Đoàn công tác chúng tôi có mặt ở cầu cảng Hải đoàn 129 (Quân chủng Hải quân). Nắng ấm trải dài trên bờ biển biếc xanh. Bóng người nhộn nhịp qua lại. Họ là những cán bộ, chiến sĩ Hải quân chuẩn bị cho hải trình ra khơi làm nhiệm vụ. Trong phút giây luyến lưu có cái bắt tay thật chặt, nồng ấm của đồng đội, có cái ôm hôn thắm thiết của người thân. Tôi vui bước cùng người chiến sĩ, hân hoan xen chút hồi hộp với hành trình ra biển.
Sóng vỗ thân tàu Trường Sa 04 (Hải đội 1, Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân). Tàu kéo 3 hồi còi rộn rã rồi rẽ sóng để lại luồng nước tung bọt trắng lóa. Hơn 200 hải lý nhọc nhằn, tàu thả neo gần Nhà giàn DK1/15 Phúc Nguyên. Sóng vươn cao ngạo nghễ như muốn thách thức. Gió ào ào như muốn bứt người xuống biển. Phải thú thực rằng tác nghiệp trong điều kiện này vô cùng vất vả, chỉ đứng không thôi đã rất khó khăn. Chưa kể chặng đầu ra biển, tôi và nhiều đồng nghiệp bị say sóng. Thế nhưng vì nhiệm vụ, tất cả đều cố gắng. Đoàn công tác khẩn trương làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ nằm lại giữa biển khơi. Lễ vật đủ đầy, khói hương ngan ngát. Tàu gióng 3 hồi còi. Cờ Tổ quốc, cờ Hải quân được kéo lên trong tiếng nhạc “Hồn tử sĩ” trầm hùng. Trong lời tưởng niệm, Đại tá Trần Hồng Hải – Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân tưởng nhớ, tri ân các liệt sĩ. Mỗi sự kiện, mỗi tên người được nhắc lại bi tráng.
Thật là linh thiêng! Cứ ngỡ chúng tôi không thể đứng vững trên mặt hầm hàng của con tàu thì biển bỗng thôi dậy sóng khi nghe lời khấn nguyện. Trời cũng ngưng những hạt mưa rơi. Phía trước là Nhà giàn DK1/15 Phúc Nguyên vững chãi, sừng sững giữa biển. Ấy thế nhưng hơn 16 năm trước, nơi đây, Nhà giàn DK1/6 đã phải gồng mình chống lại trận cuồng phong. Mùa biển động năm 1998, cơn bão số 8 tràn về kéo theo lốc xoáy. Gió vươn cao trùm lấy Nhà giàn DK1/6. Bấy nhiêu khung sắt, giá đỡ bị rung lắc dữ dội. Nhà giàn chao đảo nhưng bộ đội vẫn kiên trì bám trụ, giữ vững thông tin liên lạc. Bão tố thì hung tàn mà sức người thì có hạn, nhà giàn bị đổ. Chín đồng chí bị hất tung xuống biển. Lực lượng cứu hộ đã làm hết sức nhưng chỉ cứu được sáu đồng chí… Sau khi nghe lời khấn nguyện, tôi đứng bên mạn tàu nhẹ nhàng thả những bông cúc vàng theo sóng ra xa, tri ân lớp người đi trước đã hy sinh vì Tổ quốc.
Đêm lênh đênh trên biển đem đến cảm giác thật khác lạ. Tôi nằm thao thức, trằn trọc. Sóng đánh mạnh, nằm dưới sàn tàu mà người lúc trôi qua phải, lúc sang trái. Nhìn qua cửa tàu là một màu đen thẫm không phân định trời – biển. Chỉ có ánh đèn trên tàu hắt xuống loang loáng những con sóng.
Qua một đêm, tàu tới Nhà giàn DK1/11 khu vực bãi Tư Chính. Thiếu tá Trần Văn Hải – Thuyền trưởng, Tàu Trường Sa 04 hạ lệnh thả neo. Máy tời dây xích khùng khục chạy. Mỏ neo hạ độ sâu rà dưới lòng biển mắc lại. Con tàu như chiến mã được thắng dây cương bởi người chỉ huy dạn dày kinh nghiệm phong ba. Anh Hải tự hào khi kể về lịch sử 32 năm của tàu Trường Sa 04 với nhiều nhiệm vụ quan trọng. Chuyến ngắn thì mươi ngày vận tải hàng hóa, chuyến dài thì lên đến cả trăm ngày khi tàu thực thi nhiệm vụ canh trực bảo vệ chủ quyền, xua đuổi tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam.
