Xuất khẩu tuần từ 3/6-9/6: Gỗ và sản phẩm gỗ tăng 23,5%; cà phê thu về 2,9 tỷ USD Xuất khẩu tuần từ 10/6-16/6: Xuất khẩu tôm Việt Nam kỳ vọng đà tăng trưởng |
6 thị trường xuất khẩu tăng trưởng tỷ đô
Theo Tổng cục Hải quan, hết tháng 5, có 6 thị trường xuất khẩu có tăng trưởng tỷ đô gồm: Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, ASEAN, Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc.
Cụ thể, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt 44,44 tỷ USD, tăng tới 22,3% (tương ứng tăng 8,11 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 28,4% trong tổng kim ngạch cả nước. Với kết quả này, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta.
Xuất khẩu sang EU đạt 20,29 tỷ USD, tăng 14,1% (tương ứng tăng 2,52 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
6 thị trường xuất khẩu tăng trưởng tỷ đô (Ảnh minh họa) |
Trung Quốc đứng thứ 2 về quy mô kim ngạch xuất khẩu nhưng đứng thứ 3 về kim ngạch tăng thêm. Cụ thể, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 22,46 tỷ USD, tăng 10,8% (tương ứng tăng 2,19 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 14,97 tỷ USD, tăng 11,3% (tương ứng tăng 1,52 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu sang Hồng Kông (Trung Quốc) đạt 4,67 tỷ USD, tăng 38% (tương ứng tăng 1,29 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc đạt 10,21 tỷ USD, tăng 11,1% (tương ứng tăng 1,02 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung từ đầu năm đến hết tháng 5, xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 156,28 tỷ USD, tăng 14,9% (tương ứng tăng 20,23 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu 6 tháng ước tăng 13,8%
Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm ước đạt 188,97 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 11,3%).
Xuất khẩu nhóm chủ lực là công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 159,92 tỷ USD, chiếm 84,63% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ giảm 12,6%). Nông sản tiếp tục là điểm sáng về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ giảm 2,3%), tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 18,21 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2024.
Riêng mặt hàng rau quả, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay, theo số liệu ước tính của Tổng cục Hải quan, nửa đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt 3,4 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sầu riêng, thanh long, chuối và nhãn là những loại trái cây đóng góp lớn cho tăng trưởng xuất khẩu rau quả.
Cũng theo Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm, ước tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá ước đạt 369,59 tỷ USD, tăng 16,03% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục thặng dư với xuất siêu ước đạt 8,4 tỷ USD.
Xuất khẩu hạt điều của Việt Nam tăng 29,5%
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 5/2024, Việt Nam xuất khẩu hạt điều đạt 67,71 nghìn tấn, trị giá 370,34 triệu USD, tăng 1,0% về lượng và tăng 3,3% về trị giá so với tháng 4/2024, tăng 18,1% về lượng và tăng 9,0% về trị giá so với tháng 5/2023. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu hạt điều đạt 285,1 nghìn tấn, trị giá 1,53 tỷ USD, tăng 29,5% về lượng và tăng 18,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu hạt điều của Việt Nam tăng 29,5% |
Tháng 5/2024, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.469 USD/ tấn, tăng 2,2% so với tháng 4/2024, nhưng giảm 7,7% so với tháng 5/2023. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.387 USD/tấn, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 5/2024, Việt Nam tăng xuất khẩu hạt điều sang hầu hết các thị trường, ngoại trừ Anh và Canada. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam tăng xuất khẩu hạt điều sang hầu hết các thị trường, ngoại trừ Ả rập Xê út. Đáng chú ý, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang nhiều thị trường lớn ghi nhận mức tăng cao như: Nga, Trung Quốc, Đức…
Trong số 10 thị trường xuất khẩu hạt điều lớn nhất của Việt Nam trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ đứng vị trí hàng đầu với lượng xuất khẩu đạt 75,072 nghìn tấn và trị giá trên 399 triệu USD. Vị trí thứ hai là Trung Quốc với 53,334 nghìn tấn và hơn 289 triệu USD; Hà Lan đứng vị trí thứ ba với 22,088 nghìn tấn với hơn 122 triệu USD; Đức đứng vị trí thứ tư với hơn 9 nghìn tấn và kim ngạch đạt hơn 48,6 triệu USD; Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất đứng vị trí thứ 5 với 8,3 nghìn tấn và trị giá hơn 46,3 triệu USD.
Các vị trí kế tiếp gồm Anh, Canada, Australia, Ả rập Xê út, Nga. Riêng với thị trường Anh, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam kim ngạch xuất khẩu hạt điều sang thị trường này đạt hơn 8,1 triệu tấn với trị giá hơn 40,1 triệu USD, tăng 13% về lượng và tăng 5,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là thị trường đứng thứ 6 trong số các thị trường xuất khẩu hạt điều của Việt Nam.
Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn thu về hơn 562 triệu USD
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam trong tháng 5 đạt 118.438 tấn với trị giá hơn 51 triệu USD, giảm 35,4% về lượng và giảm 35,8% về trị giá so với tháng trước đó.
Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn thu về hơn 562 triệu USD |
Lũy kế trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn thu về hơn 562 triệu USD với sản lượng hơn 1,2 triệu tấn, giảm 8,4% về sản lượng nhưng tăng 6,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Xét về thị trường, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sắn lớn nhất của Việt Nam. Kể từ đầu năm đến nay, hàng xóm láng giềng đã thu mua hơn 1,13 triệu tấn sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam, kim ngạch đạt hơn 509 triệu USD, giảm 7% về lượng nhưng tăng 9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu bình quân đạt 447 USD/tấn, tăng mạnh 17%.
Đứng thứ 2 trong số các thị trường xuất khẩu sắn Việt Nam là Hàn Quốc với 27.296 tấn trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch đạt hơn 8,3 triệu USD, giảm mạnh 58% về lượng và giảm 65% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu cũng ghi nhận giảm 17%, đạt 304 USD/tấn.
Đài Loan (Trung Quốc) là thị trường đứng thứ 3 về sản lượng sắn xuất khẩu với 24.820 tấn, kim ngạch đạt hơn 13,7 triệu USD, tăng 5,2% về lượng và tăng 18% về trị giá. Giá xuất khẩu đạt 553 USD/tấn, tăng 13%.
Nguồn: https://congthuong.vn/xuat-khau-tuan-tu-176-236-6-thi-truong-tang-truong-ty-do-327468.html