Bất ngờ phát hiện ung thư tuyến giáp
Chị L.T.K (SN 1984, trú tại Mỹ Đức, Hà Nội) tìm đến khám tại Bệnh viện K bởi khoảng 2 tuần gần đây, chị thường thấy đau tức vùng cổ trước, ăn uống hay bị nghẹn, cảm giác như có vật gì đè lên cổ, dù không sốt, không nôn.
Bác sĩ Bệnh viện K khám tuyến giáp cho một người bệnh.
Siêu âm vùng cổ, cùng các xét nghiệm sinh hóa, chị được chỉ định chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ. Kết quả khẳng định chị K ung thư tuyến giáp, cần phẫu thuật cắt hoàn toàn tuyến giáp.
Còn trường hợp anh N.V.P (20 tuổi, trú tại Phú Thọ) cùng một người thân bất ngờ phát hiện có ung thư tuyến giáp cho dù không có bất kỳ biểu hiện bất thường nào. Theo lời anh P, vì đang chăm mẹ điều trị ung thư tuyến giáp tại Bệnh viện K nên anh cùng một người thân tranh thủ kiểm tra sức khỏe.
Tuy nhiên, cả hai người bất ngờ khi nhận thông tin từ bác sĩ đều có u tuyến giáp. Kết quả sinh thiết cho thấy, cả hai cùng mắc ung thư tuyến giáp thể nhú và được chỉ định phẫu thuật nội soi cắt thùy tuyến giáp qua đường tiền đình miệng kèm theo nạo vét hạch cổ trung tâm. Như vậy, trong gia đình anh P cùng lúc có 3 người phát hiện bị ung thư tuyến giáp.
Tương tự, là trường hợp chị M.T.M (Hà Nội) đã phát hiện mắc ung thư tuyến giáp thể nhú trong lần khám sức khỏe định kỳ. Chị M được chỉ định phẫu thuật cắt tuyến giáp và nạo vét hạch cổ.
Sau đó một thời gian, mẹ và em trai của chị đi khám cũng phát hiện ung thư tuyến giáp thể nhú khi chưa có các biểu hiện bất thường. Cả hai được chỉ định phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, vét hạch cổ, uống iod phóng xạ.
Ai nên tầm soát ung?
Tại Bệnh viện K không hiếm trường hợp trong một gia đình và cùng mắc ung thư tuyến giáp.
TS.BS Ngô Xuân Quý, Trưởng khoa Ngoại đầu cổ, Bệnh viện K cho biết: Phần lớn bệnh nhân ung thư tuyến giáp đến khám và điều trị tại Bệnh viện K do tình cờ phát hiện hoặc khám sức khỏe định kỳ mà thường không có triệu chứng đặc hiệu.
Điều trị bệnh lý ung thư nói chung và ung thư tuyến giáp nói riêng cần phối hợp nhiều phương pháp. Đối với ung thư tuyến giáp, phẫu thuật đóng vai trò chủ đạo. Ngoài ra, các phương pháp khác như iod phóng xạ, liệu pháp nội tiết cũng góp phần không nhỏ trong kế hoạch điều trị. Tùy vào tình trạng của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định kế hoạch điều trị khác nhau.
BS Ngô Xuân Quý
Tuy nhiên, ở một số trường hợp khác, người bệnh đến viện trong tình trạng khối u, hạch vùng cổ có kích thước lớn, xâm lấn rộng gây chèn ép các cơ quan xung quanh như khí quản, thực quản, dây thần kinh thanh quản quặt ngược gây ra các triệu chứng tương ứng như khó thở, nuốt vướng, khàn tiếng…
Để tầm soát phát hiện ung thư tuyến giáp, theo BS Ngô Quốc Duy, Phó trưởng Khoa ngoại đầu cổ, Bệnh viện K, những người trẻ nên khám sức khỏe tổng quát 1 năm/lần, đặc biệt với những ai có yếu tố nguy cơ cao như có bố mẹ, anh chị em ruột mắc ung thư tuyến giáp hoặc có tiền sử xạ trị vùng cổ trước đó.
Ngoài ra, khi sờ thấy hoặc nhìn thấy có khối xuất hiện vùng cổ hoặc có triệu chứng khàn tiếng, nuốt khó, nuốt vướng… người bệnh nên tới ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn.
Phòng tránh cách nào?
Dù là bệnh ung thư, nhưng ung thư tuyến giáp thường có tiên lượng tốt. Thời gian sống thêm thường rất dài, bệnh nhân được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm có thể khỏi bệnh. Bên cạnh đó, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau điều trị cũng ổn định.
Để phòng tránh ung thư tuyến giáp, theo BS Duy, biện pháp tốt nhất là nâng cao thể lực và kiến thức sức khỏe.
Theo đó, cần xây dựng thói quen ăn uống khoa học: Uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, hoa quả; hạn chế các thực phẩm chiên, rán, nướng, ướp muối, đồ ăn đóng hộp, chế biến sẵn… bởi đây là những món ăn không tốt cho cơ thể và là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh lý ung thư.
Cùng đó, nên vận động thể lực 30 phút mỗi ngày, vừa giúp cơ thể dẻo dai, tăng cường sức đề kháng, vừa giảm căng thẳng, mệt mỏi. Trang bị kiến thức về ung thư tuyến giáp và các bệnh ung thư khác để chủ động bảo vệ sức khỏe cũng như phát hiện sớm bệnh ác tính.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/ung-thu-tuyen-giap-ngay-cang-tre-hoa-192240426001706599.htm