Những kỷ lục “vô tiền khoáng hậu”
Không ngoài dự đoán, album liên tục đạt được những thành tích “khủng” về lượt nghe trực tuyến cùng lượng đĩa bán ra. Chỉ trong 12 giờ đầu, kỷ lục lượt nghe trực tuyến nhiều nhất trên ứng dụng nghe nhạc Spotify đã bị xô đổ (xác lập trước đây bởi chính nữ ca sĩ cùng album Midnights đạt 185.58 triệu lượt nghe), và dễ dàng trở thành album được nghe nhiều nhất ngày đầu ra mắt khi mang về 314,52 triệu lượt.
Cùng với đó, album chắc chắn sẽ chễm chệ trên vị trí đầu của Bảng xếp hạng 200 album Billboard (Billboard 200) với doanh số bán đĩa được dự đoán tuần đầu lên đến 3 triệu bản – thành tích tốt nhất năm 2024 tính đến thời điểm hiện tại.
Bài đăng công bố album “The Tortured Poets Department” trên Facebook đạt hơn 1 triệu lượt tương tác. Ảnh: Facebook Taylor Swift
Thành công thương mại của album lần này, một lần nữa chứng minh Taylor Swift đang là nghệ sĩ “ăn khách” nhất thế kỷ 21 khi các hoạt động đều được ủng hộ với lượng người hâm mộ hùng hậu. Tour lưu diễn vòng quanh thế giới “The Eras Tour” khởi động từ năm 2023 trở thành tour diễn âm nhạc bán chạy nhất lịch sử khi toàn bộ các buổi biểu diễn khắp 5 châu lục đều cháy vé.
Dự kiến, sau khi buổi biểu diễn cuối cùng kết thúc, “The Eras Tour” sẽ thu về 2 tỷ đô la Mỹ – con số kỷ lục đối với bất kỳ nghệ sĩ nào ở thời điểm hiện tại.
Là ngôi sao được săn đón liên tục, hiệu ứng album mới càng được trông đợi. Đội ngũ truyền thông của Taytay (tên gọi khác của Taylor Swift) đã không từ bỏ một cơ hội nào để quảng bá cho lần trở lại này. Nổ “phát súng” đầu tiên tại Giải Grammy lần thứ 66 diễn ra vào ngày 4/2/2024 (giờ địa phương), Taylor bất ngờ công bố lịch ra mắt album “The Tortured Poets Department” ngay sau khi nhận giải thưởng “Album nhạc Pop xuất sắc nhất” cho Midnights.
Thông tin ngay lập tức chiếm sóng khi leo lên #1 Trending X tại Mỹ và toàn cầu. Cùng đêm đó, Midnights mang về giải thưởng danh giá nhất “Album của năm”, khiến thông tin về album mới của Taylor nóng hơn bao giờ hết.
Chớp lấy thời cơ khi mọi sự chú ý đang đổ dồn về mình, Taylor Swift công bố album mới ngay trên sân khấu giải Grammy sau khi mang về tượng vàng cho “Album nhạc Pop xuất sắc nhất”. Ảnh: CNBC
Sau khi công bố ngày ra mắt, Taylor lần lượt tiết lộ thêm các thông tin về 4 phiên bản đĩa than khác nhau với tên gọi lần lượt: “The Bolter”, “The Albatross”, “The Black Dog” và “The Manuscript”. Đây là một hình thức không quá mới lạ của các hãng đĩa và nghệ sĩ với mục đích tăng lượng mua các ấn phẩm nhằm trực tiếp đóng góp vào doanh số bán đĩa.
3 ngày trước khi album được “thả xích”, đội ngũ của nữ ca sĩ dựng một thư viện mini tại Trung tâm mua sắm The Groove (Los Angeles) với những “chi tiết ẩn dụ” (easter egg) được sắp đặt trong từng kệ sách, chiếc bàn hay máy đánh chữ. Song song đó, hàng loạt biển quảng cáo tại các con phố lớn trên khắp hành tinh được lấp đầy bởi hình ảnh bìa album.
