Củng cố việc cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, khách quan
Có thể nói, ngành thông tin truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin chính xác và kịp thời từ chính quyền cơ sở đến các cơ quan báo chí. Thông qua những kênh thông tin chính thức, các Sở Thông tin & Truyền thông giúp báo chí có nguồn thông tin đáng tin cậy, kết nối các Sở, ban, ngành ở địa phương với phóng viên báo chí để phản ánh đúng tình hình thực tế trên địa bàn, lĩnh vực quản lý. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay, khi thông tin giả mạo và không chính xác dễ dàng lan truyền trên mạng xã hội, báo chí phải “chạy đua” thông tin. Vì vậy, cơ quan chức năng ở địa phương cũng phải có những thông tin “nóng” để cung cấp cho phóng viên.
Ví dụ điển hình từ thực tiễn về sự kết nối giữa chính quyền địa phương và cơ quan báo chí mà Sở Thông tin & Truyền thông là “cầu nối” có thể nói về câu chuyện “Covid-19 tại Vĩnh Phúc”. Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc – tâm dịch đầu tiên của Việt Nam, công tác phối hợp thông tin giữa chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc và phóng viên thường trú trên địa bàn rất kịp thời, chính xác.
Sở Thông tin & Truyền thông khi đó được giao làm đầu mối cung cấp thông tin cho phóng viên. Từ số lượng người bị mắc Covid-19, công tác khoanh vùng dập dịch, cho đến công tác đảm bảo đời sống cho Nhân dân trong vùng bị cách ly… đều được cung cấp thường xuyên và công khai theo nhiều hình thức, từ tổ chức họp báo, họp nhanh, qua các văn bản hoặc qua các “kênh thời 4.0” như zalo, mạng xã hội của Sở Thông tin & Truyền thông. Chính từ những thông tin trên, cộng thêm sự “lăn lộn” của các phóng viên trong công tác tuyên truyền, kịp thời định hướng dư luận xã hội, đã đóng góp vào thành công của Vĩnh Phúc trên “mặt trận” chống Covid-19 giai đoạn đó.
Một ví dụ nữa được đưa ra như Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Quảng Ninh thường xuyên phát hành các bản tin kinh tế – xã hội, giúp báo chí có cái nhìn tổng quan và chính xác về tình hình địa phương. Bên cạnh đó, nhiều Sở Thông tin & Truyền thông còn phát hành báo cáo định kỳ về các chương trình, kế hoạch của địa phương, các dự án phát triển… Những tài liệu này không chỉ cung cấp thông tin hữu ích cho báo chí mà còn giúp định hướng dư luận, đảm bảo thông tin được truyền tải một cách khách quan và trung thực.
Yếu tố chính xác là điều bắt buộc khi thông tin. Cơ quan chức năng cung cấp cho phóng viên những vấn đề cần tuyên truyền phải là những tin tức chính thống và đồng nhất. Từ đó, phóng viên sử dụng để lan tỏa đến độc giả của mình. Nói cách khác, chất lượng tin bài của phóng viên có sự “liên quan mật thiết” với những thông tin được cung cấp từ cơ quan nhà nước tại địa phương. Ở nhiều tỉnh, thành, Sở Thông tin & Truyền thông đã làm tốt vai trò “kết nối” này, giúp cho sản phẩm báo chí tăng mức độ tin cậy và chân thực nhất.
Bên cạnh đó, khách quan là vấn đề được nhiều phóng viên quan tâm khi tiếp nhận thông tin từ cơ quan nhà nước ở địa phương. Báo chí nói chung và báo chí Trung ương nói riêng, khi viết bài đều hướng đến việc phải đúng chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đúng với nguyện vọng Nhân dân, được người đọc tâm phục, khẩu phục…
Muốn được như vậy, phải có sự khách quan và chân thật. Cơ quan địa phương cung cấp thông tin cho phóng viên, ngoài đảm bảo nhiệm vụ chính trị của mình cũng rất cần có sự khách quan, không chỉ nói về cái hay, cái tốt của mình mà phải dám đối mặt với những tồn tại, hạn chế, để từ đó sửa đổi, làm cho tốt hơn.
