Thứ Tư, ngày 26/6, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 25 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Buổi sáng, nội dung 1: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bằng hình thức biểu quyết điện tử. Kết quả như sau: có 461 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,66% tổng số đại biểu Quốc hội); có 453 đại biểu tán thành (bằng 93,21% tổng số đại biểu Quốc hội); có 2 đại biểu không tán thành (bằng 0,41% tổng số đại biểu Quốc hội); có 6 đại biểu không biểu quyết (bằng 1,23% tổng số đại biểu Quốc hội).
Nội dung 2: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bằng hình thức biểu quyết điện tử. Kết quả như sau: có 459 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,44% tổng số đại biểu Quốc hội); có 452 đại biểu tán thành (bằng 93% tổng số đại biểu Quốc hội); có 2 đại biểu không tán thành (bằng 0,41% tổng số đại biểu Quốc hội); có 5 đại biểu không biểu quyết (bằng 1,03% tổng số đại biểu Quốc hội).
Nội dung 3: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Tại phiên thảo luận đã có 24 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; giải thích từ ngữ; sở hữu di sản văn hóa; chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa; nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; các hành vi bị nghiêm cấm; các quy định về di sản văn hóa phi vật thể (các loại hình di sản văn hóa phi vật thể; kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và danh mục di sản văn hóa phi vật thể; ghi danh, ghi danh bổ sung và hủy bỏ ghi danh di sản văn hóa phi vật thể; chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể; hoạt động trưng bày hiện vật và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể; bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền); chính sách về quản lý, bảo vệ di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, di tích lịch sử văn hóa tôn giáo; biện pháp bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam; các quy định về di tích (tiêu chí nhận diện di tích theo loại hình; khu vực bảo vệ di tích, nguyên tắc xác định phạm vi và cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích; bảo vệ khu vực bảo vệ I và khu vực bảo vệ II của di tích; dự án đầu tư, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích; dự án đầu tư, xây dựng công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích có khả năng tác động tiêu cực đến di tích, cảnh quan văn hóa của di tích; quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích); thăm dò, khai quật khảo cổ; giám định, điều kiện thực hiện giám định di vật, cổ vật và đăng ký di vật, cổ vật; quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và xử lý di vật, cổ vật được phát hiện, giao nộp; chuyển nhượng di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; các tiêu chí xếp hạng di tích; mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước; các quy định về bảo tàng (hệ thống bảo tàng; điều kiện thành lập bảo tàng công lập và cấp phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập; đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật và trưng bày trong nhà, ngoài trời của bảo tàng công lập); phát huy giá trị di sản văn hóa; nguồn tài chính để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa; Quỹ bảo tồn di sản văn hóa; Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; áp dụng pháp luật và quy định chuyển tiếp.
Kết thúc thảo luận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều, nội dung 1: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Tại phiên thảo luận đã có 18 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong hệ thống pháp luật về dược hiện nay.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những nội dung: chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư; các hình thức, phương thức kinh doanh dược mới (kinh doanh chuỗi nhà thuốc; kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử); quyền và trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoài; quy định về quản lý oxy y tế; phát triển công nghiệp dược; kiểm soát hoạt động mua bán tại các quầy thuốc, nhà thuốc; việc chuyển từ cơ chế “tiền kiểm” sang cơ chế “hậu kiểm” đối với các hoạt động thông tin và quảng cáo thuốc; vấn đề sản xuất, kinh doanh thuốc hiếm; chính sách phát triển dược liệu, y học cổ truyền; Chứng chỉ hành nghề dược; quản lý giá thuốc; kê khai giá thuốc; thủ tục đăng ký lưu hành thuốc; rà soát, bổ sung thuốc vào danh mục được bảo hiểm y tế chi trả; bổ sung quy định về quản lý các chế phẩm máu; chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược; các quy định được sửa đổi, bổ sung để thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về dược; tính đồng bộ trong xây dựng, ban hành chính sách về y dược.
Kết thúc thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Nội dung 2: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại hội trường về: (i) Các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024; (ii) Phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội. Tại phiên thảo luận đã có 7 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu, cụ thể như sau:
Đối với các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024: các ý kiến đại biểu thống nhất trong bối cảnh hiện nay rất cần thiết thực hiện các nội dung cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, các khoản trợ cấp từ ngày 1/7/2024 để đảm bảo đời sống cho công chức, viên chức, người lao động, người nghỉ hưu và các đối tượng chính sách. Các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ, Quốc hội khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền để cải cách toàn diện tiền lương, lương hưu, trợ cấp theo chủ trương của Đảng; trước mắt cần triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả Kết luận số 83 của Bộ Chính trị đảm bảo thống nhất, công bằng, công khai, minh bạch, tăng thu nhập cho người hưởng lương và trợ cấp.
Các đại biểu cũng tham gia ý kiến về nguồn lực từ ngân sách nhà nước, từ Quỹ bảo hiểm xã hội, tạo điều kiện bảo đảm các văn bản hướng dẫn công tác phổ biến, tuyên truyền để chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Các đại biểu đề nghị hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương, thu nhập, chế độ nâng lương, chế độ tiền lương gắn với tinh giản bộ máy, biên chế, vị trí việc làm; đồng thời đề nghị cùng với việc tăng lương thu nhập cần có biện pháp hiệu quả kiểm soát lạm phát, giá cả các mặt hàng thiết yếu đang có xu hướng tăng lên để đảm bảo ý nghĩa của việc tăng lương, tăng thu nhập.
Đối với Phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14: Các ý kiến đại biểu cơ bản đồng tình với phương án gia hạn trả nợ đối với các khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 của Quốc hội để tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines (VNA). Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn lực này kết hợp với các giải pháp khác, đặc biệt là giải pháp tự thân của VNA để nhanh chóng cải thiện tình hình tài chính cho VNA; khẩn trương hoàn thiện Đề án tổng thể tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh việc cơ cấu lại toàn diện VNA, dự báo rủi ro tiềm ẩn kịch bản đối phó, đảm bảo khả năng trả nợ dòng tiền và bảo đảm hoạt động liên tục bình thường của VNA.
Kết thúc thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Thứ Năm, ngày 27/6, sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông qua: Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; thảo luận về dự án Luật Phòng không nhân dân; nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về việc sử dụng dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 cho các dự án đầu tư công, sau đó, Quốc hội thảo luận về nội dung này.
Chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông qua: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Công nghiệp quốc phòng và động viên công nghiệp; thảo luận về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.