(MPI) – Ngày 25/6/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ Công đoàn năm 2024 dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Thị Tường Thu, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Công đoàn Viên chức Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đồng chí Lê Thị Tường Thu và đồng chí Ngọ Duy Hiểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI |
Tham dự Hội nghị có đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn viên chức Việt Nam; đồng chí Phạm Văn Quân, Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, Công đoàn Viên chức Việt Nam. Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn Bộ; các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn các đơn vị trực thuộc; các đồng chí Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Bộ; thành viên Ban Thanh tra nhân dân cơ quan, Ban tham mưu của Công đoàn Bộ.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Lê Thị Tường Thu, Chủ tịch Công đoàn Bộ cho biết, trong những năm qua được sự quan tâm của Bộ trưởng cùng tập thể Lãnh đạo Bộ, Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đã đề ra, đó là niềm tự hào của các cán bộ, người lao động Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Việc chăm lo đời sống cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động được chu toàn, quan tâm tới con của các cán bộ công chức viên chức, trao khen thưởng cho các cháu học sinh giỏi, tặng quà cho các cháu mắc bệnh hiểm nghèo, chăm sóc bảo trợ cho 8 nhóm yếu thế với gần 200 người khuyết tật, trao tặng 28.500 cây gậy trắng cho người mù… Hội nghị được Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức với mong muốn tiếp tục được cập nhật thêm nhiều kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ, phương pháp hoạt động công đoàn trong tình hình mới.
Đồng chí Lê Thị Tường Thu phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI |
Tại Hội nghị, đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn viên chức Việt Nam đã chia sẻ về phương pháp hoạt động công đoàn trong tình hình mới, gắn với Nghị quyết XIII của Công đoàn Việt Nam.
Theo đó, mục tiêu của nhiệm kỳ 2023-2028 là đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tích cực, chủ động tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội. Hoàn thiện mô hình tổ chức, thu hút, tập hợp đông đảo người lao động gia nhập công đoàn; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín và phương pháp công tác tốt. Đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, ý thức pháp luật của đoàn viên, người lao động; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Khâu đột phá gồm đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động. Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI |
Nhiệm vụ chủ yếu là tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên, người lao động. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động; đổi mới tổ chức các phong trào thi đua yêu nước. Xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; thu hút, tập hợp đông đảo người lao động gia nhập Công đoàn Việt Nam. Tham gia xây dựng giai cấp công nhân hiện đại lớn mạnh, xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Nâng cao chất lượng công tác nữ công; thúc đẩy bình đẳng giới; bảo vệ quyền lợi của lao động nữ và trẻ em; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh. Đẩy mạnh công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, tiếp tục khẳng định vị thế của Công đoàn Việt Nam. Xây dựng nguồn tài chính đủ mạnh để thực hiện tốt nhiệm vụ của tổ chức công đoàn. Nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo; đổi mới phương thức hoạt động công đoàn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn.
Theo Điều 10 Hiến pháp năm 2013 thì Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Mục tiêu đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam theo Nghị quyết số 02-NQ/TW đến năm 2025 phấn đấu có 13,5 triệu đoàn viên công đoàn, hầu hết doanh nghiệp có 25 công nhân, lao động trở lên có tổ chức công đoàn; phấn đấu 80% trở lên các doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn ký kết được thỏa ước lao động tập thể.
Đồng chí Phạm Văn Quân phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI |
Những giải pháp cụ thể để đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn cơ sở hiện nay đó là cụ thể hóa khoa học, phù hợp nội dung Nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp. Xây dựng mô hình tổ chức khoa học, mở, linh hoạt, năng động. Nâng cao chất lượng toàn diện đội ngũ Ban Chấp hành, nhất là Chủ tịch, Phó Chủ tịch. Xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động và thực tiễn doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị. Nhận thức, xác định đúng mối quan hệ với người sử dụng lao động; tăng cường đề xuất, phối hợp hoạt động để chăm lo tốt hơn cho đoàn viên, người lao động. Tập trung nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng và thực hiện trên thực tế hiệu quả, góp phần hình thành các bản thỏa ước lao động tập thể mang lại nhiều lợi ích cho người lao động. Coi trọng thực hiện dân chủ ở cơ sở, đầu tư nghiêm túc cho việc tham gia xây dựng quy chế, quy định, nội quy; tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; đối thoại tại nơi làm việc. Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đoàn viên, người lao động. Làm tốt hơn nữa công tác thu – chi tài chính; coi trọng công tác kiểm tra, giám sát. Tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động công đoàn.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng được nghe đồng chí Phạm Văn Quân, Trưởng ban Chính sách pháp luật, Quan hệ lao động Công đoàn Viên chức Việt Nam phổ biến những điểm mới về công tác tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; công tác Thanh tra nhân dân theo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Việc tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ Công đoàn năm 2024 là hoạt động thường niên có ý nghĩa rất thiết thực và quan trọng của Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhằm cung cấp cập nhật thông tin, trang bị kiến thức, kỹ năng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp cơ sở, trực thuộc. Qua đó góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn các cấp, thiết thực triển khai có hiệu quả Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2024-6-25/Bo-Ke-hoach-va-Dau-tu-to-chuc-Hoi-nghi-tap-huan-ngiwj8va.aspx