SK Group lớn cỡ nào?
Tính theo doanh thu, SK Group là tập đoàn kinh tế gia đình (chaebol) lớn thứ 3 Hàn Quốc chỉ sau Samsung và Hyundai. Năm 2023, tập đoàn này ghi nhận doanh thu 99,64 tỷ USD, giảm nhẹ so với mức 102,53 tỷ USD của năm trước.
Chữ SK không phải viết tắt của South Korea (Hàn Quốc) mà là Sunkyong – công ty dệt may – tiền thân của tập đoàn. Doanh nghiệp này bắt đầu nổi lên từ sau những năm 50 của thế kỷ 20, khi chính phủ Hàn Quốc giao trọng trách cho một vài công ty để dẫn đầu các ngành công nghiệp trọng điểm.
SK đổi tên từ Sunkyong Group thành SK Group vào năm 1997. Nền tảng chính của SK Group khởi đầu từ lĩnh vực năng lượng, hóa chất. SK Group bao gồm nhiều công ty con sử dụng chung thương hiệu SK và văn hóa quản lý của tập đoàn mang tên SKMS (SK Management System).
Hiện nay, các doanh nghiệp lớn nhất của tập đoàn chủ yếu là các ngành hóa chất, dầu khí và năng lượng. Ngoài ra, SK Group cũng sở hữu nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động không dây lớn nhất Hàn Quốc là SK Telecom và cung cấp các dịch vụ về xây dựng, vận chuyển, tiếp thị, điện thoại nội địa, internet tốc độ cao và băng thông rộng không dây.
Đáng chú ý, từ năm 2010, SK tiếp tục mở rộng phạm vi kinh doanh sang lĩnh vực chất bán dẫn với SK Hynix, nhà cung cấp chip nhớ lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Samsung Electronics. SK Hynix hiện có giá trị vốn hóa thị trường 111,48 tỷ USD, lớn thứ 2 Hàn Quốc chỉ sau Samsung. Công ty đặt trụ sở chính tại Seoul (Hàn Quốc) và có các chi nhánh tại Mỹ, Trung Quốc, Singapore…
Đứng đầu “đế chế” SK Group là Chủ tịch Chey Tae-won, cháu trai của ông Chey Jong-gun, người sáng lập Tập đoàn SK. Tính đến ngày 25/6, giá trị tài sản ròng của ông Chey Tae-won ước tính khoảng 1,2 tỷ USD, theo Forbes.
Danh mục đầu tư tỷ USD tại Việt Nam
Khoản đầu tư tỷ USD của SK Group tại Việt Nam có thể kể đến là thương vụ đầu tư 1 tỷ USD (khoảng 23.300 tỷ đồng) để mua cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup vào giữa năm 2019. Từ đó, SK Group trở thành đối tác chiến lược của tập đoàn tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Theo thỏa thuận lúc đó, SK Group đăng ký mua 154,3 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ từ Vingroup và mua lại 51,4 triệu cổ phiếu VIC thuộc sở hữu của VinCommerce. Tổng sở hữu của SK Group sau thương vụ này là 205,7 triệu cổ phiếu VIC, tương đương hơn 6% vốn điều lệ Vingroup. Giá trung bình cho giao dịch là 113.000 đồng/cổ phiếu.
Theo báo cáo thường niên 2023 của Tập đoàn Vingroup, đơn vị đại diện SK Group vẫn còn sở hữu 5,97% vốn điều lệ, tương ứng gần 231,5 triệu cổ phiếu VIC. Số cổ phần SK Group sở hữu lớn thứ 4 trong danh sách cổ đông lớn tại Vingroup, sau Tập đoàn Đầu tư Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng và Công ty Quản lý và Đầu tư Bất động sản VMI.
Một khoản đầu tư đáng kể khác của SK Group là tại Tập đoàn Masan, nơi tỷ phú Nguyễn Đăng Quang làm Chủ tịch HĐQT. Cuối năm 2018, Masan công bố hoàn tất giao dịch với SK Group, khi “ông lớn” doanh nghiệp Hàn Quốc chi 470 triệu USD (tương đương 11.000 tỷ đồng) để sở hữu gần 110 triệu cổ phiếu quỹ của Masan, giá giao dịch là 100.000 đồng/cổ phiếu.
Với khoản đầu tư trên, SK nắm giữ 9,5% cổ phần, chính thức trở thành cổ đông ngoại lớn nhất của Masan Group. Theo báo cáo thường niên 2023 của Masan, thành viên SK Group đang sở hữu 9,22% vốn tập đoàn này.
Cuối năm 2019, Tập đoàn Masan mua lại Công ty VinCommerce (sở hữu hệ thống siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện lợi Vinmart, Vinmart+) từ Tập đoàn Vingroup. Đến năm 2021, Masan công bố SK Group đã mua 16,26% cổ phần của VinCommerce với tổng giá trị tiền mặt là 410 triệu USD.
Ngoài ra, SK Group cũng đầu tư 340 triệu USD để sở hữu 4,9% cổ phần của The CrownX (đơn vị sở hữu chuỗi cửa hàng WinMart và WinMart+). Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của Masan và SK Group tại The CrownX lần lượt là 85% và 4,9% vốn.