Ở góc độ này, để tạo điều kiện cho báo chí thực hiện nhiệm vụ, thu thập thông tin một cách khách quan, minh bạch, các Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ động, tích cực tham mưu, phối hợp với các sở, ngành địa phương cung cấp thông tin chính thống, khách quan, chân thực, để báo chí có những phản biện, góp ý cho các cơ quan, đơn vị của địa phương đó hoạt động ngày càng hiệu quả hơn, mang hơi thở cuộc sống, đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới.
Khắc phục tình trạng thiếu tính chủ động, thiếu chuyên nghiệp trong cung cấp thông tin cho báo chí
Bàn về vấn đề vai trò “cầu nối” của ngành thông tin và truyền thông tại các địa phương, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế) cho rằng: “Sở Thông tin & Truyền thông các tỉnh, thành có vai trò rất quan trọng trong việc kết nối các Sở, ban, ngành, địa phương với các cơ quan báo chí, góp phần nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền, đáp ứng nhu cầu của người dân và phục vụ sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Bằng cách tổ chức họp báo định kỳ, cung cấp thẻ tác nghiệp và hỗ trợ về mặt thủ tục hành chính, tổ chức các lớp tập huấn… trong thời gian qua, ngành thông tin và truyền thông các địa phương đã hỗ trợ phóng viên cơ quan báo chí tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn tin chính thống.
Đặc biệt, tại hội nghị giao ban báo chí hàng quý, các Sở, ban, ngành địa phương và các cơ quan báo chí có thể trao đổi thông tin, ý kiến về công tác cung cấp thông tin cho báo chí, về hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh. Điều này không chỉ giúp bảo đảm an toàn cho phóng viên mà còn giúp phóng viên hiểu rõ hơn về các quy định, chính sách của địa phương, từ đó thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả và chuyên nghiệp hơn, nâng cao chất lượng các bài viết, phóng sự”.
Trên thực tế, trong thời gian qua, nhiều Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh, thành đã triển khai các biện pháp để khắc phục tình trạng thiếu kế hoạch, thiếu tính chủ động, thiếu chuyên nghiệp trong cung cấp thông tin cho báo chí ở các Sở, ban, ngành, địa phương thông qua việc phối hợp tổ chức họp báo; hội thảo chuyên đề; gặp mặt, trao giải báo chí; tập huấn kỹ năng phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí và xử lý khủng hoảng truyền thông; đăng tải công khai danh sách người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trên cổng thông tin điện tử tỉnh; thiết lập Đường dây nóng Báo chí; duy trì điểm tin báo chí toàn quốc viết về địa phương mình hàng ngày gửi lãnh đạo tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ số, thiết lập các nhóm zalo, kênh liên lạc nhanh chóng và hiệu quả giữa Sở Thông tin và Truyền thông với các Sở, ban, ngành, địa phương và cơ quan báo chí, đảm bảo cung cấp thông tin chính thức cho các cơ quan báo chí một cách nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời và hiệu quả.
Đồng thời, ngành thông tin và truyền thông đã chủ động, tích cực tham mưu UBND các tỉnh, thành phố ban hành và tổ chức triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, quản lý, tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi cho các cơ quan báo chí hoạt động, như: Quy định việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; Quy chế quản lý hoạt động của Văn phòng đại diện, Phóng viên thường trú; Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí; Kế hoạch chuyển đổi số báo chí… Đặc biệt, khi xác định có vụ việc phức tạp, cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí để định hướng dư luận xã hội.
Nêu quan điểm về việc tăng cường vai trò “cầu nối báo chí với cơ sở”, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh: “Cần thường xuyên đánh giá hiệu quả phối hợp trong công tác tuyên truyền về các hoạt động, chính sách của địa phương. Việc đánh giá này sẽ giúp rút ra kinh nghiệm, từ đó nâng cao chất lượng tuyên truyền trong thời gian tiếp theo”.
Nguyễn Hường
Nguồn: https://www.congluan.vn/cau-noi-bao-chi-voi-co-so-post299729.html