Nhu cầu ghép tạng trên thế giới và của Việt Nam rất lớn và ngày càng tăng
Theo Bộ Y tế, hiện nhu cầu ghép tạng trên thế giới và của Việt Nam rất lớn và ngày càng tăng.
Ngày 25/6, tại chùa Quán Sứ (Hà Nội), Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký kết phối hợp tuyên truyền vận động đăng ký hiến mô, tạng “Cho đi là còn mãi” và khởi động đăng ký hiến mô, tạng tại các cơ sở tôn giáo trên toàn quốc. Đây là hoạt động hưởng ứng lời kêu gọi đăng ký hiến mô, tạng của Chính phủ Phạm Minh Chính.
Ký kết phối hợp tuyên truyền vận động đăng ký hiến mô, tạng “Cho đi là còn mãi”. |
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá cao tinh thần của Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và Giáo hội phật giáo Việt Nam khi tổ chức sự kiện này và nhấn mạnh Giáo hội phật giáo Việt Nam sẽ là nhịp cầu yêu thương để lan tỏa thông điệp nhân ái, khuyến khích phật tử và người dân tham gia hiến tặng mô, tạng.
Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định, đây là một sự kết hợp nhân văn giữa truyền thống văn hóa, đạo đức và tinh thần từ bi của Phật giáo với khoa học y học hiện đại, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.
Theo quan điểm của nhân quả, mỗi hành động thiện lành đều mang lại những điều tốt đẹp. Hiến tặng mô, tạng, là đang gieo những hạt giống của lòng từ bi và tình thương, và chắc chắn rằng chúng ta sẽ gặt hái được những quả ngọt trong tương lai.
Thứ trưởng Bộ Y tế kêu gọi tất cả chúng ta hãy mở lòng đối với việc hiến tặng mô, tạng. Hãy nghĩ đến những bệnh nhân đang từng phút, từng giờ chờ đợi trong tuyệt vọng, hãy nghĩ đến những gia đình đang mong ngóng một phép màu.
Chúng ta có thể trở thành những người mang lại phép màu đó, chúng ta có thể trở thành những người cứu sống mạng người. Mỗi người chúng ta hãy là một đại sứ, một người truyền lửa để lan tỏa thông điệp “Cho đi là còn mãi” đến mọi người xung quanh.
“Bộ Y tế cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công tác vận động hiến tặng mô, tạng”, Thứ trưởng Thuấn khẳng định.
Tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam đã có bài phát biểu xúc động và chân thành về nghĩa cử hiến tạng cứu người.
Bà nói rằng, ghép tạng là cứu cánh cuối cùng để dành lại sự sống cho những bệnh nhân mà không có lựa chọn nào khác, và thực tế tại Việt Nam và trên thế giới hiện đang có nhiều người đang khắc khoải sống hàng giờ, hàng ngày chờ được ghép tạng để giành lại sự sống.
Nhu cầu ghép tạng trên thế giới và của Việt Nam là rất lớn và ngày càng tăng. Thế giới có dân số khoảng 7,6 tỷ người, hàng năm có 59 triệu người chết do mọi nguyên nhân, nhu cầu cần có ít nhất là 1triệu người hiến tạng /1 năm, năm 2023 có 39.357 người hiến tạng (đạt 3,9%) và có 164.840 người bệnh được ghép tạng.
Ở Việt Nam ta có số người đăng ký hiến tạng và số người hiến tạng sau chết vào loại thấp nhất thế giới, đạt (0,1 người/1 triệu dân), trong khi ở Tây Ban Nha là 50 người/1 triệu dân.
Nhiều nước, ở Âu Mỹ, luật pháp quy định khi công dân đăng ký thẻ căn cước thì cũng là đăng ký hiến tạng, trừ một số lý do đặc biệt thì mới có đơn xin không đăng ký.
Ngoài quy định hiến tạng sau chết não, luật còn quy định hiến tạng sau chết tim và tuổi hiến tạng của nhiều nước là trên 60 tuổi, có nhiều trường hợp hiến tạng trên 80 tuổi (Việt Nam luật quy định dưới 60 tuổi). Vì thế số người hiến tạng sau chết não ở các nước Âu Mỹ là rất cao.
Tại sao chúng ta nên đăng ký hiến tạng với trách nhiệm và hơn hết là lòng trắc ẩn đối với cộng đồng. Bởi vì thật là lãng phí khi hàng ngày, chúng ta vẫn vùi chôn vào lòng đất hoặc thiêu đốt thành tro bụi nguồn mô tạng quý giá.
Khi hiến tặng mô, tạng gia đình của người hiến tạng vẫn nghe thấy tiếng tim đập đầy yêu thuơng, lan tỏa năng lượng từ bi của người thân đã qua đời trên cơ thể và sự sống hồi sinh của người được ghép tạng.
