Ngành tôm vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức…
5 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã XK tôm sang 103 thị trường, mang về 1,3 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch XK tăng nhẹ so với cùng kỳ là tín hiệu tích cực tuy nhiên ngành tôm vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức khi tình hình kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi, lạm phát vẫn cao, chiến tranh chưa có hồi kết.
Với thị trường lớn của ngành tôm là Mỹ, 5 tháng đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 229 triệu USD, chỉ tăng 1% so với cùng kỳ. XK tôm sang Mỹ chỉ tăng mạnh trong tháng 1, ngược lại tháng 2, tháng 4 và tháng 5 giảm mạnh.
Tại thị trường này, lạm phát vẫn cao, các chi phí nhà ở, xăng gas… cao. Bên cạnh đó, cước tàu tăng đột biến 40% từ tháng 5 do chiến tranh ở Trung Đông và Trung Quốc gom container rỗng để dự phòng xuất hàng cho Mỹ trước kỳ hạn bị áp thuế mới. Tôm Việt Nam còn phải cạnh tranh mạnh về giá với tôm Ecuador, Ấn Độ, Indonesia trên thị trường Mỹ.
Nhu cầu NK tôm Việt Nam từ Mỹ có thể tăng nhẹ vào quý III năm nay khi các nhà NK tăng mua phục vụ nhu cầu lễ hội cuối năm.
Với thị trường EU-thị trường lớn tiếp theo, tôm Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh hơn tại thị trường EU. 5 tháng đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang châu Âu đạt 165 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ. XK tôm sang EU sau khi giảm trong tháng 2 và 3, đã phục hồi tăng trở lại trong tháng 4 và 5.
Thị trường Nhật Bản cũng nhiều dự báo cho thấy, thị trường này chỉ tăng nhập tôm từ tháng 9 để phục vụ nhu cầu cuối năm. 5 tháng đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản đạt 183 triệu USD, giảm 4% so với cùng kỳ.
Cuối cùng, tôm Việt Nam xuất vào Trung Quốc cũng cho thấy sẽ khó khăn hơn về giá. 5 tháng đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang Trung Quốc & Hồng Kông đạt 260 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ. Xuất khẩu vào khối thị trường này tăng trưởng giảm dần từ tháng 1 đến tháng 4. Sang tháng 5 có dấu hiệu giảm nhiều. Nguyên nhân chính là giá tôm của Việt Nam cao hơn so với giá của các nguồn cung đối thủ.
Những tháng tiếp theo cho đến cuối năm, Ecuador, Ấn Độ và Indonesia sẽ tập trung hơn vào thị trường Trung Quốc do Mỹ áp thuế cao vì thế tôm của Việt Nam xuất vào Trung Quốc sẽ khó khăn hơn về giá đặc biệt là tôm sú nguyên con, tôm thẻ nguyên con…
Với Hàn Quốc, XK tôm Việt Nam sang Hàn Quốc chưa thể phục hồi. 5 tháng đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 124 triệu USD, giảm 9% so với cùng kỳ. Nhu cầu tiêu thụ chậm, lạm phát cao, tiền mất giá, lãi suất tăng khiến cho XK tôm Việt Nam sang Hàn Quốc rất khó phục hồi.
Thị trường khó khăn, ‘Vua tôm’ Minh Phú làm gì để đạt kế hoạch lợi nhuận kỷ lục?
Với thị trường tôm khó khăn như trên nên kết thúc quý I/2024, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (UPCoM: MPC) mới chỉ thực hiện được 0,7% dự trình lợi nhuận năm, dù ghi nhận lãi sau thuế đạt 7,2 tỷ đồng, cải thiện hơn nhiều so với khoản lỗ hơn 97,2 tỷ đồng của quý I/2023.
Tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm, ông Lê Văn Quang – Tổng Giám đốc MPC chia sẻ hôm 22/6 rẳng, vẫn chưa ghi nhận khả quan, thực hiện còn cách xa kế hoạch (lãi sau thuế 1.266 tỷ đồng năm 2024). Tuy sản xuất tăng nhưng xuất khẩu đang kém, ảnh hưởng từ việc Mỹ áp thuế cao với Trung Quốc, khiến Trung Quốc “lấy” hết tàu, container về nước. Điều này được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt qua tháng 7, từ đó giúp cải thiện tình hình xuất khẩu của công ty.
Trong năm 2024, Minh Phú đặt kế hoạch sản lượng 60.000-70.000 tấn tôm, doanh thu 18.569 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.266 tỷ đồng. Đây là con số chỉ tiêu kinh doanh cao kỷ lục. Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến từ 50% đến 70%. Như vậy, sau năm 2023 lỗ nặng, “vua tôm” Minh Phú kỳ vọng sẽ lấy lại đà tăng trưởng và đây cũng là mức lãi cao nhất kể từ năm 2008.
Chia sẻ về kế hoạch đầy khó khăn, tham vọng cùng định hướng của MPC, ông Lê Văn Quang cho hay, MPC tiếp tục với mục tiêu phát triển chuỗi giá trị tôm hướng đến kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trên nền tảng số.
Minh Phú đã và đang thực hiện số hóa chuỗi giá trị và cho phép truy xuất nguồn gốc từ trại giống tới trang trại nuôi, nhà máy chế biến và hệ thống phân phối đến người tiêu dùng.
MPC đặt chiến lược trọng tâm là đến năm 2030 giá thành tôm nguyên liệu Việt Nam bằng với Ecuador và đặt ra nhiều giải pháp để hướng đến mục tiêu này.
Đồng thời, doanh nghiệp sẽ hoàn thiện và đẩy mạnh sản xuất tôm giống theo công nghệ sinh học MPBiO (Minh Phú BiO) với mục tiêu đến năm 2035 MPC tự chủ được 50% nhu cầu tôm nguyên liệu.
Ngoài tập trung cho thị trường xuất khẩu chủ lực, công ty tìm kiếm thêm đơn hàng tại các thị trường mới như Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Australia, New zealand…
Ngoài ra, Minh Phú cũng gia tăng thị phần tôm nội địa trong năm nay, mục tiêu tăng lên 5-10%.
Thực tế hiện nay, ngành tôm còn nhiều hạn chế. Đó là nguồn nguyên liệu tiếp tục thiếu sự ổn định từ chất lượng đến giá thành. Tôm nuôi ở nước ta hiện khó cạnh tranh do hiệu quả thấp, giá cao và doanh nghiệp phải nhập nguyên liệu về chế biến nhiều…
Dù ngành tôm còn phải đối mặt với sự tăng trưởng không chắc chắn, các chuyên gia vẫn hy vọng xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn sẽ tăng 10 – 15%. Bởi vì, sự phục hồi kinh tế của các nước đưa tới nhu cầu tiêu thụ dần hồi phục. Các doanh nghiệp như Minh Phú sẽ đẩy mạnh sản phẩm chế biến sâu, giao thương thị trường…
Ngoài phát triển thị trường nội địa, Mỹ, EU, Minh Phú đang nhắm đến Trung Quốc, là đất nước có hơn 1 tỷ dân, sức tiêu thụ rất lớn, lại có biên giới với Việt Nam giúp tránh những rủi ro về vận chuyển đường dài trên biển. Minh Phú định hướng tăng bán hàng vào thị trường tiềm năng này lên 10%, sau đó là 20% và cao hơn trong năm nay và các năm tiếp theo để cố gắng hoàn thành mục tiêu lợi nhuận đã đề ra…
Nguồn: https://danviet.vn/nganh-tom-doi-mat-voi-nhieu-thach-thuc-minh-phu-lam-gi-de-dat-ke-hoach-loi-nhuan-ky-luc-2024062121394909.htm