“The Tortured Poets Department”. (Nguồn: YouTube Taylor Swift)
Trên các ứng dụng, đội ngũ Taylor Swift đã hợp tác với Instagram và Threads để đếm ngược ngày album được phát hành. Còn với Apple Music, Taylor công bố 5 danh sách nhạc tương ứng với 5 giai đoạn của nỗi buồn (Chối bỏ, Tức giận, Thương lượng, Chán nản, Chấp nhận). Với YouTube, đội ngũ quảng bá album khiến cả thế giới cùng chơi giải ô chữ khi mỗi mã QR tại các thành phố trên thế giới tiết lộ một chữ cái trong cụm chứa thông tin bí mật.
Rầm rộ trong công tác quảng bá, sự ngóng chờ của công chúng yêu âm nhạc 2 tháng qua chỉ đổ dồn về một cái tên “Taylor Swift”. Cuối tuần qua, sự trông đợi chính thức chấm dứt, người hâm mộ đắm chìm trong 31 ca khúc bởi “Hội trưởng Hội những nhà thơ bị tra tấn”.
Thư viện mini với nhiều “bí mật” về album được Taylor Swift kết hợp cùng Spotify quảng bá trước ngày album được phát hành trên các nền tảng. Ảnh: WABE
Album mới, chất liệu cũ
Xuyên suốt 16 ca khúc trong bản album tiêu chuẩn, cùng 15 ca khúc bản mở rộng (“The Tortured Poets Department: The Anthology”), người hâm mộ âm nhạc như được “gặp lại” 3 album phòng thu gần nhất của Taylor Swift: “folklore”, “evermore” và “Midnights”. Không quá khó hiểu khi đây đã lần hợp tác thứ 4 liên tiếp giữa cô nàng với 2 nhà sản xuất âm nhạc quen thuộc: Jack Antonoff và Aaron Dessner.
Bộ ba Taylor – Jack – Aaron đã phối hợp vô cùng nhịp nhàng khi 2 trong 3 album trước được Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Thu âm Quốc gia Hoa Kỳ trao tặng giải thưởng danh giá nhất làng nhạc – Giải Grammy cho Album của năm. Thế nhưng, sự phối hợp lần này đang cho thấy, Taylor cần sớm bước khỏi vùng an toàn trước khi những nhạc phẩm của cô lún sâu vào những câu chuyện tình yêu hợp rồi lại tan, cùng phần sản xuất âm nhạc thiếu tính đột phá.
Mỗi nghệ sĩ đều nên có cho mình một phong cách, một định hướng nghệ thuật để khán giả có thể nhớ đến. Cũng chính đường hướng đó sẽ là thử thách lớn nhất với bất kỳ ai làm nghệ thuật, làm thế nào để đa dạng hóa phong cách nhưng không quá đại trà, làm thế nào để có cho mình một lối đi riêng những vẫn nhận được ủng hộ từ đông đảo công chúng?
Taylor đã 2 lần thành công chuyển mình khi đi từ danh hiệu “công chúa nhạc đồng quê” chinh phục dòng nhạc Pop nhiều thử thách để rồi gây bất ngờ với album đậm chất Indie folk/Alternative rock. Lần này, cô nàng đang “mắc kẹt” với chất nhạc synth-pop có phần cũ kỹ bởi lối sản xuất thiếu tính bước ngoặt của bộ đôi Jack Antonoff và Aaron Dessner.
Laura Molloy – Nhà phê bình âm nhạc của tạp chí NME (New Music Express) viết: “Về mặt âm nhạc, đây là một album hầu như không có bất kỳ sự thay đổi hoặc cải cách đáng chú ý nào về phong cách. Nó chủ yếu chuyển sang một bảng màu đơn sắc – một thể loại nhạc pop tổng hợp mang thương hiệu Jack Antonoff như “Midnights”, nhưng vẫn khó có thể sánh được như những gì album trước đây từng làm được”.
Bộ ba “hợp cạ” Aaron Dessner – Taylor Swift – Jack Antonoff (từ trái sang phải) quay trở lại trong lần thứ 4 liên tiếp hợp tác cùng nhau. Ảnh: Music Mundial
Nhìn lại những đĩa nhạc trước đây như “1989” hay “Reputation”, người hâm mộ dễ dàng nhớ đến giai điệu bắt tai dễ nhớ nhưng cũng không kém phần điệu nghệ với mỗi ca khúc mang một đặc trưng riêng. “Hội những nhà thơ bị tra tấn” không như thế, những tiếng trống dồn cùng nhịp đàn synthesizer lặp lại làm cho các bài hát khó có những điểm nhấn nổi bật. Không những thế, người hâm mộ còn phát hiện sự tương đồng giữa ca khúc “I Can Do It With a Broken Heart” với “Mastermind” từ album “Midnights” hay “Cassandra” như một bản phối ăn theo “mad woman” của album “folklore”.
