Rà soát, sửa đổi để phù hợp với thực tiễn
Tham gia thảo luận, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương nêu rõ, qua một thời gian dài thực hiện, Luật Thuế giá trị gia tăng bộc lộ những bất cập, hạn chế nhất định, nhiều nội dung không còn phù hợp thực tế. Vì vậy, việc sửa đổi Luật là cần thiết, nhằm hoàn thiện chính sách, phù hợp mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và Đề án định hướng Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân, người dân và doanh nghiệp. Liên quan tới đối tượng không chịu thuế, Điều 5 dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan, đảm bảo nhất quán thuật ngữ, khái niệm quy định tại các luật chuyên ngành (Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi, Luật Thủy sản, Luật Các tổ chức tín dụng…)
Theo Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, việc rà soát, sửa đổi quy định về đối tượng không chịu thuế theo hướng loại bỏ hoặc bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ so với quy định hiện hành để phù hợp với thực tiễn là rất cần thiết.
Tuy nhiên, bên cạnh các trường hợp không phải nộp thuế giá trị gia tăng đầu ra nhưng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, thì hiện còn một số trường hợp khác (tổ chức, cá nhân chuyển nhượng dự án đầu tư để sản xuất – kinh doanh hàng hóa, hợp tác xã…).
Chính vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình, làm rõ hơn cơ sở pháp lý và đánh giá tác động đối với việc xác định trường hợp đã được quy định tại Nghị định 209/2013/NĐ-CP (mà không được tiếp tục cho phép khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào và đầu ra) không phải tính thuế giá trị gia tăng như dự thảo Luật xác định.
Bảo đảm tính thống nhất giữa các luật
Góp ý cụ thể về người nộp thuế (Điều 4), đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, tại khoản 1, Điều 2 Luật Quản lý thuế quy định, người nộp thuế bao gồm: tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Để đảm bảo tính thống nhất giữa Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Quản lý thuế, đại biểu đề nghị thay từ “Hộ” bằng cụm từ “hộ gia đình, hộ kinh doanh”.
Về đối tượng không chịu thuế (Điều 5), đại biểu đề nghị làm rõ cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh khi mua các sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi… như quy định thì có thuộc đối tượng không chịu thuế không? Đồng thời làm rõ cơ sở pháp lý tại sao các đối tượng này khi mua các sản phẩm theo quy định tại khoản 1 không phải tính, nộp thuế giá trị gia tăng nhưng lại được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.
Về thuế suất (Điều 9), tại điểm d khoản 2 về mức thuế suất 5%, quy định: sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường, trừ các sản phẩm quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật này.
Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 5 quy định về đối tượng không chịu thuế: sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt, bán ra và ở khâu nhập khẩu. Do đó, đại biểu đề nghị xem lại quy định tại khoản 2, Điều 9 đang có sự mâu thuẫn với quy định tại khoản 1 Điều 5 về mức thuế suất.
Về khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào (Điều 14), tại điểm c khoản 2 quy định: đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, ngoài các điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản này còn phải có: hợp đồng ký kết với bên nước ngoài về việc bán, gia công hàng hóa, cung ứng dịch vụ; hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ; chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt; tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu; phiếu đóng gói, vận đơn, chứng từ bảo hiểm hàng hóa (nếu có); trừ một số trường hợp đặc thù theo quy định của Chính phủ.
Đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, quy định như vậy sẽ gây khó khăn cho người nộp thuế. Đại biểu đề nghị bỏ nội dung về chứng từ bảo hiểm hàng hóa.
Xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8
Giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thuế VAT có phạm vi điều tiết rất rộng và đánh vào hầu hết các loại hàng hóa và dịch vụ nên sẽ liên quan đến lợi ích của nhiều nhà sản xuất, kinh doanh.
Vì vậy, quy định trong dự thảo cần làm thế nào để đảm bảo cho sản xuất phát triển, thương mại phát triển, từ đó quy định thống nhất theo đúng Chiến lược thuế theo nghị quyết của Đảng, nên ban soạn thảo nghiên cứu hết sức chặt chẽ và đánh giá tác động của từng vấn đề liên quan đến chính sách thuế VAT, bao quát được các nguồn thu, phù hợp với thông lệ quốc tế…
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng để khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương của Đảng về việc sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn với cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế và áp dụng mức thuế suất hợp lý.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến xác đáng vào nhiều điều khoản cụ thể. Theo đó, cần nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự thảo Luật, rà soát tên để dự thảo Luật bám sát mục tiêu đặt ra trong các Nghị quyết của Đảng, Chiến lược cải cách hệ thống thuế, lộ trình tiến tới áp dụng một loại thuế suất, tính khả thi thực tế và cụ thể của các điều khoản quy định trong dự thảo luật, các nội dung giao Chính phủ, các bộ quy định, sự phù hợp, tương thích của dự thảo Luật với các luật có liên quan.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan, nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường và các ý kiến phát biểu tại tổ để tiếp thu, hoàn thiện Dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/dai-bieu-quoc-hoi-ra-soat-sua-doi-quy-dinh-ve-doi-tuong-khong-chiu-thue.html