Những khi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứn nạn, tàu vẫn bám trụ lại, đối mặt với bão dông. Có trận, sóng đánh cao mù mịt từ buồng lái đến chân cẩu, không nhìn thấy mặt biển, tàu phải đi bằng ra-đa kết hợp với trang thiết bị máy móc. Thiếu tá Hải kể lại dịp cuối năm 2023 vừa hoàn thành nhiệm vụ trực bảo vệ chủ quyền trở về đất liền thì áp thấp tràn xuống biển Đông. Sóng gió nổi lên, tàu phải tăng tốc chạy. Tàu đè sóng tiến về phía trước, áp thấp ào ào đuổi theo sau. Cuộc đua ấy, tàu đã thắng để kịp vào bờ an toàn. Thế mới biết các tàu làm nhiệm vụ cũng căng thẳng, hiểm nguy như bước vào trận chiến.
Xuôi về bãi cạn Cà Mau, Nhà giàn DK1/10 dần hiện dưới ánh bình minh. Từ xa, tôi đã thấy cán bộ, chiến sĩ nhà giàn đứng xếp hàng ngang. Hai đồng chí cầm cờ Tổ quốc nhiệt tình phất qua, phất lại. Thế rồi, những cánh tay giơ lên vẫy chào rất lâu. Đón chúng tôi trong phòng sinh hoạt chung, cả nhà giàn rộn tiếng nói cười. Ôi chao là thân thuộc, gần gũi như ở gia đình. Tuy nhà giàn độc lập giữa trùng khơi nhưng nền nếp xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật dược duy trì nghiêm túc. Ngoài nhiệm vụ canh trực sẵn sàng chiến đấu, đơn vị tổ chức huấn luyện chuyên môn, học tập chính trị, làm tốt công tác hậu cần kỹ thuật, bảo trì nhà giàn chống tác động của môi trường biển.
Cứ nhìn vào những giá sách ngay ngắn, chồng sổ tay đảng viên, sổ sinh hoạt được ghi chép cẩn thận, chữ đều tăm tắp là đủ biết bộ đội tỉ mỉ như thế nào. Qua lời tâm sự của Thiếu tá Phạm Văn Sinh – Chính trị viên Nhà giàn DK1/10, tôi được biết, điều khó khăn của nhà giàn là độc lập giữa biển khơi. Thế nên chỉ có kỷ luật nghiêm, ý thức tự giác cùng với tinh thần thép mới giúp những người lính nhà giàn vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió.
Thật ấm áp biết bao khi ở nơi xa, bộ đội Nhà giàn DK1 luôn nhận được sự quan tâm từ đất liền. Đến nay, các nhà giàn ở thềm lục địa được nâng cấp, củng cố ngày càng vững chãi. Đời sống cán bộ, chiến sĩ vì thế cũng được nâng lên rất nhiều, là cơ sở để bộ đội yên tâm công tác.
Được đến thăm các nhà giàn thuộc Tiểu đoàn DK1, tôi thấy chộn rộn bao cảm xúc khó tả. Thật tự hào biết bao giữa muôn trùng sóng gió, các nhà giàn vẫn sừng sững đứng đó, tựa những bông hoa thép hiên ngang đón ánh nhật hồng. Trong suốt hành trình tác nghiệp, tôi đã ghi chép thật nhiều công việc, sinh hoạt, tình cảm của bộ đội nhà giàn. Lần đầu đi biển, bản thân gặp những khó khăn nhất định nhưng cũng không thấm gì so với những vất vả mà người chiến sĩ Hải quân công tác giữ trùng khơi. Thế nên, tôi dành những dòng viết về những người lính canh giữ biển biếc quê hương với tấm lòng tri ân sâu sắc, cầu chúc các anh luôn vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Vũ Duy
Nguồn: https://www.congluan.vn/nha-bao-vu-duy-bao-quan-doi-nhan-dan-hanh-trinh-ra-giua-trung-khoi-post299603.html