Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 29/12/2023. Theo đó, giai đoạn 2021 – 2030, tỉnh Lâm Đồng sẽ phát triển trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện; xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao mang tầm khu vực Đông Nam Á.
Cụ thể, Lâm Đồng sẽ tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, tăng năng suất, đổi mới, sáng tạo; tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ; cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt 170 triệu đồng/người.
Tập đoàn TH là doanh nghiệp khát vọng phát triển vùng Tây Nguyên nói chung cũng như tỉnh Lâm Đồng nói riêng với nhiều đề án đang được xây dựng, nhiều dự án đã hoặc đang triển khai trên địa bàn. Tham dự sự kiện, Anh hùng Lao động Thái Hương, Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH đã có phát biểu, trong đó đưa ra những đề xuất nhằm phát huy các lợi thế của tỉnh phục vụ phát triển nông nghiệp, du lịch và khai khoáng.
Anh hùng Lao động Thái Hương, Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng.
Đề xuất phát triển kinh tế Lâm Đồng: Ba lĩnh vực đáng chú ý
Trước hết, nói về lĩnh vực nông nghiệp, Nhà sáng lập Tập đoàn TH cho rằng, Lâm Đồng với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng của mình rất phù hợp chăn nuôi đại công nghiệp. Thực tế đã chứng minh, TH nhiều năm qua đã phát triển đàn bò sữa rất nhanh và mạnh mẽ ở đây.
Dalatmilk – thương hiệu sữa “di sản từ cao nguyên” với trang trại tập trung đặt tại Đơn Dương, Lâm Đồng.
Tại huyện Đơn Dương, thương hiệu Dalatmilk đã tạo được dấu ấn trên thị trường từ nhiều năm qua. Ngoài chăn nuôi tập trung, TH cũng đi cùng người nông dân, đưa người dân địa phương trở thành một mắt xích trong chuỗi giá trị chăn nuôi chế biến sữa. Tại Cát Tiên, TH thông qua Dalatmilk liên kết, hợp tác với người dân trên địa bàn huyện phát triển chăn nuôi bò sữa từ năm 2022, định hướng đến năm 2030. Từ đó tạo ra lợi thế để phát triển sinh kế cho bà con, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Mô hình chăn nuôi bò sữa quy mô trang trại của nông hộ tại Cát Tiên do Tập đoàn TH hỗ trợ xây dựng, cung cấp con giống.
Lâm Đồng cũng có điều kiện phù hợp để trồng các loại cây ăn quả lâu năm, cây tính chất lâm nghiệp, lấy tinh dầu, gỗ quý, thảo dược, cây hương liệu, gia vị. Tập đoàn TH sẽ hình thành các mô hình kinh tế dưới tán rừng, trồng cây đa tầng kết hợp với chế biến sâu và trung tâm logistic…
Lĩnh vực kinh tế thứ hai mà Anh hùng Lao động Thái Hương đề cập là du lịch. Bà lấy ví dụ, khu vực Dankia – Suối Vàng là hòn ngọc của Đông Dương, có tiềm năng du lịch tuyệt vời song chưa được đầu tư xứng tầm. “Tôi đề xuất đấu thầu một cách bài bản, minh bạch, và ai đủ năng lực thì làm. Đặc biệt phải làm hạ tầng trước, phân khu các khu vực chức năng một cách bài bản và bảo tồn được 500-600 loại thảo dược quý giá ở khu vực này, hội tụ trung tâm tri thức ở đây để chăm sóc sức khỏe cho người dân”.
Lĩnh vực thứ 3 được đề cập trong phát biểu tại sự kiện của bà Thái Hương là khai khoáng. Lâm Đồng là vùng đất có nhiều loại khoáng sản với trữ lượng lớn chưa được khai thác. Theo thống kê, toàn tỉnh có 25 loại khoáng sản, trong đó Bauxite có khả năng khai thác ở quy mô công nghiệp với trữ lượng hơn 1 tỷ tấn, chất lượng quặng khá tốt. Bà Thái Hương đề xuất, khi khai thác phải đi theo kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; khai thác xong phải hoàn thổ, trồng cây có giá trị cao.