Người hiến tạng đã làm được việc có ích nhất sau khi từ giã cõi đời là cứu sống người khác, chắc họ cũng hài long và sẽ được tái sinh ở cõi giới phúc lạc hơn trong vòng sinh tử luân hồi như quan niệm của Phật giáo.
Nhiều người trong chúng ta ngồi đây đã đăng ký hiến tạng cách đây khoảng 5-10 năm. Ở thời điểm đó, chúng ta có thể nhận thức rằng quy luật sinh lão bệnh tử, quy luật bảo toàn năng lượng vật chất: Năng lượng không tự nhiên sinh ra, không tự nhiên mất đi mà chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác.
Đến một ngày nào đó chúng ta sẽ từ giã cõi đời, cơ thể sẽ trở thành cát bụi nhưng năng lượng tâm thức của chúng ta có thể cảm thấy hạnh phúc vì sự ra đi của mình hy vọng có thể cứu sống được nhiều người khác và chúng ta mỉm cười để tiếp tục hành trình khám phá một cõi giới khác.
Mặt khác, khi có nhiều mgười hiến tạng sau khi qua đời, tăng thêm nguồn tạng cứu người thì đồng thời cũng góp phần hạn chế tình trạng buôn bán tạng trái phép, làm khổ đau về thể xác và tinh thần cho những mảnh đời bất hạnh – phải bán nội tạng quý giá của mình vì mưu sinh của cuộc sống.
Về hiệu quả tài chính, theo Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, như trường hợp ghép thận, chi phí cho 1 ca ghép thận để người bệnh kéo dài tuổi thọ với chất lượng sống tốt hơn thì chỉ bằng 1/4 chi phí để lọc máu và điều trị cho các nguyên nhân suy thận.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, để tăng nguồn tạng từ người cho chết não, chúng ta có 3 giải pháp đồng bộ từ cộng đồng, bệnh viện và thể chế từ Chính phủ, bộ, ban, ngành.
Thứ nhất, đối với cộng đồng, cần đẩy mạnh truyền thông sâu rộng với sự phối hợp liên ngành các tổ chức của Mặt trận tổ quốc, cơ quan ban ngành.
Hiến tặng mô, tạng, là đang gieo những hạt giống của lòng từ bi và tình thương, và chắc chắn rằng chúng ta sẽ gặt hái được những quả ngọt trong tương lai. |
Vối với hệ thống các bệnh viện hiến và ghép tạng, trước mắt cần thành lập các chi hội vận động hiến mô tạng và các đơn vị tư vấn hiến tạng sau chết não để có sự đồng ý hiến tạng từ phía gia đình người bệnh.
Thứ ba, đối với Chính phủ và Bộ Y tế, chúng tôi mong muốn Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác sớm được sửa đổi phù hợp với thực tiễn Việt Nam và hội nhập quốc tế, đặc biệt là có cơ chế tài chính, chi trả cho công tác tư vấn hiến, lấy, ghép và điều phối tạng từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế và các nguồn tài chính hợp pháp khác để hỗ trợ cho nhiều người có cơ hội được cứu sống, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn.
Chính phủ cũng nên quy định nguồn tạng từ người hiến tặng là tài sản quốc gia như một số nước đã quy định. Hiến tạng và được ghép tạng là quyền công dân, cần đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch.
Bà Tiến cũng đề nghị Bộ Y tế xây dựng và trình Chính phủ đề án “tăng cường năng lực tư vấn, điều phối hiến, lấy, ghép mô tạng của Việt Nam” để có những bước đột phá, phát triển kỹ thuật ghép tạng.
Đồng thời với tăng cường nguồn hiến tặng mô tạng để phát triển các kỹ thuật cao trong ghép tạng, Chính phủ và Bộ Y tế đã và đang hạn chế bớt nhu cầu cần ghép tạng bằng các chương trình bao phủ sức khỏe toàn dân, phòng bệnh và phát hiện bệnh sớm trên cộng đồng. Như vậy, chúng ta vừa phát triển cả kỹ thuật chuyên sâu vừa đẩy mạnh y tế cộng đồng.
Được biết, ngay sau lễ ký kết, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khởi động việc đăng ký hiến mô, tạng trực tiếp và online tại các cơ sở tôn giáo trên toàn quốc. Chỉ ít phút sau, tại buổi lễ đã có 365 phật tử đăng ký hiến mô, tạng.
Nguồn: https://baodautu.vn/nhu-cau-ghep-tang-tren-the-gioi-va-cua-viet-nam-rat-lon-va-ngay-cang-tang-d218495.html