Đại biểu đề nghị bổ sung quy định cho phép các tổ chức hành nghề công chứng được quyền kết nối, chia sẻ và khai thác cơ sở dữ liệu, thông tin sinh trắc học như ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt mà không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Sáng 25/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) đề nghị nghiên cứu bổ sung các trường hợp phải công chứng trong hoạt động doanh nghiệp.
Doanh nghiệp có vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế – xã hội, tuy nhiên, các giao dịch dân sự, thỏa thuận hình thành nên doanh nghiệp hay việc mua bán, sáp nhập lại chưa được quy định phải công chứng.
Thời gian qua nhiều trường hợp thành lập, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đã diễn ra.
Đại biểu Lã Thanh Tân. Ảnh: Quốc hội
“Vụ án Vạn Thịnh Phát với hàng loạt hành vi làm giả hồ sơ doanh nghiệp, lập hồ sơ vay vốn khống, thuê người đứng tên cổ phần là một trong những điển hình về tình trạng giả mạo chữ ký trong điều lệ doanh nghiệp, biên bản của hội đồng quản trị, hội đồng thành viên và các văn bản nội bộ doanh nghiệp. Việc này đã và đang diễn ra, dẫn đến các vụ án liên quan, để lại hậu quả rất lớn trong thời gian qua”, ông Tân nêu.
Trong khi đó, các quy định hiện hành không có quy định bắt buộc công chứng hồ sơ thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, lợi dụng các thủ tục thông thoáng về thành lập doanh nghiệp, nhiều trường hợp thành lập doanh nghiệp, sáp nhập, mua bán nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, mua bán hóa đơn…
Vì vậy, đại biểu cho rằng, cần có cơ chế bảo đảm tính xác thực, hợp pháp của hồ sơ thành lập doanh nghiệp. Ông Tân đề nghị bổ sung quy định về các trường hợp phải công chứng, như hồ sơ thành lập doanh nghiệp, điều lệ doanh nghiệp, các biên bản họp hội đồng quản trị, đại hội cổ đông, hội đồng thành viên trong doanh nghiệp.
Đại biểu khẳng định, quy định này sẽ mang lại nhiều lợi ích, trong đó, khắc phục tình trạng giả chữ ký, giảm tiêu cực…
Cũng phát biểu về nội dung này, đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga (đoàn Trà Vinh) đề nghị bổ sung thêm quy định về công chứng điều lệ doanh nghiệp, thỏa thuận góp vốn trong việc thành lập doanh nghiệp.
Theo bà Hằng, quy định này là cần thiết nhằm đảm bảo pháp lý cho các giao dịch quan trọng trong dân sự kinh tế. “Thực tế các doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế hợp đồng, điều lệ doanh nghiệp là một bản hợp đồng có giá trị lớn, ảnh hưởng đến quyền lợi nhiều người…”, bà Nga phân tích.
Tuy nhiên, những giao dịch cam kết dân sự nhằm hình thành nên doanh nghiệp, cũng như việc sáp nhập, thay đổi doanh nghiệp lại chưa được quy định công chứng bắt buộc.
Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga. Ảnh: Quốc hội
Việc bổ sung quy định chứng nhận điều lệ doanh nghiệp nhằm để tránh tình trạng giả mạo chữ ký trong hồ sơ, tài liệu thành lập doanh nghiệp. Từ đó, hạn chế việc khai khống vốn điều lệ, hợp thức hóa hành vi rửa tiền, mua bán hóa đơn thông qua thành lập khống doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc quy định này cũng hạn chế tình trạng thành lập hàng loạt “công ty ma” làm ăn phi pháp. Bà Nga nêu, khi cơ quan chức năng phát hiện những “công ty ma” này tổ chức buôn lậu, mua bán hóa đơn giá trị gia tăng, có thực tế giám đốc là xe ôm, bán bún bò. Hàng trăm container vô chủ tồn đọng ở các cảng, trong đó không ít lô hàng của “công ty ma”.
Vì vậy, bà Nga nêu sự cần thiết của việc bắt buộc công chứng điều lệ doanh nghiệp, hồ sơ thành lập doanh nghiệp và các biên bản họp của hội đồng quản trị, đại hội đồng cổ đông để góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an ninh kinh tế.
Đề xuất công chứng được khai thác thông tin vân tay, mống mắt
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) cho biết, hiện nay, phần lớn các phòng công chứng chỉ có một công chứng viên vừa thực hiện nhiệm vụ của công chứng viên, vừa kiêm nhiệm trưởng phòng.
Theo đại biểu, việc không thu hút được công chứng viên làm việc, gắn bó lâu dài với văn phòng công chứng là do chưa có sự cạnh tranh về chế độ đãi ngộ cũng như tiền lương, tiền thưởng. Trường hợp công chứng viên nghỉ việc, trong khi phòng công chứng chỉ có một công chứng viên, thì khó có thể duy trì hoạt động liên tục.
Đại biểu đề nghị bổ sung trường hợp tạm ngừng hoạt động của văn phòng công chứng và phương án xử lý các vấn đề phát sinh về hoạt động của phòng công chứng, giải quyết yêu cầu công chứng trong thời gian tạm ngừng hoạt động.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân. Ảnh: Quốc hội
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị bổ sung việc liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu và quyền khai thác cơ sở dữ liệu vào dự thảo luật theo hướng cho phép các tổ chức hành nghề công chứng được quyền kết nối, chia sẻ và khai thác cơ sở dữ liệu, thông tin sinh trắc học như ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt. Việc này nhằm hỗ trợ việc xác thực cá nhân một cách chính xác, chống lại hành vi mạo danh trong hoạt động công chứng nhưng không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc) cũng đề nghị xem xét quy định công chứng được kết nối cơ sở dữ liệu dân cư ở các trường hợp sinh trắc học, vân tay, mống mắt mà không liên quan ảnh hưởng đến an ninh. Đại biểu cho rằng, việc này nhằm xác định chủ thể khi tham gia giao dịch công chứng. Khi sử dụng thì phải trả tiền theo lượt khai thác, do các Bộ Tài chính, Công an, Tư pháp quy định cụ thể.
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh cũng cho rằng, quy định như vậy sẽ thuận lợi, chính xác, an toàn cho hoạt động công chứng, đồng thời không lãng phí tài sản xã hội.
Vietnamnet.vn