Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), thị trường trái phiếu bền vững Việt Nam tính đến quý 1-2024 đạt quy mô khoảng 800 triệu USD.
Lý do là lượng phát hành trái phiếu Chính phủ tăng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nối lại việc phát hành tín phiếu ngân hàng trung ương vào tháng 3. Trái phiếu kho bạc và trái phiếu Chính phủ khác tăng 3,3% so với quý trước để hỗ trợ các yêu cầu tài trợ của Chính phủ.
Trong khi đó, trái phiếu doanh nghiệp giảm 0,9% do khối lượng lớn trái phiếu đáo hạn và lượng phát hành thấp.
Theo ước tính của chuyên gia ADB, thị trường trái phiếu bền vững ở Việt Nam đạt quy mô 800 triệu USD vào cuối tháng 3. Thị trường này bao gồm trái phiếu xanh và các công cụ trái phiếu bền vững do các doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, ngắn hạn.
Mặc dù quy mô còn nhỏ, nhưng trái phiếu xanh đang ghi nhận sự quan tâm ngày càng tăng đối với các công cụ tài chính bền vững và các sáng kiến xanh trong doanh nghiệp.
Các trái phiếu bền vững chủ yếu được phát hành bởi các doanh nghiệp và có kỳ hạn ngắn, cho thấy một xu hướng mới trong việc tài trợ các dự án bền vững và thân thiện với môi trường.
Về lãi suất trái phiếu chính phủ, ADB cho biết lãi suất đã tăng trung bình 56 điểm cơ bản đối với tất cả các kỳ hạn do lạm phát trong nước gia tăng và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trì hoãn cắt giảm lãi suất điều hành.
Lạm phát giá tiêu dùng so với cùng kỳ năm trước của Việt Nam tăng lên 4,44% trong tháng 5, tiến gần đến mức trần 4,50% của chính phủ.
Lãi suất cao hơn trong thời gian dài
Lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn cũng phủ bóng lên các thị trường trái phiếu bền vững tại khu vực ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3), dẫn tới sự sụt giảm trong hoạt động phát hành trái phiếu bền vững trong quý 1-2024, đạt 805,9 tỉ USD vào cuối tháng 3.
Dòng vốn trái phiếu rút khỏi các thị trường khu vực lên tới 20 tỉ USD trong tháng 3 và tháng 4. Giảm phát chậm hơn kỳ vọng đã củng cố khả năng lãi suất tăng cao hơn trong thời gian dài hơn và thúc đẩy lãi suất trái phiếu ngắn hạn và dài hạn tại cả các nền kinh tế phát triển.
Các đồng tiền khu vực đã giảm giá so với USD và chênh lệch hoán đổi rủi ro tín dụng được nới rộng ở hầu hết các thị trường.
Phần lớn các thị trường chứng khoán trong khu vực tăng điểm nhờ triển vọng kinh tế tốt, nhưng thị trường chứng khoán tại ASEAN đã chứng kiến dòng vốn rút ra ở mức 4,7 tỉ USD.
Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park, nhận định: “Các điều kiện tài chính của Đông Á mới nổi vẫn ổn định. Nhưng căng thẳng địa chính trị kéo dài và các hiện tượng thời tiết bất lợi dẫn tới rủi ro cao hơn đối với lạm phát, làm tăng thêm sự không chắc chắn về lộ trình giảm phát. Một số cơ quan quản lý tiền tệ khu vực có thể duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn để bảo vệ đồng tiền trong bối cảnh không chắc chắn về xu hướng giảm phát và lập trường tiền tệ toàn cầu”.
Thị trường trái phiếu nội tệ của Đông Á mới nổi, bao gồm các nền kinh tế ASEAN, Trung Quốc, Hong Kong và Hàn Quốc, đã tăng trưởng chậm hơn trong quý 1-2024, chỉ đạt 1,4%, tương đương 24,7 nghìn tỉ USD.
Việc giảm phát hành trái phiếu chính phủ ở Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) đã kìm hãm sự mở rộng của thị trường khu vực. Tuy nhiên, phân khúc trái phiếu doanh nghiệp đã gia tăng nhờ lượng phát hành mạnh mẽ, do chính phủ thúc đẩy các giải pháp để kích thích kinh tế.
Dù vậy, đây vẫn là thị trường trái phiếu bền vững lớn thứ hai thế giới, chiếm 18,9% thị phần toàn cầu, xếp sau Liên minh châu Âu với tỉ lệ 37,6%.
Đáng chú ý, trái phiếu bền vững chỉ chiếm 2,1% tổng thị trường trái phiếu của ASEAN+3, so với 7,3% ở Liên minh châu Âu.
nguồn: https://tuoitre.vn/trai-phieu-ben-vung-o-viet-nam-dat-quy-mo-800-trieu-usd-20240626115324416.htm