Kế hoạch của ông Trump?
Cựu Tổng thống Trump từng vài lần tuyên bố mình có thể chấm dứt chiến sự Ukraine trong vòng 24 giờ, nhưng từ chối tiết lộ chi tiết về kế hoạch này.
Trong một thông tin mới, hai cựu cố vấn dưới thời chính quyền Tổng thống Trump (2017-2021) đã đệ trình kế hoạch chấm dứt cuộc xung đột. Theo đó, chính quyền Mỹ sau khi ông Trump tái đắc cử sẽ đưa ra tối hậu thư cho Ukraine với nội dung buộc chính quyền Kyiv phải ngồi vào bàn đàm phán với Moscow. Việc từ chối sẽ kéo theo hậu quả là Mỹ ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine.
Đồng thời, Mỹ cũng cảnh báo Nga rằng bất kỳ sự từ chối đàm phán nào cũng sẽ dẫn đến hậu quả Washington gia tăng sự ủng hộ Ukraine, theo trung tướng đã về hưu Keith Kellogg, một trong 2 cựu cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Trump, theo Reuters.
Điểm xung đột: Ukraine lại thay tướng; Nga mất “mắt thần trên không” vì Patriot
Cựu cố vấn còn lại là tác giả của kế hoạch trên là ông Fred Fleitz, cựu Chánh văn phòng Hội đồng An ninh Quốc gia năm 2017-2021.
Cuộc hòa đàm Ukraine, theo bộ đôi cựu cố vấn, phải được thực hiện nhanh chóng sau khi ông Trump đắc cử vào tháng 11.
Tuy nhiên, người phát ngôn của chiến dịch tranh cử ông Trump, ông Steven Cheung lưu ý rằng chỉ có phát biểu của cựu tổng thống hoặc thành viên có quyền phát ngôn mới là phát biểu chính thức.
Trước thông tin trên, Điện Kremlin cho hay bất kỳ kế hoạch hòa đàm nào do chính quyền Trump tương lai cũng đều phải đáp ứng hiện trạng ở Ukraine, nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn cởi mở với khả năng đối thoại, TASS đưa tin.
Còn Hội đồng An ninh Quốc gia ở Nhà Trắng khẳng định chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không buộc Ukraine đàm phán với Nga.
Tổng thống Ukraine thay tướng
Theo Reuters, Tổng thống Zelensky thông báo bổ nhiệm chuẩn tướng Andriy Hnatov vào vị trí tư lệnh Bộ chỉ huy các lực lượng hỗn hợp Ukraine, thay thế trung tướng Yuriy Sodol mới giữ chức từ tháng 2 năm nay.
Không rõ lý do đằng sau quyết định thay tướng giữa dòng. Tuy nhiên, thông tin tướng Sodol bị thay thế được thực hiện sau khi ông Bohdan Krotevych, chỉ huy Tiểu đoàn Azov, cáo buộc vị tướng gây thất bại lớn cho quân đội ở mặt trận miền đông.
Theo hãng Ukrainska Pravda, một vụ khởi tố hình sự liên quan ông Sodol đã được tiến hành và ông Krotevych sẵn sàng ra làm chứng.
Hãng truyền thông Nikvesti cho hay toàn bộ mặt trận miền đông thuộc quyền phụ trách của tướng Sodol nhưng ông đối mặt cáo buộc không cung cấp đủ phương tiện chiến đấu cho binh sĩ, dẫn đến tổn thất.
Ukraine sẽ có chiến xa phòng không “Frankenstein” từ Đức
Chưa rõ mức tổn thất binh lực của Ukraine trong thời gian tướng Sodol giữ vị trí tư lệnh phụ trách mặt trận miền đông.
Trong một diễn biến khác, Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) tại The Hague (Hà Lan) hôm 25.6 thông báo phát lệnh bắt Tổng tư lệnh quân đội Nga Valery Gerasimov và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, hiện là Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga.
Theo AFP, các thẩm phán ICC cho rằng có lý do để nghi ngờ Tổng tư lệnh quân đội Gerasimov và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu chịu trách nhiệm việc lực lượng Nga tấn công bằng tên lửa vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine từ ít nhất ngày 10.10.2022 đến ít nhất ngày 9.3.2023. Những vụ tấn công này được cho gây ảnh hưởng đến dân thường.
EU khởi động đàm phán kết nạp Ukraine
Ngày 25.6, Liên minh châu Âu (EU) đã mở màn cuộc thương thuyết cân nhắc khả năng kết nạp Ukraine trong lúc cuộc xung đột với Nga tiếp diễn.
Phát biểu trực tuyến ở hội nghị Luxembourg, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal gọi đây là thời khắc lịch sử và là bước đi lớn cho cả Kyiv lẫn EU tiến tới một tương lai chung.
Cuộc họp ở Luxembourg đóng vai trò biểu tượng hơn là cuộc thương thuyết được dự kiến kéo dài và đầy khó khăn trước khi Ukraine có thể được EU kết nạp.
“Tương lai của Ukraine nằm trong tay người Ukraine”, Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Hadja Lahbib của Bỉ, quốc gia đang giữ ghế Chủ tịch EU luân phiên, thêm rằng EU luôn ủng hộ Ukraine tự chủ.
Dự kiến cuộc hành trình gia nhập EU sẽ đầy thử thách cho các nước ứng viên, vì những nước này phải thực hiện cải cách sâu rộng nếu muốn đáp ứng các tiêu chuẩn của EU trong nhiều vấn đề, từ chính sách chống tham nhũng, hoạt động nông nghiệp và các quy định hải quan.
Để được kết nạp, các nước ứng viên cần sự phê chuẩn của toàn bộ 27 quốc gia thành viên EU. Trong đó, trở ngại có thể đến từ Hungary, nước duy trì quan hệ gần gũi với Nga.
Nguồn: https://thanhnien.vn/chien-su-ukraine-ngay-853-tu-lenh-mat-chuc-he-lo-cach-ong-trump-ngung-xung-dot-trong-24-gio-185240625225644833.htm