Khác với nhiều năm trước đây, Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 18 đã có những thay đổi, để lại nhiều ấn tượng người làm báo cả nước và công chúng yêu báo chí. Nhiều tác giả bất ngờ về cách thức tổ chức mới mẻ, không chỉ ở nội dung kịch bản mà không gian nơi trực tiếp diễn ra lễ trao giải cũng tạo sự thoải mái cho tất cả mọi người tới dự chương trình.
Lấy tác giả, nhóm tác giả làm trung tâm
Xác định Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia là dịp quan trọng để động viên, cổ vũ đội ngũ những người làm báo, những người đã không ngừng phấn đấu để cùng ra sức xây dựng nền Báo chí Cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu và nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại. Trên tinh thần đó, ban tổ chức xác định năm nay cần có những sáng tạo theo đúng tinh thần đổi mới báo chí trong thời gian vừa qua.
Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam cho biết, trong một năm có khá nhiều giải báo chí toàn quốc khác nhau, rất nhiều giải của bộ ngành nhưng cách thức của các lễ trao giải đều khá khuôn mẫu theo phong cách truyền thống.
“Năm nay đúng dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam chúng tôi mong muốn phải tạo ra sự khác biệt và khác biệt quan trọng nhất là việc lấy tác giả, nhóm tác giả làm trung tâm. Chúng tôi đưa ra giải pháp làm thế nào để tôn vinh họ sao cho phù hợp. Thường một thể loại thì có một vài giải sẽ dễ, nhưng đối với Giải Báo chí Quốc gia có hàng chục giải cho một giải B, C, Khuyến khích bài toán đặt ra là làm thế nào để có sự khác biệt…”, nhà báo Lê Quốc Minh chia sẻ.
Việc đổi mới, sáng tạo cũng đặt ra bài toán cho ban tổ chức là làm thế nào tránh tình trạng các tác giả đi lên sân khấu như một hàng dài, trao – nhận. Khán giả không biết liệu tác phẩm của mình và người dẫn chương trình đang xướng tên có phải của tác giả đang nhận hay không. Ban tổ chức đã cố gắng làm sao những người đứng trên sân khấu họ cảm thấy được tôn vinh, những người ngồi bên dưới tự hào và mong muốn mình cũng có một ngày nào đó cũng đứng ở sân khấu đó để được nhận giải.
Với tinh thần tác giả mới là trung tâm của sự kiện, ban tổ chức đã thay đổi toàn bộ format của chương trình. Từ việc đi tìm địa điểm, sử dụng sân khấu, xây dựng ý tưởng. Trong đó sân khấu làm sao giải quyết được vấn đề khán giả, người xem, giải quyết dòng người từ dưới đi lên trên nhận giải sao cho phù hợp.
Trong đó, ban tổ chức đã đưa ra giải pháp là để tác giả đứng sãn trên sân khấu, khi ánh đèn rọi xuống cùng tên tác giả, tác phẩm. Và mỗi loại giải sẽ có những cách trao khác nhau, tránh nhàm chán, cố gắng càng về sau, càng phải sáng tạo và ấn tượng hơn.
Nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng: Cái khó là không biến lễ trao giải thành sân khấu showbiz mà phải mang màu sắc chính luận, phải nghiêm chỉnh và vẫn phải đầy đủ các phát biểu của lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Nhà nước, các thông tin về tổ chức giải để giới thiệu với công chúng. Đối với các tiết mục văn nghệ không được che khuất phần trao giải. Chúng tôi đã tổ chức sáng tác riêng một ca khúc cho riêng lễ trao giải năm nay. Ban tổ chức đã tìm đến một số địa điểm, sao cho phù hợp, không lớn quá, không nhỏ quá, tiện cho việc di chuyển của các tác giả từ các tỉnh thành và đảm bảo không phát sinh các khoản kinh phí tốn kém. Chúng tôi đã thống nhất lựa chọn hội trường ICE ở cung Hữu nghị Việt Xô với không gian lớn để thực hiện.
Bên cạnh đó, các tiết mục văn nghệ, ban tổ chức đã cố gắng xây dựng tác phẩm riêng mang tính đặc sắc riêng biệt. Các hình ảnh được trình chiếu cũng được lựa chọn kỹ càng. Trong phần trao giải ở từng nội dung, hạng mục cũng đều sử dụng công nghệ mới, tính toán đến yếu tố an toàn. Việc phối hợp với đội ngũ đạo diễn và đội ngũ quay phim, dựng chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) cũng được phối hợp nhịp nhàng.
Như chúng ta vẫn biết, trong những năm gần đây, hoạt động báo chí đã có rất nhiều đổi mới, trong đó nhiều chương trình truyền hình, phóng sự truyền hình đã có những sáng tạo, đầu tư công phu thu hút sự quan tâm của công chúng. Tuy nhiên việc đổi mới trong việc trao Giải Báo chí quốc gia từ trước đến nay đi theo một khuôn mẫu khá lâu.
Việc đổi mới và tạo dấu ấn lần này ban tổ chức mong muốn sẽ vượt ra “vùng an toàn”, để thử nghiệm và thực hiện những thứ mới mẻ. Lựa chọn lễ trao Giải Báo chí quốc gia là một minh chứng về sự cố gắng đổi mới, dám nghĩ, dám làm, vượt qua khỏi vùng an toàn để có một sự kiện xứng tầm.
Giữ vững tinh thần sáng tạo và đổi mới của giới báo chí
Ông Hoàng Công Cường, Tổng đạo diễn sự kiện cho hay, Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia hay những lễ trao giải nói chung ở Việt Nam đang tuân thủ theo một format cố định. Năm nay với tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Lê Quốc Minh và êkip xác định phải đổi mới sáng tạo. Hơn nữa chương trình này là một Lễ trao giải báo chí có thương hiệu của quốc gia nên càng cần thiết phải có sự khác biệt.
