các cán bộ hải quân Việt Nam cho biết: “Phía Trung Quốc rất quyết liệt xua đuổi, ngăn cản các tàu thuyền nước ngoài đi cách đảo 3 – 4 hải lý. Thậm chí tháng 4.2017, khi tàu KN-490 của Việt Nam chở đoàn khách dân chính đảng ra thăm làm việc với cán bộ chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông, neo phía ngoài nhưng phía Trung Quốc vẫn cho xuồng cao tốc chở binh lính vũ trang ra ngăn cản”.
Hệ thống ra đa chống ngầm, phòng không, chỉ huy bay và thông tin liên lạc trên bãi Huy Gơ do Trung Quốc xây dựng và duy trì 24/24
|
Một ngày tháng 4.2018, khi có mặt tại đảo Sinh Tồn Đông, chúng tôi quan sát thấy hàng chục tàu cá dân binh Trung Quốc neo trong âu tàu do Trung Quốc xây dựng trái phép ở bãi cạn Huy Gơ. Trong số đó, đáng chú ý nhất là 2 tàu mang số hiệu “Quỳnh Lăng Sa 18333” và “Jiang Cheng 18111” do có tải trọng rất lớn vượt trội các tàu cá thông thường và giàn cẩu tự hành khổng lồ phía sau. Theo phán đoán, đây có thể là những tàu vận tải xây dựng đa chức năng.
Một cán bộ trên đảo Sinh Tồn Đông cho biết: “Từ đầu năm đến nay, số lượng tàu Trung Quốc xung quanh khu vực Huy Gơ – Ba Đầu tăng nhanh đột biến. Có thời điểm, 40 – 50 chiếc tàu cá dân binh, tàu vũ trang giả dạng tàu cá ken thành bè ở bãi Ba Đầu, ban đêm hệ thống đèn chiếu sáng nhìn như thành phố nổi”.
Một số hình ảnh về Huy Gơ và tàu thuyền Trung Quốc đang tập trung neo đậu tại đây:
Bên trái là cầu cảng cho các loại xe tăng, pháo và vận tải quân sự hạng nặng di chuyển từ tàu lên đảo
|
Các tàu cá dân binh, tàu vũ trang giả dạng tàu cá nằm trong hồ của bãi Huy Gơ
|
Tàu “Quỳnh Lăng Sa 18333” dẫn đầu các tàu cá dân binh
|
Đây là chiếc tàu có trọng tải rất lớn, lên đến vài nghìn tấn nhưng lại được đưa vào danh sách tàu cá. Theo nhận định, đây có thể là tàu vận tải công trình kiêm nghiên cứu biển và hậu cần nghề cá
|
Cùng hệ với “Quỳnh Lăng Sa 18333” là tàu “Jiang Cheng 18111” cũng đang nằm tại Huy Gơ. Đây là chiếc tàu vẫn chưa xác định được nguồn gốc xuất xứ cụ thể
|
Xuồng CQ của bộ đội đảo Sinh Tồn Đông đang làm nhiệm vụ tuần tra trên biển, phía xa là 1 chiếc tàu vũ trang giả dạng tàu cá Trung Quốc đang theo dõi hoạt động của bộ đội ta
|
Các tàu cá Trung Quốc nối đuôi nhau qua đảo Sinh Tồn Đông, ngược lên bãi Ba Đầu
|
Xuồng CQ của đảo Sinh Tồn Đông làm nhiệm vụ, phía sau là bãi Huy Gơ do Trung Quốc chiếm đóng trái phép
|
Ngày 19.4, tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc tập trận và Philippines đưa tin 2 máy bay quân sự của Trung Quốc đã hạ cánh xuống đường băng trên đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Việt Nam có chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên cơ sở luật pháp quốc tế, có quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng quy định trong Công ước Liên hiệp quốc về luật Biển 1982”. “Quan điểm của Việt Nam là rõ ràng và nhất quán, mong muốn các quốc gia đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định và bảo đảm an ninh, an toàn và bảo đảm tự do hàng hải ở biển Đông. Các hoạt động ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của các bên mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị”, bà Hằng cho biết.
|
Nguồn: https://thanhnien.vn/tau-ca-trung-quoc-tang-dot-bien-o-truong-sa-185750205.htm