Chính trường Pháp chìm vào hỗn loạn với việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tổ chức bầu cử quốc hội sớm sau khi đảng Phục Hưng trung dung của ông thất bại trước đảng Tập hợp Quốc gia (RN) của nghị sĩ cực hữu Pháp Marine Le Pen trong bầu cử Nghị viện Châu Âu vừa qua. Và kết quả tổng tuyển cử Pháp có thể tạo nên “cơn địa chấn” chính trị ở châu Âu, theo phân tích của tờ Politico hôm qua (25.6).
Nguy cơ nội chiến
Pháp sẽ tổ chức bầu cử vòng 1 vào ngày 30.6. AFP dẫn kết quả các cuộc khảo sát vào cuối tuần qua dự báo đảng RN có thể thắng 35 – 36% số phiếu, kế đến là liên minh cánh tả 27 – 29,5% số phiếu. Trong khi đó, đảng của ông Macron được dự kiến về thứ ba với tỷ lệ phiếu 19,5 – 22%. Vòng thứ hai sẽ được tổ chức ngày 7.7 ở những khu vực bầu cử vẫn chưa có ứng viên giành được hơn 50% số phiếu trong vòng đầu.
Tổng thống Macron bất ngờ cảnh báo nội chiến, phe đối lập Pháp phản ứng
Tổng thống Macron cảnh báo đảng RN và liên minh cánh tả Mặt trận Nhân dân Mới (NPF) đang đẩy nước Pháp đến bờ vực “nội chiến”, theo AFP hôm qua. Phát biểu trên chương trình podcast “Thế hệ tự hành động” của Pháp, Tổng thống Macron công kích cả đảng RN lẫn đảng Nước Pháp Bất khuất thuộc liên minh cánh tả, mà theo nhà lãnh đạo đang gây chia rẽ nội bộ nước này ở mức nghiêm trọng.
Nếu phe trung dung thất cử, Tổng thống Macron sẽ là người bị ảnh hưởng nặng nề nhất, theo phân tích của Politico. Dù bác bỏ khả năng từ chức khi có kết quả bầu cử quốc hội, ông Macron sẽ khó có thể tiếp tục theo đuổi nghị trình đầy tham vọng, bao gồm củng cố sức mạnh EU, tìm kiếm sự cân bằng bền vững giữa châu Âu và Mỹ, thực thi những cải cách nhằm xây dựng nội lực mới cho Pháp.
Ngân sách trước bờ vực vỡ nợ
Ngày 24.6, AFP đưa tin lãnh đạo đảng RN Jordan Bardella đã công bố nghị trình làm việc của đảng này một khi giành chiến thắng tại cuộc bầu cử sắp tới. Cụ thể, RN muốn siết chặt biên giới nhằm ngăn chặn làn sóng di dân bất hợp pháp, khiến trẻ em có cha mẹ là dân nhập cư lậu khó được cấp quốc tịch Pháp, áp dụng các biện pháp giảm lạm phát (bao gồm giảm thuế xăng dầu), giảm tuổi hưu, tăng lương.
Dù chưa công bố kế hoạch, liên minh cánh tả cũng dự kiến theo đuổi nghị trình tương tự RN với hy vọng có thể giành chiến thắng trước đảng Phục Hưng của Tổng thống Macron. Những cam kết của cả hai chiến dịch tranh cử đe dọa đẩy ngân sách chính phủ Pháp đến bờ vực vỡ nợ, làm tăng lãi suất cho vay và gây căng thẳng cho quan hệ giữa Pháp và EU.
Ông Macron thừa nhận các cam kết về kinh tế của đảng RN “có lẽ làm mọi người vui vẻ”, nhưng phải trả cái giá lên đến 100 tỉ euro/năm. Trong khi đó, kế hoạch của cánh tả có lẽ mang đến tổn thất gấp 4 lần so với đảng RN.
Còn nhà kinh tế học Brigitte Granville thuộc Đại học Nữ hoàng Mary ở London (Anh) dự báo trên website Project Syndicate rằng cuộc bầu cử sớm có thể chứng kiến sự lên ngôi của một chính quyền đến từ những đảng chính trị từ chối tuân thủ các nguyên tắc tài khóa an toàn.
Trước đó, Pháp đã đối mặt áp lực phải cải thiện tình trạng thâm hụt ngân sách cao hơn mức quy định của EU. Nợ công của Pháp ước tính gấp 112% quy mô nền kinh tế, so với chưa đầy 90% ở khu vực sử dụng euro và 63% của Đức. Thâm hụt ngân sách của Pháp năm 2023 là 5,5% GDP, trong khi Ủy ban Châu Âu khuyến cáo các nước thành viên phải duy trì dưới 3% GDP, theo tờ Financial Times hôm 24.6.
Phe cực hữu đe dọa nền kinh tế châu Âu ?
Liệu thành công của phe cực hữu đang đe dọa nền kinh tế châu Âu? Đó là câu hỏi mà theo báo Financial Times ngày 24.6 cho rằng các nhà đầu tư đang muốn tìm hiểu sau khi đảng RN giành chiến thắng bầu cử Nghị viện Châu Âu trước đảng Phục Hưng của Tổng thống Macron.
Chỉ số chứng khoán quan trọng nhất của Pháp là CAC 40 trong tuần này giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm. Và Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cảnh báo nước này đang tiến gần nguy cơ khủng hoảng tài chính. Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 24.6 cũng bày tỏ quan ngại về viễn cảnh phe cực hữu ở Pháp có thể thắng cử, sau khi chính quyền Berlin lâm vào tình trạng suy yếu trước sự lên ngôi của phe cực hữu ở Đức.
Nguồn: https://thanhnien.vn/cuoc-bau-cu-song-con-o-phap-185240625223239045.htm