Khó kiểm soát giá thuốc
Chiều 26/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (đoàn Tp.Hồ Chí Minh) bày tỏ thống nhất với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội.
Theo đại biểu, trong Luật đã có những quy định để ưu tiên phát triển công nghiệp dược. Tuy nhiên, theo đại biểu việc cải thiện quy trình, thủ tục cấp số đăng ký thuốc như trong dự thảo là cần thiết. Nhưng cần xem xét gốc rễ của vấn đề.
“Hiện nay, chúng ta đang ở tình trạng cấp số đăng ký không có định hướng, chỉ xét trên hồ sơ. Có nghĩa là bất cứ quốc gia nào, bất cứ sản phẩm nào chỉ cần có công ty đứng ra đăng ký thì sẽ được xét cấp ở nước ta. Do đó, sẽ dẫn đến quá tải, chậm cập nhật các thuốc mới, nhiều số đăng ký cho một hoạt chất, kể cả những thuốc đã được sản xuất trong nước. Nên dễ phát sinh cơ chế “xin – cho”, tiêu cực cũng như khó lựa chọn thuốc trong đấu thầu. Cuối cùng chỉ lựa chọn vì giá rẻ”, bà Lan nói.
Theo bà Lan, dự thảo Luật cần có định hướng thuốc nào cần ưu tiên, thuốc nào cần hạn chế cấp số đăng ký. Muốn hạn chế thì phải sử dụng “hàng rào” kỹ thuật, thẩm định điều kiện sản xuất thực tế chứ không chỉ trên giấy tờ, dùng các tổ chức chuyên nghiệp như các nước đang làm.
Về phân phối, thực trạng bùng nổ gia tăng số lượng các công ty phân phối bán buôn và các nhà thuốc bán lẻ từ Luật Dược 2016 đến nay theo đại biểu là tăng rất lớn. Điều này, không chỉ đánh giá tích cực là người dân dễ dàng mua thuốc, mà còn cần nhìn nhận khi nhiều công ty bán buôn thì tăng chi phí trung gian, khó kiểm soát giá thuốc, trong khi cơ chế hậu kiểm, bộ máy thanh tra vẫn như cũ.
“Đối với các nhà thuốc cũng vậy, lợi nhuận giảm bắt buộc phải đưa ra những chiêu trò cạnh tranh, bỏ qua chuyện kê đơn bác sĩ. Nên hiện nay, tình trạng muốn mua gì ở nhà thuốc cũng được, phớt lờ tất cả quy tắc về thực hành tốt nhà thuốc vẫn còn đang diễn ra rất nhức nhối”, bà Lan cho hay.
Do đó, đại biểu đề nghị phải có những quy định, thí dụ như tái lập điều kiện khoảng cách giữa các nhà thuốc để cho những nhà thuốc được phân bổ một cách hợp lý hơn. Tránh tình trạng tập trung quá nhiều nhà thuốc ở một số chỗ, cần công khai giấy phép tại nhà thuốc.
Quan tâm đến quy định về áp dụng thương mại điện tử, bán thuốc online, bà Lan nói: “Quản lý nhà thuốc truyền thống còn chưa nổi mà giờ lại tính tới bán thuốc online thì sẽ có thể tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, đặc biệt là nguy cơ thuốc giả, thuốc kém chất lượng, rất khó phát hiện và xử lý”.
“Ở trên không gian mạng, theo tôi thấy, các nội dung của dự thảo Luật về bán thuốc qua sàn giao dịch điện tử còn rất đơn giản và rời rạc, chưa đủ tính khả thi”, bà Lan nói thêm.
Đại biểu đề nghị, trong mọi trường hợp tuyệt đối không đưa thuốc kê đơn vào danh mục có thể phân phối qua thương mại điện tử.
Còn đối với thuốc không kê đơn, việc áp dụng thương mại điện tử phải được cân nhắc ở giai đoạn khi nền pháp lý của chúng ta được hoàn thiện chặt chẽ và phải được tổ chức trong một khuôn khổ an toàn và trật tự hơn. Chứ như hiện nay, đại biểu cho rằng, chưa phải là giai đoạn chín muồi, bởi công tác chuẩn bị chưa đầy đủ.
Cần đơn giản hóa thủ tục đăng ký thuốc
ĐBQH Phạm Như Hiệp (đoàn Thừa Thiên Huế) đề nghị cần tập trung đầu tư thuốc xã hội cần và có giá trị kinh tế cao như thuốc có nguồn gốc dược liệu, sinh học, vắc-xin sinh phẩm y tế, các thuốc sản xuất nhượng quyền… đồng thời duy trì đổi mới tư duy, đổi mới khoa học công nghệ trong vấn đề sản xuất thuốc, tạo ra các sản phẩm đặc thù.
Bên cạnh đó, ông đề nghị cần nghiên cứu sản xuất thuốc gắn liền với nhu cầu của thị trường; các nhà khoa học cần phải gắn với doanh nghiệp để nghiên cứu sản xuất sản phẩm mới của Việt Nam, sản phẩm nhược quyền, chuyển giao công nghệ…
Cần có các chính sách ưu đãi về thuế, thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động sản xuất thuốc, vắc-xin, sinh phẩm, vật tư y tế…
Đồng thời, đề nghị cần đơn giản hóa thủ tục đăng ký thuốc; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, cung cấp nguyên liệu cho ngành thuốc.
Phát biểu tại phiên họp, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nêu rõ, danh mục thuốc thanh toán bảo hiểm y tế được ban hành bằng các Thông tư, nhưng từ năm 2011 đến nay mới có 4 lần ban hành.
Như vậy, khoảng từ 3 đến 4 năm Bộ Y tế mới ban hành một Thông tư quy định danh mục thuốc mới, tại mỗi Thông tư, số thuốc được bổ sung cũng rất ít.
Trong khi đó, khoa học công nghệ ngày càng tiến bộ, các thuốc mới ra đời nhanh và nhiều, liên tục xuất hiện phác đồ điều trị mới làm thay đổi cơ bản chất lượng điều trị bệnh, nhất là các bệnh khó, bệnh ác tính,.. Chính vì vậy, sự chậm trễ trong việc bổ sung thuốc đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng điều trị cho người bệnh.
Do đó, đại biểu đề nghị lần sửa đổi này cần có thêm nội dung quy định danh mục thuốc là trách nhiệm của Bộ Y tế và cho cán bộ y tế sử dụng để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, danh mục này phải được bổ sung hàng năm.
Thêm vào đó, Bộ Y tế cần phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng điều khoản quy định về điều chỉnh tỉ lệ chi trả hàng năm. Qua đó, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, đặc biệt là bệnh nhân mắc bệnh ác tính phải điều trị lâu dài.
Liên quan tới vấn đề quảng cáo thuốc, ông Trí nêu rõ, quảng cáo thuốc không được như chỉ định kê đơn và phải giao cho người có chuyên môn về loại thuốc đó thực hiện.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/quan-ly-nha-thuoc-truyen-thong-chua-noi-ma-con-tinh-ban-thuoc-online-a670212.html