Chia sẻ kinh nghiệm thành công
Cho dù thực hiện dự án về nông nghiệp, du lịch hay khai khoáng, Nhà sáng lập Tập đoàn TH chia sẻ quan điểm xuyên suốt: “Các dự án cần triển khai với nguyên tắc lấy Mẹ Thiên nhiên làm nền tảng, con người là trọng tâm và theo hướng phát triển bền vững: cân đối môi sinh môi trường để hài hòa lợi ích, muôn loài được hạnh phúc…”.
“Trân quý Mẹ Thiên nhiên” cũng chính là kim chỉ nam dẫn lối cho thành công của dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao trị giá 1,2 tỷ USD mà TH triển khai tại Nghệ An từ năm 2009, mang đến thương hiệu sữa tươi sạch TH true MILK và góp phần đặt nền móng cho cuộc cách mạng sữa tươi tại Việt Nam.
Ông Ngô Minh Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH (đứng giữa, hàng trên) nhận Biên bản ghi nhớ ký kết với UBND tỉnh Lâm Đồng tại Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh ngày 23/6.
Nguyên tắc tiếp theo, theo bà Thái Hương, đó là “dù là dự án trồng trọt hay chế biến khoáng sản cũng áp dụng công nghệ đầu cuối tiên tiến nhất và chế biến sâu tạo ra sản phẩm với chất lượng cao và chi phí giá thành hợp lý nhất, đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế, mang lại giá trị sống đích thực cho người dân, phát huy nội lực đất nước”.
Ví dụ, đối với các dự án khoáng sản, cần yêu cầu doanh nghiệp đi theo kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn trên nền tảng phát triển bền vững, muốn vậy phải sử dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất để khai thác hiệu quả và quy hoạch cần có ngay từ khi lập đề án khai khoáng: vùng này sau khi đào lên, khai thác khoáng sản rồi thì sẽ làm gì: để phát triển trồng trọt, hay du lịch, phát triển đô thị,… để đảm bảo phù hợp, không phá vỡ quy hoạch phát triển của tỉnh.
Cần cơ chế, chính sách đặc thù cho Lâm Đồng cũng như Tây Nguyên
Các dự án cần triển khai với nguyên tắc lấy Mẹ Thiên nhiên làm nền tảng, con người là trọng tâm và theo hướng phát triển bền vững: Cân đối môi sinh môi trường để hài hòa lợi ích, muôn loài được hạnh phúc. Để khai thác hiệu quả các tiềm năng này, cần cơ chế chính sách đặc thù cho vùng Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng để các dự án phát triển theo hướng kinh tế xanh – kinh tế tuần hoàn trên nền tảng phát triển bền vững.
Anh hùng Lao động Thái Hương
Từ thực tiễn triển khai Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa TH, bà Thái Hương rút ra 3 nhóm yếu tố quyết định đến thành công của dự án. Nhóm thứ nhất là năng lực tài chính, năng lực quản trị của nhà đầu tư. Nhóm thứ 2 là vai trò của chính quyền địa phương và đặc biệt là người đứng đầu. Nhóm thứ 3 là lợi thế của vùng đất. Từ đó, xây dựng được quy hoạch chiến lược nhằm khai thác hiệu quả lợi thế đó.
Tại Lâm Đồng, bà Thái Hương cho rằng bản quy hoạch được công bố đã rất bài bản rồi. Các yếu tố còn lại nếu làm tốt thì các nhà đầu tư vào Lâm Đồng có cơ hội thành công lớn, góp phần vào thành tựu của tỉnh nhà.
Trên cương vị là nhà tư vấn và cung cấp tín dụng cho các thế hệ doanh nghiệp ứng dụng thành tựu của các cuộc cách mạng mà thế giới đã có – đó là cuộc cách mạng khoa học quản trị và khoa học công nghệ; để phát triển theo chiều hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức trên nền tảng phát triển bền vững, bà Thái Hương cho rằng Chính phủ cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng thành tựu công nghệ trong lĩnh vực của mình.
“Để khai thác hiệu quả các tiềm năng, cần cơ chế chính sách đặc thù cho vùng Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng để các dự án phát triển theo hướng kinh tế xanh – kinh tế tuần hoàn trên nền tảng phát triển bền vững” – Nhà sáng lập TH nhấn mạnh.
Nguồn: https://danviet.vn/phat-trien-kinh-te-xanh-ben-vung-cho-lam-dong-tu-goc-nhin-cua-nha-sang-lap-tap-doan-th-20240623174045887.htm