Chiều 25/6, tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại tổ về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024.
Cân nhắc áp dụng với các đơn vị sự nghiệp
Thảo luận tại tổ 1 (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội), đại biểu Lê Quân cho rằng, bản chất của cải cách tiền lương phải đi cùng vị trí việc làm, năng lực làm việc và kết quả làm việc. Nghị quyết 27 hướng tới trả lương theo vị trí việc làm, cải cách được việc phân công, bố trí công việc. Năng lực chuyên môn sáng tạo, kỹ năng tốt đòi hỏi lương cao hơn. Còn hiện nay, chúng ta đang dùng bằng cấp để xếp lương.
Theo đại biểu, việc tăng 30% lương cơ sở là quan trọng và ông ủng hộ chủ trương này. Đồng thời, đánh giá việc thực hiện 4/6 nội dung cải cách tiền lương đã có rất nhiều điểm tiến bộ, trong đó, đã bù đắp thu nhập cho những người hưởng mức lương dưới 3,2 – 3,5 triệu đồng/tháng.
Dẫn chứng một số khó khăn tại Đại học Quốc gia Hà Nội, đại biểu Lê Quân đề nghị nên cho phép đơn vị nào xây dựng vị trí việc làm thì thực hiện luôn và cần phải cân nhắc đối với các đơn vị sự nghiệp, nhất là đơn vị đã thực hiện tự chủ, đơn vị khối giáo dục, y tế.
Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và Bộ Nội vụ, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng, trong tình hình hiện nay, phương án Chính phủ trình là khả thi nhất, đảm bảo ổn định khi thực hiện.
Đồng tình với những khó khăn Chính phủ báo cáo trong xây dựng bảng lương mới, phê duyệt vị trí việc làm, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho hay, việc xây dựng vị trí việc làm còn nhiều khó khăn, có nhiều vị trí chưa xây dựng được do các bộ, ban, ngành chưa hướng dẫn vị trí việc làm đó.
Về 5 nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương, theo đại biểu, tổng nhu cầu kinh phí cho tăng lương cơ sở khoảng 913.000 tỷ đồng, được cân đối trong 3 năm 2024-2026, tuy nhiên Chính phủ nhưng chưa làm rõ có làm tăng tổng chi ngân sách Nhà nước không, hay làm giảm các nguồn chi khác.
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cũng băn khoăn về việc áp dụng với các đơn vị sự nghiệp, cụ thể với ngành y tế, giá dịch vụ được kết cấu có lương và chi phí trực tiếp, nên tăng lương sẽ tăng giá dịch vụ y tế.
Đồng thời đề nghị phải đánh giá tác động về tăng giá tiêu dùng khi tăng lương, và tính lại thuế thu nhập cá nhân, xem xét mức giảm trừ gia cảnh…
Có biện pháp kiểm soát giá tiêu dùng
Đồng tình với Tờ trình của Chính phủ, đại biểu Trương Xuân Cừ cũng cho rằng, phương án tăng 30% lương cơ sở là rất hợp lý. Theo đại biểu, Chính phủ đã nhìn thấy các bất cập, khó khăn và hết sức thẳng thắn nêu trong báo cáo.
Do đó, cần đánh giá sâu hơn về cải cách tiền lương theo vị trí việc làm, phải tích cực tinh giản biên chế; đồng thời, giảm dần phụ cấp một số ngành không phù hợp…
Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng, với các đơn vị sự nghiệp công lập khối y tế, giáo dục thực hiện tự chủ, việc tăng 30% lương cơ sở là rất lớn.
“Với các trường khối nông nghiệp, tự chủ đã là rất cố gắng, khi tăng lương, cơ sở giáo dục sẽ tăng học phí, ảnh hưởng đến sinh viên. Vì vậy, nếu bắt đầu thực hiện từ ngày 1/7, đơn vị nào đã sẵn sàng thì thực hiện, còn lại phải vận động tuyên truyền…” – đại biểu Nguyễn Thị Lan nêu quan điểm.
Kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho biết, qua thảo luận, các ý kiến bày tỏ đồng tình với phương án Chính phủ trình, đánh giá cao Chính phủ và Bộ Nội vụ đã thẳng thắn nhận diện các khó khăn, vướng mắc.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục báo cáo Quốc hội đánh giá tác động kỹ phương án nguồn thực hiện với đơn vị sự nghiệp công lập; có ý kiến đề nghị đơn vị nào sẵn sàng thì thực hiện ngay, còn những đơn vị còn khó khăn thì phải có phương án khả thi.
Ngoài ra, đề nghị xem xét giảm trừ gia cảnh khi thực hiện thuế thu nhập cá nhân; có biện pháp kiểm soát giá tiêu dùng, tránh tình trạng lương chưa tăng nhưng giá đã tăng…
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/kiem-soat-gia-tieu-dung-tranh-tinh-trang-luong-chua-tang-gia-da-tang.html