Ngày 25/6, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương vừa ký văn bản về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất đối với các dự án hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu Sở TN&MT tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản.
Hướng dẫn, yêu cầu các tổ chức, cá nhân đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác thực hiện các thủ tục về đất đai, khoáng sản theo quy định, trong đó phải thực hiện thủ tục thuê đất theo đúng quy định của pháp luật đất đai trước khi tiến hành tổ chức khai thác theo quy định.
“Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng thẩm quyền, đúng quy định pháp luật.
Rà soát các giấy phép khai thác (GPKT) khoáng sản đã hết thời hạn khai thác để hướng dẫn xem xét thủ tục gia hạn theo đúng quy định của pháp luật; nếu không thuộc trường hợp được gia hạn GPKT thì yêu cầu lập thủ tục đóng cửa mỏ và tham mưu UBND tỉnh thủ tục thu hồi đất giao cho địa phương để thực hiện việc quản lý theo đúng quy định”, nội dung văn bản nêu rõ.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã và TP Huế chủ trì, phối hợp với Sở, ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản trong nhân dân trên địa bàn.
Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các phòng ban liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm như: Khai thác ngoài phạm vi, ranh giới được cấp phép; khai thác khoáng sản khi chưa lập thủ tục thuê đất, khai thác khoáng sản trái phép, không phép và vi phạm khác có liên quan theo quy định…
Trước đó, ngày 10/6/2024, Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kết luận thanh tra việc cấp phép, quản lý, khai thác mỏ khoáng sản đất làm vật liệu san lấp (VLSL) trên địa bàn tỉnh đối với Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, các đơn vị khai thác khoáng sản và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thời kỳ thanh tra từ năm 2017 đến năm 2022, bao gồm các đơn vị được cấp phép khai thác từ năm 2017 đến năm 2022 và các đơn vị được cấp phép trước năm 2017 nhưng vẫn còn khai thác trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2022.
Đáng chú ý, bên cạnh việc phối hợp tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác mỏ đất san lấp giải quyết kịp thời nhu cầu đất san lấp phục vụ các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Kết luận thanh tra cũng chỉ ra nhiều thiếu sót, vi phạm của Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, Ban Quản lý Khu kinh tế – công nghiệp tỉnh, các đơn vị khai thác khoáng sản trong việc cấp GPKT, hoạt động khai thác, thực hiện các quy định về đất đai, bảo vệ môi trường, đóng cửa mỏ, chuyển mục đích sử dụng rừng, thực hiện các nghĩa vụ tài chính.
Trên cơ sở báo cáo, đề xuất của đoàn thanh tra, Chánh Thanh tra tỉnh đã ban hành 19 quyết định về việc thu hồi tiền nộp vào ngân sách nhà nước số tiền hơn 4,5 tỷ đồng do các đơn vị kê khai và nộp thiếu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường; truy thu giá trị khoáng sản đất làm VLSL thu được đối với sản lượng khai thác vượt giấy phép.
Đồng thời, kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, Ban Quản lý Khu kinh tế – công nghiệp tỉnh, các đơn vị khai thác khoáng sản làm VLSL nghiêm túc thực hiện kết luận thanh tra của Chánh Thanh tra tỉnh.
19 mỏ có vi phạm trong việc kê khai thiếu sản lượng
Đối với việc thực hiện nghĩa vụ tài chính, theo kết luận thanh tra, có 19/28 mỏ có vi phạm trong việc kê khai thiếu sản lượng; kê khai không đúng thuế suất, đơn giá tính thuế tài nguyên, hệ số tính phí bảo vệ môi trường theo phương pháp khai thác lộ thiên; sản lượng khai thác lớn hơn so với GPKT được cấp, dẫn đến phải xử lý truy thu nộp ngân sách nhà nước số tiền hơn 4,5 tỷ đồng.
Trong đó, 15/28 mỏ kê khai thiếu thuế tài nguyên với số tiền hơn 2 tỷ đồng; 16/28 mỏ kê khai thiếu phí bảo vệ môi trường với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng; 4/28 mỏ khai thác sản lượng lớn hơn so với GPKT được cấp dẫn đến phải truy thu giá trị khoáng sản thu được đối với sản lượng khai thác lớn hơn giấy phép số tiền hơn 1,3 tỷ đồng.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/nhieu-vi-pham-trong-khai-thac-mo-dat-san-lap-o-thua-thien-hue-192240625182629377.htm