Trình độ kể chuyện qua lời bài hát của Taylor Swift là không cần bàn cãi khi hầu hết các ca khúc cô sáng tác đều phản ánh những giai đoạn cuộc đời mà khán giả có thể thấy được. Với “The Tortured Poets Department”, nó lại được nâng cấp với những ca từ vô cùng thi vị khiến người nghe phải liên tục tra từ điển bởi vốn từ vựng đa dạng, đặc sắc được sử dụng trong lời bài hát. Tuy vậy, món ăn ngon chỉ nên ăn vừa đủ.
Không như một album bình thường với độ dài hơn 1 giờ đồng hồ, bản thu âm “Hội những nhà thơ bị tra tấn” cộng gộp 2 phiên bản, Taylor giằng xé với những tâm tư trong tận hơn 2 tiếng qua 31 ca khúc hầu hết cùng một chủ đề “tình yêu tan vỡ”.
Quá chiều lòng fan bởi số lượng bài hát, Taylor khiến người nghe “bội thực” trong sự tan vỡ của mối tình 6 năm với nam diễn viên người Anh – Joe Alwyn; mối tình chóng vánh với nam ca sĩ nhóm nhạc 1975 – Matty Healy và mới đây nhất, chuyện tình rúng động giới thể thao của cô cùng Travis Kelce – cầu thủ bóng bầu dục chơi cho đội Kansas City Chiefs.
Sau Joe Alwyn, người hâm mộ đang đồn đoán rằng album tiếp theo của Taytay sẽ xoay quanh chuyện tình giữa cô và nam cầu thủ bóng bầu dục Travis Kelce. Ảnh: Music Mundial
Dẫu đã thêm vào một số ca khúc không chứa đựng sự bi đát của tình yêu đôi lứa như “Clara Bow” – kể về gánh nặng của những nữ nghệ sĩ trong ngành công nghiệp âm nhạc hay “thanK you aIMee” – ám chỉ Kim Kardashian về vụ bê bối giữa Taylor với chồng cũ Kim (rapper Kanye West). Các khoảng nghỉ ngắn đó không đủ để người nghe “chữa lành” sau những lời kể lể, oán trách những người đàn ông là nguồn cảm hứng âm nhạc hàng đầu của nữ ca sĩ.
Chính cô nàng cũng tự viết trong bài thơ tựa đề của album: “Một nụ cười nhếch mép hiện lên trên khuôn mặt của nhà thơ này, bởi chính những người đàn ông tồi tệ nhất sẽ khiến tôi viết hay nhất” (nguyên văn tiếng Anh: “A smirk creeps onto this poet’s face /Because it’s the worst men that I write best”).
Trải qua những biến cố, Taylor vẫn đang dùng âm nhạc là một liệu pháp chữa lành cho bản thân, cô cho biết: “Đó thực sự là một cứu cánh đối với tôi – những điều tôi đã trải qua, những điều tôi đang viết… nó gần như nhắc nhở tôi tại sao việc sáng tác thực sự giúp tôi vượt qua những thử thách trong cuộc đời mình”.
Chắc hẳn Taylor đã thành công trong chính việc giải phóng bản thân khỏi những dằn xé nội tâm như chính chủ đề của album lần này. Câu hỏi lớn nhất lúc này mà “nàng thơ Hoa Kỳ” cần phải nhanh chóng tìm ra đáp án để tiếp tục khẳng định tên tuổi của bản thân là: Liệu rằng Taylor Swift nên tiếp tục theo đuổi âm nhạc kể chuyện tự sự về những người yêu cũ cùng chất nhạc synth-pop một màu hay nên ở ẩn một thời gian đủ dài để khiến người hâm mộ có đủ thời gian phục hồi sau khi “bị tra tấn”?
Nguồn: https://danviet.vn/the-tortured-poets-department-album-moi-cua-taylor-swift-la-mot-su-tra-tan-dung-nhu-ten-goi-20240425094326596.htm