“Đây là một đề bài rất khó. Phía Hội Nhà báo cũng đề nghị chương trình cần phải đưa những nhà báo nhận giải vào vị trí trung tâm, để các anh chị em cảm thấy thực sự tự hào. Đặc biệt, bởi lễ trao giải Báo chí quốc gia còn là chương trình đã có thương hiệu. Do đó, chúng tôi càng quyết tâm. Cả ekip đã phải mất đến 2 tháng để chuẩn bị hoàn tất, từ việc lên ý tưởng, thiết kế sân khấu, kết cấu chương trình”, Tổng đạo diễn Hoàng Công Cường chia sẻ.
Để tìm “lời giải” cho bài toán khó, ekip tổ chức đã đặt trọng tâm vào phần kịch bản với một ý tưởng nhất quán. Cụ thể, ở phần mở màn, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện với quan điểm về nền báo chí cách mạng Việt Nam: “Báo chí là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa”, “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”. Đây cũng là sợi chỉ đỏ định hướng cho những người làm báo nước ta qua rất nhiều thế hệ.
Tiếp theo, 4 loại hình báo chí (truyền hình, phát thanh, báo in, báo điện tử) cũng được “nghệ thuật hóa” thông qua màn múa đương đại mang tên Tâm trong, bút sáng. Các nghệ sĩ xuất hiện với ngọn đèn trên tay, tượng trưng cho tấm lòng sáng trong. Phía sau, ngòi bút vươn cao, đại diện tinh thần tận hiến, tôn trọng sự thật của những người làm nghề.
Phần mở đầu khép lại với lời dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Báo chí cách mạng còn là vũ khí sắc bén thúc đẩy xã hội không ngừng tiến lên… Báo chí phải làm sao để góp phần tạo nên sự đồng tâm và sức mạnh tổng hợp to lớn cho cách mạng”.
Ngoài ra, suốt sự kiện, khán giải còn được lắng nghe những tâm sự, nguyện vọng của chính những người làm báo thông qua các phóng sự được thực hiện công phu. Tất cả các thành tố tạo nên một mạch chảy mạch lạc, khắc họa phần nào tinh thần cống hiến của báo giới trong suốt 99 năm phát triển.
Khẳng định, toàn bộ các phần, các tiết mục đều được “may đo” kỹ lưỡng, toàn diện cho riêng báo giới, Tổng đạo diễn Hoàng Công Cường thông tin thêm, chính cách làm này đã giữa được tính chính luận cho toàn bộ sự kiện.
“Các tiết mục biểu diễn đều hướng tới mục đích cuối cùng là truyền tải thông điệp về nghề báo và người làm báo. Ngay cả ca khúc cuối mang tên Gửi những niềm tin yêu được sáng tác riêng cho lễ trao giải có phần rap của ca sĩ Phúc Bồ cũng là một bất ngờ thú vị, ekip muốn đem lại cho công chúng. Ở đây, hơi thở của âm nhạc đương đại kết hợp chặt chẽ với thông điệp chính càng khiến cho sự kiện có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn”, tổng đạo diễn Hoàng Công Cường nhấn mạnh.
Nhà báo Thành Vũ – Trung tâm Sản xuất và phát triển nội dung số, Đài truyền hình Việt Nam – VTV, đơn vị sản xuất sự kiện chia sẻ: Giải Báo chí Quốc gia là sự kiện lớn nhất của những người làm báo Việt Nam. Chúng tôi đã làm việc với tinh thần cầu thị, đổi mới, trách nhiệm và nghiêm cẩn với từng chữ, từng lời từ kịch bản tới khi tổng duyệt và lên sóng chương trình với tâm thế chương trình này sẽ có những người ‘khó tính’ nhất xem, nên không thể có bất cứ sai sót nào”.
Từ thành công và ấn tượng tại Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 18, ban tổ chức sẽ tiếp tục cho công tác chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 100 năm ngày Kỷ niệm Báo chí Cách mạng Việt Nam, đặc biệt là Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia năm tới.
Nhà báo Lê Quốc Minh cho biết: Với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chủ trì là Ban tuyên giáo Trung ương, việc tuyên truyền các hoạt động kỷ niệm cho dấu mốc này đã được ban hành từ rất lâu. Trên cơ sở đó, Hội Nhà báo Việt Nam đã có những văn bản hướng dẫn các hội nhà báo địa phương, các liên chi hội thực hiện các phong trào thi đua tạo ra hoạt động nội dung, những sản phẩm báo chí mới, xây dựng môi trường văn hóa, kể cả những hoạt động bên lề như tổ chức các sự kiện thể thao, các cuộc thi báo chí, báo ảnh, video…
“Chúng tôi đã lên kế hoạch chi tiết cho năm tới, đặc biệt là Hội báo Toàn quốc cũng là sự kiện quan trọng được tổ chức với quy mô lớn, hay Lễ trao giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIX cũng sẽ được xây dựng với một kịch bản độc đáo, sáng tạo và sẽ có rất nhiều điều mới. Hiện Hội Nhà báo Việt Nam đã có kế hoạch và sẽ được chuẩn bị triển khai vào cuối năm. Hy vọng, những hoạt động kể trên sẽ vẫn giữ được tinh thần sáng tạo và đổi mới để giới báo chí luôn cảm nhận Hội Nhà báo Việt Nam là ngôi nhà chung cho những người làm báo cả nước”, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh.
Nguồn: https://www.congluan.vn/le-trao-giai-bao-chi-quoc-gia-lan-thu-18-dac-sac-doc-dao-nhan-len-niem-tu-hao-post300899.html