Yonhap đưa tin các cuộc đàm phán về Thỏa thuận các biện pháp đặc biệt (SMA) sẽ diễn ra tại Seoul từ ngày 25 – 27.6, do ông Lee Tae-woo – trưởng đoàn đàm phán của Hàn Quốc và bà Linda Specht – trưởng đoàn đàm phán của Mỹ chủ trì. Cuộc đàm phán sắp tới diễn ra khoảng 2 tuần sau khi họ tổ chức vòng đàm phán thứ 3 ở Washington.
“Chúng tôi dự định tiến hành các cuộc đàm phán dựa trên quan điểm rằng, phần chi phí quốc phòng của chúng tôi phải ở mức hợp lý để tạo môi trường cho lực lượng Mỹ đóng quân ổn định tại Hàn Quốc và tăng cường thế trận phòng thủ chung Hàn – Mỹ”, quan chức của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc phát biểu.
Hàn Quốc và Mỹ đã khởi động các cuộc đàm phán sớm hơn dự kiến vào tháng 4 để tránh cuộc mặc cả cứng rắn với Washington trong kịch bản cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Hai bên từng tranh cãi về việc chia sẻ chi phí trong các cuộc đàm phán trước đây dưới thời ông Donald Trump, vì Washington đã yêu cầu Seoul tăng gấp 5 lần khoản thanh toán lên 5 tỉ USD.
Theo SMA mới nhất, Hàn Quốc đã đồng ý tăng 13,9% khoản thanh toán lên 1,03 tỉ USD cho năm 2021 và tăng khoản thanh toán hằng năm trong 4 năm tiếp theo để phù hợp với sự gia tăng chi tiêu quốc phòng của Seoul. Vào đầu những năm 1990, Hàn Quốc cũng chia sẻ gánh nặng chi phí triển khai quân đội Mỹ để tài trợ cho lao động địa phương, xây dựng các cơ sở quân sự và hỗ trợ hậu cần khác.
Triều Tiên cảnh báo răn đe mới
CHDCND Triều Tiên hôm nay 24.6 lên án việc Mỹ gửi một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân tới bán đảo Triều Tiên, đồng thời cảnh báo sẵn sàng thực hiện các biện pháp răn đe “mới và mạnh mẽ” chống lại một hành động khiêu khích như vậy. Theo hãng thông tấn KCNA, Thứ trưởng Quốc phòng Triều Tiên Kim Kang-il chỉ trích Washington và Seoul chơi trò chơi “rất nguy hiểm” nhằm phô trương sức mạnh.
Hải quân Hàn Quốc hôm 22.6 thông báo tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Theodore Roosevelt của hải quân Mỹ đã đến căn cứ hải quân Busan (Hàn Quốc) để tham gia cuộc tập trận quân sự chung, đồng thời thể hiện thế trận phòng thủ chung mạnh mẽ của liên minh Mỹ – Hàn để đối phó tốt hơn các mối đe dọa.
Tàu USS Theodore Roosevelt đến Hàn Quốc khoảng 7 tháng sau khi một tàu sân bay khác của Mỹ là USS Carl Vinson cũng đến nước này.
Nguồn: https://thanhnien.vn/han-quoc-my-dam-phan-chia-se-chi-phi-quoc-phong-trieu-tien-canh-bao-moi-185240624210245054.htm