Người “giữ hồn” truyền thống quê hương
Là làng nghề nằm trong tuyến du lịch mới “Khám phá con đường di sản Nam Thăng Long” do Sở Du lịch Hà Nội khai trương hồi tháng 4/2024, nghề dệt tơ tằm Phùng Xá, huyện Mỹ Đức với điểm đến cơ sở sản xuất của nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận (SN 1954) trở thành địa điểm hút khách du lịch.
Trước đó, xưởng dệt đón lượng khách tự phát theo các tour du lịch lẻ, thì nay nhiều đoàn du khách biết đến tuyến du lịch mới, số lượng khách tham quan trải nghiệm cũng tăng đáng kể. Đồng hành tour du lịch của Thủ đô, đòi hỏi tổ chức tour cũng phải chuyên nghiệp hơn trong cách phục vụ. Nghệ nhân Phan Thị Thuận chủ động sửa sang lại xưởng dệt, bố trí không gian phòng khách, khu vực trải nghiệm thực tế tại xưởng dệt và khu trồng sen…
Dù không trải qua lớp đào tạo hướng dẫn viên du lịch bài bản nhưng tình yêu son sắt với nghề dệt truyền thống giúp người nghệ nhân ở tuổi 70 kể rành mạch câu chuyện nghề dệt, ý tưởng bắt con tằm nhả tơ tự dệt đến nghề dệt lụa tơ sen độc đáo. Giống như “con tằm nhả tơ”, hết lòng truyền tải nét đẹp của nghề đến với du khách.
Say mê với nghề dệt, nghệ nhân Phan Thị Thuận không chỉ giữ hồn giá trị của văn hóa truyền thống còn sáng tạo nhiều sản phẩm độc, lạ, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của khách hàng. Trước sự cạnh tranh khốc liệt của nền kinh tế thị trường, làng dệt truyền thống Phùng Xá khó tránh khỏi sự thăng trầm. Quyết tâm làm “sống dậy” nghề dệt truyền thống quê hương, nghệ nhân Phan Thị Thuận không ngừng mày mò đưa ý tưởng bắt con tằm nhả tơ tự dệt, dày công nghiên cứu làm ra sợi tơ sen và dệt ra lụa tơ sen.
Với 2 sản phẩm tơ tằm và tơ sen được sản xuất bằng công nghệ mới, nghệ nhân Phan Thị Thuận thành lập Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương với mức lương trung bình 4,5 triệu đồng/1 tháng (số lượng lao động sử dụng mùa vụ 1.500 người). Sản phẩm lụa tơ sen được nhiều khách hàng Pháp, Mỹ, Nhật Bản… đặt hàng và thường đặt hàng từ trước mùa sen.
Trước đó, bà Thuận từng nhận lời mời tham gia quảng bá sản phẩm làng nghề Hà Nội tại các hội chợ du lịch, Festival du lịch nên cũng có chút ít kinh nghiệm đón ý du khách và biết nhu cầu mua sắm của du khách quốc tế Vì vậy, xưởng dệt có gian trưng bày sản phẩm để du khách đến tham quan có thể mua làm quà tặng, lưu niệm.
“Chắp cánh” tình yêu nghề truyền thống
Với tình yêu nghề, tài năng của tuổi trẻ, Nguyễn Tấn Phát (SN 1983) được UBND TP Hà Nội phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội, ngành nghề khảm trai, sơn mài năm 2017.
Từng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, nhưng chàng trai trẻ chọn “neo đậu bến quê” để khởi nghiệp. Phát huy lợi thế sẵn có của Làng cổ Đường Lâm, Nguyễn Tấn Phát xây dựng mô hình Phát Studio, nơi trưng bày sản phẩm khảm trai, sơn mài trên nền gỗ. Trong không gian nhà cổ, nghệ nhân trẻ Nguyễn Tấn Phát tận dụng từng bờ tường, góc sân để bày biện các sản phẩm thiết kế, giống như một “bảo tàng mini”.
Từ góc nhìn của người học thiết kế cùng với cái nôi thừa hưởng từ bố và ông nội là những thợ điêu khắc đình chùa, miếu mạo nên các sản phẩm khảm trai, sơn mài có hình thù riêng. Nổi bật là tác phẩm “Cổng di sản Thăng Long” đạt giải “Thiết kế sản phẩm quà tặng du lịch Hà Nội năm 2022” là một bộ sản phẩm quà tặng riêng của Hà Nội.
Tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023, không gian trưng bày sáng tạo “Sơn Tây, miền di sản” với mô hình chú trâu độc đáo tái hiện thùng lúa, mái ngói đặc trưng của Làng cổ Đường Lâm do nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát thiết kế tạo dấu ấn với du khách tham quan.
Hơn 10 năm qua, Nguyễn Tấn Phát còn được biết đến là người thầy truyền nghề mỹ thuật truyền thống miễn phí cho các em nhỏ và du khách quốc tế. Thông qua chương trình “Chuỗi ngày hoạt động yêu thương” tổ chức định kỳ hàng năm vào mỗi dịp nghỉ hè, hàng nghìn em nhỏ được tham gia hoạt động làm tranh in khắc gỗ, khách du lịch được hướng dẫn hoàn thành tác phẩm tranh khắc gỗ sơn mài.
Làng cổ Đường Lâm từng được mệnh danh làng cổ “độc nhất vô nhị” vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nhưng để giữ chân du khách đến Đường Lâm ngoài nhà cổ, chum tương, chùm đá ong, giếng làng…, nghệ nhân trẻ Nguyễn Tấn Phát trăn trở tìm hướng đi riêng.
Đó là việc “khoác áo mới” cho Làng cổ Đường Lâm từ chính các hoạt động cộng đồng, những không gian sáng tạo để gia tăng trải nghiệm cho du khách. Ngôi nhà OCOP Mông Phụ hay còn gọi là “Nghề làng” là địa chỉ tổ chức “Lớp truyền nghề mỹ thuật truyền thống miễn phí”. Tại đây, nghệ nhân trẻ Nguyễn Tấn Phát tổ chức các buổi dạy trải nghiệm miễn phí nghề truyền thống: tò he, tranh in khắc gỗ, sơn màu, gốm vào buổi sáng thứ 5, thứ 7, chủ nhật hàng tuần.
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát từng chia sẻ: “Trẻ học được nghề truyền thống sẽ giúp giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật của dân tộc. Điều này rất quan trọng trong bối cảnh nhiều nghề truyền thống đang dần mai một. Việc tham gia vào các hoạt động học nghề truyền thống, sáng tạo giúp trẻ hiểu và trân trọng hơn di sản văn hóa của dân tộc mình”.
Hà Nội là vùng đất trăm nghề, có truyền thống lịch sử nghìn năm văn hiến, kết tinh những tinh hoa văn hóa của dân tộc. Trong dòng chảy lịch sử, việc giữ hồn làng nghề truyền thống không chỉ là bảo tồn mà còn phải phát huy giá trị văn hóa đến với cộng đồng. Những nghệ nhân như bà Phan Thị Thuận hay anh Nguyễn Tấn Phát không chỉ là người “giữ hồn” làng nghề truyền thống quê hương, còn góp sức quảng bá, phát triển nghề dệt Phùng Xá, nghệ thuật sơn mài lan tỏa và vươn tầm quốc tế.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/hai-the-he-nghe-nhan-ha-noi-quang-ba-du-lich-lang-nghe.html