Thị trường trái phiếu không còn sôi động, tập trung nhóm ngân hàng
Báo cáo nghiên cứu về thị trường trái phiếu của MBS Research cho thấy, tính từ 1 – 20/6/2024, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công là 20,4 nghìn tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy thị trường vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang có sự chững lại.
Bên cạnh đó, lượng phát hành ghi nhận tới 94% tổng giá trị phát hành thuộc nhóm ngân hàng. Gần như vắng bóng hoàn toàn trái phiếu bất động sản được phát hành trong tháng vừa qua.
Nếu tính từ đầu năm 2024 đến nay, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đã đạt 93,8 nghìn tỷ đồng, tăng 165% so với cùng kỳ. Lãi suất trung bình của các lô trái phiếu đã phát hành trong 6 tháng đầu năm đạt 7,8%, thấp hơn so với mức 8,3% cùng kỳ năm trước.
Xét về nhóm ngành, Ngân hàng là nhóm có lượng trái phiếu phát hành cao nhất với 53,8 nghìn tỷ đồng, tương đương tỷ trọng 57%. Lượng trái phiếu ngân hàng phát hành đã tăng thêm 147% so với năm 2023.
Trái phiếu BĐS giảm số lượng nhưng lãi suất cao, rủi ro gia tăng
Đáng chú ý, trái phiếu bất động sản vốn đang dẫn đầu lượng huy động trong năm 2023 đã giảm tới 23%. Cụ thể, lượng trái phiếu nhóm này phát hành nửa đầu 2024 chỉ đạt 25,3 nghìn tỷ đồng, tương đương tỷ trọng 27%.
Dù giảm về lượng phát hành nhưng lãi suất bình quân của trái phiếu BĐS lại đang cao nhất thị trường, dao động từ 11 – 12,5%. Trong khi đó nhóm trái phiếu ngân hàng chỉ có lãi suất từ 4,7 – 7,4%. Điều này cho thấy rủi ro tương đối của trái phiếu BĐS với các lĩnh vực khác.
Lý giải cho sự chững lại của trái phiếu bất động sản, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng thị trường BĐS nói chung vẫn chưa khởi sắc. Khả năng trả nợ vẫn ở mức yếu khiến nhiều doanh nghiệp BĐS phải giảm bớt các kết hoạch huy động vốn qua kênh trái phiếu.
Áp lực trả nợ đáo hạn của nhóm BĐS cũng đang có xu hướng gia tăng. Tính đến 20/6/2024, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm thanh toán là 197,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 19,6% dư nợ trái phiếu toàn thị trường. Doanh nghiệp BĐS chiếm tới 70% trong lượng chậm trả. Số doanh nghiệp BĐS chậm trả lãi, gốc trái phiếu đã lên tới 111 doanh nghiệp.
Trong khi đó, ngành ngân hàng đang có sự thay đổi về cơ cấu nguồn vốn. Trong đó các ngân hàng đã phải tăng cường phát hành trái phiếu dài hạn để bổ sung nguồn vốn, đảm bảo các quy định về an toàn vốn của nhà nước.
Môi trường lãi suất thấp cũng là động lực khiến các ngân hàng mua lại các khoản nợ và phát hành trái phiếu có lãi suất thấp hơn. Điều này đã tác động, đẩy lượng trái phiếu doanh nghiệp ngân hàng phát hành tăng mạnh trong nửa đầu 2024.
Nguồn: https://www.congluan.vn/94000-ty-dong-trai-phieu-do-don-ve-nhom-ngan-hang-bat-dong-san-nua-dau-nam-post300668.html