SK Group đầu tư vào nhiều công ty tại Việt Nam (Ảnh: SCMP).
Ngoài ra, SK Group còn rót vốn vào ngành dược với khoản đầu tư vào 2 công ty dược tại Việt Nam.
Năm 2022, Công ty cổ phần Dược phẩm Pharmacity công bố thông tin nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Christopher Randy Stroud (Chris Blank) không còn là người đại diện pháp luật. Thay thế vị trí này là Giám đốc Nguyễn Như Nam – Quản lý đầu tư của SK Group. SK Group được cho là đã đầu tư khoảng 100 triệu USD vào Pharmacity, thông qua việc sở hữu cổ phần của công ty mẹ Maroon Bells.
Công ty thành viên của SK Group còn đầu tư vào cổ phiếu IMP của Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm. Năm 2020, tập đoàn Hàn Quốc mua 24,9% cổ phần IMP từ các quỹ thuộc nhóm Dragon Capital cùng một số quỹ khác. Đến cuối năm 2023, theo báo cáo thường niên của Imexpharm, nhóm SK Group và các bên liên quan sở hữu 64,8% vốn cổ phần IMP, trở thành cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này.
SK Group cũng có mặt trong danh sách cổ đông của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil). Tính đến ngày 31/12/2023, cổ đông ngoại này sở hữu 5,23% vốn của doanh nghiệp dầu khí này, bên cạnh cổ đông lớn khác là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (80,52% vốn).
Kế hoạch thoái vốn tại thị trường Việt Nam của SK Group từng được tờ The Korea Economic Daily nêu từ năm 2022. Khi đó, SK Group đang xem xét bán một số tài sản của mình tại Việt Nam và Malaysia thuộc sở hữu của SK South East Asia Investment. Tuy vậy, quyết định cụ thể vẫn chưa được đưa ra. “Việc bán cổ phần tại công ty nào và quy mô ra sao sẽ được xác định sau”, một lãnh đạo của SK Group cho biết.
Cuối năm 2023, lãnh đạo SK Group bác tin đồn thoái vốn tại Việt Nam, thông tin trên tờ Money Today. Ngoài ra, tập đoàn này đang thảo luận về hợp tác kinh doanh lâu dài với chính phủ Việt Nam và các công ty lớn trong nước. Việt Nam được chọn làm căn cứ kinh doanh ở Đông Nam Á. Nhà đầu tư Hàn Quốc dự kiến sẽ rót tiền vào các lĩnh vực bất động sản, tiêu dùng, sức khỏe, công nghiệp…
Mới đây, theo thông tin từ Maeil Business Newspaper – tờ báo kinh tế nổi tiếng tại Hàn Quốc – Tập đoàn SK đang có ý định bán cổ phần đang nắm giữ tại các tập đoàn lớn của Việt Nam để thu hồi lại 1.000 tỷ won tiền đầu tư ban đầu (khoảng 18.320 tỷ đồng). SK Group đang trong quá trình tái cơ cấu hoạt động kinh doanh nên sẽ đánh giá lại các khoản đầu tư để đảm bảo dòng tiền.
Theo đó, SK Group có thể sẽ thực hiện quyền chọn bán để bán 9% cổ phần của mình tại Tập đoàn Masan. SK Group đang tìm đối tác để thực hiện việc mua bán. Số tiền đầu tư vào năm 2018 là khoảng 450 triệu USD. Số tiền bán cổ phần có thể được thu lại vào cuối năm nay. Tập đoàn này sẽ tổ chức cuộc họp chiến lược từ ngày 28/6 đến 29/6 để tìm kiếm các chiến lược tái cơ cấu khoản đầu tư.
Tuy nhiên, phía doanh nghiệp do tỷ phú Nguyễn Đăng Quang làm Chủ tịch HĐQT đã lên tiếng về thông tin SK Group thoái vốn tại Masan như tờ báo Hàn Quốc nêu. Ngày 24/6, Masan phát đi thông báo khẳng định thông tin SK Group đã thực hiện quyền chọn bán (quyền bán cổ phiếu) để bán 9% cổ phần sở hữu tại Masan Group là không đúng. Cho đến nay, SK Group chưa thực hiện quyền chọn bán.
Cũng theo Masan, cả 2 doanh nghiệp đang trong giai đoạn cuối cùng về một lộ trình cụ thể, theo điều kiện thuận lợi của thị trường để SK Group giảm cổ phần sở hữu tại Masan Group. SK Group đã xác định được các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có quy mô tầm vóc quốc tế và am hiểu hoạt động kinh doanh của Masan để chuyển nhượng cổ phần sở hữu. Masan khẳng định lộ trình này được xây dựng để bảo vệ và giúp tối đa hóa giá trị cho cổ đông của cả 2 doanh nghiệp.
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/cac-khoan-dau-tu-ty-usd-cua-sk-group-chaebol-lon-thu-3-han-quoc-o-viet-nam-20240626054001857.htm