Vào ngày 25/6, Liên minh châu Âu (EU) sẽ mở các cuộc đàm phán về tư cách thành viên với Ukraine, mang lại cho quốc gia Đông Âu một “cú hích” chính trị trong bối cảnh cuộc xung đột với Nga.
Buổi lễ đánh dấu sự kiện này ở Luxembourg sẽ mang tính biểu tượng nhiều hơn là các cuộc đàm phán thực chất, khi Kiev vẫn còn một chặng đường cực kỳ dài và khó khăn phía trước cần vượt qua để có thể thực sự gia nhập khối.
Nhưng bằng cách đánh dấu sự khởi đầu của các cuộc đàm phán với Ukraine, và liền sau đó là với nước láng giềng Moldova, EU đang báo hiệu rằng cả 2 quốc gia thuộc Liên Xô cũ đang trên con đường hướng tới hội nhập sâu hơn với phương Tây.
Khoảnh khắc này sẽ rất sâu sắc đối với nhiều người Ukraine. Ông Ihor Zhovkva, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Ukraine, cho biết điều đó sẽ nâng cao tinh thần của người dân Ukraine.
“Điều đó rất quan trọng”, ông Zhovkva nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn ở Kiev. “Con đường trở thành thành viên chính thức mà Ukraine xứng đáng… là không thể đảo ngược”.
Phó Thủ tướng Ukraine phụ trách hội nhập châu Âu Olga Stefanishyna sẽ dẫn đầu phái đoàn Ukraine tại sự kiện này, theo thuật ngữ EU gọi là Hội nghị Gia nhập (Accession Conference). Hội nghị sẽ bắt đầu vào khoảng 3h30 chiều giờ địa phương (13h30 giờ GMT – 20h30 giờ Việt Nam).
Gọi ngày EU quyết định khởi động các cuộc đàm phán gia nhập là một “ngày trọng đại” đối với Ukraine, bà Stefanishyna cho biết: “Đây là ý chí cao nhất của người dân Ukraine. Và đây là sự không thể đảo ngược. Và các vị đã thấy người Ukraine đứng lên bảo vệ sự lựa chọn của mình”.
Đại diện cho EU phát biểu tại sự kiện này là Ngoại trưởng Bỉ Hadja Lahbib vì Bỉ là quốc gia thành viên đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU.
Quá trình gia nhập EU khác nhau ở mỗi quốc gia ứng viên, nhưng đều có thể mất nhiều năm. Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập gần 2 thập kỷ trước và vẫn đang chờ đợi tư cách thành viên đầy đủ.
Theo EuroNews, một cuộc khảo sát về thăm dò dư luận của Nghị viện châu Âu (EP) hồi đầu năm nay cho thấy rằng các công dân EU nhìn chung ủng hộ việc Ukraine trở thành thành viên của khối nhưng ít ủng hộ việc đẩy nhanh quá trình này.
Hành trình trở thành thành viên EU rất khó khăn đối với các quốc gia ứng cử viên, vì họ phải cải cách để đáp ứng các tiêu chuẩn của EU về nhiều vấn đề, từ chống tham nhũng thông qua quản lý nông nghiệp đến hài hòa các quy định hải quan.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine tạo thêm nhiều thách thức to lớn cho cả Kiev và Brussels, đặt ra những câu hỏi mà cả 2 đều không muốn trả lời vào lúc này – chẳng hạn như liệu Ukraine có thể tham gia hay không nếu một phần lãnh thổ của nước này vẫn nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng Nga.
Triển vọng trở thành thành viên của Moldova đặt ra những câu hỏi tương tự, mặc dù ở quy mô nhỏ hơn, với nút thắt là khu vực ly khai Transdniestria.
Cả Kiev và Chisinau đều sẽ phải vượt qua không chỉ những trở ngại về kỹ thuật và pháp lý để trở thành thành viên EU mà còn cả những rào cản chính trị. Các quốc gia ứng cử viên cần có sự chấp thuận của tất cả 27 thành viên EU để mở và kết thúc từng bước đàm phán thành viên, mang lại cho chính phủ các nước thành viên nhiều cơ hội để cản trở quá trình này.
Hungary – quốc gia duy trì mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga so với các thành viên EU khác và không cung cấp vũ khí cho Kiev – đã trì hoãn việc bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập với Ukraine, theo các nhà ngoại giao. Hungary sẽ tiếp quản vị trí Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU từ ngày 1/7 đến hết năm nay.
Ngoài ra, việc mở rộng EU để bao gồm Ukraine và Moldova – và các nước có triển vọng khác như các nước Tây Balkan và Gruzia (Georgia) – sẽ cần xem xét lại triệt để các quy định của EU về mọi thứ, từ trợ cấp phát triển kinh tế và nông nghiệp cho đến quá trình ra quyết định, các nhà phân tích cho hay.
Minh Đức (Theo Reuters, EuroNews)
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/cu-hich-chinh-tri-cho-ukraine-a669880.html